Giá bán điện phải để thị trường tự điều tiết

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền chủ động tăng giá bán lẻ điện từ hôm qua, 15.8. Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá phải để thị trường tự điều tiết, tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc kỹ càng bởi giá điện tăng sẽ tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội.

Giá điện tăng sẽ khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng, gây tác động lớn tới thị trường. Ảnh: P.V

Các mức tăng...

Trường hợp giá bán điện bình quân tăng từ 3%-5%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng và chỉ cần lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá bán điện tăng từ 5%-10%, EVN được phép tăng giá bán bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp giá bán điện trên 10% hoặc ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát…

Doanh nghiệp và người dân chịu tác động thế nào?

Đánh giá hệ quả của việc tăng giá điện đối với doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, “chắc chắn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp bởi chi phí sản xuất đầu vào tăng. Nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Về phía doanh nghiệp, khó khăn nhất là các đơn vị sản xuất, đặc biệt là các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào ngành điện, ví dụ như ngành công nghiệp thép, ngành công nghiệp xi măng… Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tổng chi phí để sản xuất thép thì điện chiếm từ 7% trở lên tùy công nghệ, mỗi tấn phôi thép cần ít nhất là 400kWh. Như vậy, với mỗi tấn sản phẩm thép thành phẩm sẽ bị đội giá khá cao, tăng từ 2-3% nếu giá điện tăng đến 5%.

Theo số liệu của EVN, hiện cả nước có tới hơn 22 triệu hộ dân sử dụng điện. Trong đó điện sinh hoạt chiếm khoảng 30% sản lượng điện của cả nước.

Đánh giá tác động của giá điện tăng với đời sống dân sinh, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cho rằng: “Giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt gia đình, bởi điện là nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Trên góc độ khác, giá điện tăng tác động vào giá thành các loại sản phẩm, dịch vụ, tạo nên một trào lưu tăng giá ở tất cả các mặt hàng, trong đó có cả các mặt hàng tiêu dùng - cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân, như vậy một lần nữa chi phí gia đình bị tăng lên. Ngoài ra, giá cả hàng hóa - dịch vụ tăng cũng dẫn tới sức mua trên thị trường bị sụt giảm”.

Trong khi đó, thống kê của ngành điện cho thấy, số hộ sử dụng điện chiếm khoảng 95% tổng số hộ trên cả nước. Đặc biệt là các hộ trung lưu và cận nghèo. Như vậy, giá điện tăng sẽ tác động khá mạnh vào nhóm công chức và người hưởng lương khiến cho khả năng chi trả càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay mức lạm phát thấp, việc tăng giá điện ít gây tác động tới tình hình lạm phát nói chung nên nếu có việc tăng giá điện ở thời điểm này cũng phù hợp, chứ không thể để nhà nước bù lỗ cho ngành điện mãi được.

ĐỨC THÀNH - KHÁNH LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/gia-ban-dien-phai-de-thi-truong-tu-dieu-tiet-549556.ldo