Giá cả là “hạt nhân”

ANTĐ - Kinh tế nước ta bước vào năm 2014 với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tổng cầu, tiêu dùng đều giảm, song đã có những tín hiệu khả quan khơi dậy niềm tin kinh tế dần hồi phục và sẽ thoát đáy. Nhiều yếu tố đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2014”.

Kinh tế sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng và niềm tin của thị trường được củng cố đều kỳ vọng vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường và sự lành mạnh trong cạnh tranh như thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. Theo phân tích của các chuyên gia, nhà nước có chức năng tạo dựng thể chế kinh tế về giá cả. Nghĩa là những gì mà chức năng của thị trường phát huy những mặt tích cực của giá cả, thì nhà nước không tham gia. Nhà nước chỉ làm những chức năng mà thị trường không có và khắc phục những khuyết tật của thị trường.

Đối với từng loại thị trường, có sự phân cấp giữa nhà nước và thị trường về ổn định giá cả. Đối với thị trường độc quyền, nhà nước định mức giá cụ thể, ví dụ như giá điện, giá nước sạch. Tùy theo mức độ quan trọng của từng loại hàng hóa, có thể phân quyền Nhà nước Trung ương hoặc chính quyền địa phương định giá. Đối với thị trường vừa độc quyền vừa cạnh tranh như xăng dầu hiện nay, tuy có cạnh tranh nhưng còn rất ít, độc quyền vẫn rất lớn. Với loại thị trường này, nhà nước phải định giá trần. Còn độc quyền thì sử dụng giá sàn như thị trường phát điện hiện nay. Nhiều ý kiến đề xuất, tuyệt đối không để cho doanh nghiệp quyết định giá, dù là biên độ và tần suất định giá có nhỏ đến đâu thì doanh nghiệp cũng sẽ lợi dụng để tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chính vì chưa hiểu được sự phân cấp về định giá đối với loại thị trường này nên cho tới nay vẫn loay hoay chưa sửa đổi được Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu. Đối với hai loại thị trường này, nếu để cho doanh nghiệp tự quyết định giá, lợi dụng vị thế độc quyền hay vị trí thống lĩnh thị trường, thì họ sẽ định giá cao nhằm thu lợi nhuận gây thiệt hại cho người dân. Nhà nước định giá cũng không thể đi ngược lại quy luật cung cầu của thị trường mà vẫn phải chịu sự chi phối của quy luật này. Giá của nhà nước đối với các sản phẩm độc quyền phải sát giá thị trường, nghĩa là phải tính đúng, tính đủ, và hợp lý chi phí sản xuất cộng với mức lợi nhuận hợp lý. Còn trên thị trường cạnh tranh giá cả do thị trường quyết định, nhà nước không định giá, chỉ can thiệp khi có biến động giá, bằng các biện pháp gián tiếp.

Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, tất yếu sinh ra độc quyền. Một chuyên gia kỳ cựu về giá cả thị trường ví von cạnh tranh và độc quyền là “cặp song sinh”. Bất kỳ nền kinh tế nào nhà nước cũng cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát độc quyền. Giá cả là “hạt nhân”, là trung tâm của kinh tế thị trường.

Đan Thanh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/van-de-hom-nay/gia-ca-la-hat-nhan/539623.antd