Giá cao “kìm chân” kinh tế châu Á

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2008 sẽ bị tác động đáng kể bởi giá dầu mỏ leo thang, giá thực phẩm tăng vọt, nền kinh tế Mỹ suy thoái, kèm theo những biến động của thị trường tài chính toàn cầu và lạm phát tăng cao.

gc217 Đó là nhận định chung của giới phân tích khi đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung và khu vực châu Á-TBD nói riêng trong năm nay. Các nền kinh tế châu Á đều đối mặt với khó khăn Lâu nay, châu Á vốn được thế giới biết đến như một ''khu vực kinh tế định hướng xuất khẩu'', phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại, vì thế dễ bị "tổn thương" trước các yếu tố trên. Giá dầu leo thang sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các nhà sản xuất châu Á, trong khi giá cả tăng sẽ "giáng" thêm một đòn nữa vào chi phí sản xuất, còn đối tác hàng đầu là Mỹ cũng đang phải vật lộn với những khó khăn của chính mình. Trung Quốc, nền kinh tế đầu tàu châu Á đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/08 lên mức cao nhất 12 năm qua; chi phí sản xuất tại các nhà máy tháng này đã tăng 6,6%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, chỉ số giá bán buôn tại nước này đã tăng 3,44% tháng 2/08, so với 3% tháng 1, tăng mạnh nhất 27 năm qua. Hàn Quốc cũng đang trải qua cơn "bão giá". Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tháng 2 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ tư tăng liên tiếp. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, kinh tế Hàn Quốc năm nay nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng trên 4% so với 4,6% năm 2007. Australia không chỉ đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu leo thang và khủng hoảng tín dụng toàn cầu mà còn phải đối phó với tình trạng lãi suất tăng, khiến nhu cầu nội địa giảm và kìm hãm đà tăng trưởng. Các chuyên gia đều cho rằng tăng trưởng kinh tế nước này sẽ chậm lại còn khoảng 2,5% tài khóa 2008 và 2009. Tại Ấn Độ, tỷ lệ lạm phát đã lên mức 5,02%, cao hơn mức 5% mà Ngân hàng trung ương Ấn Độ đặt ra. Ấn Độ dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2008 giảm xuống 8,8% so với 9,6% năm 2007. Thực trạng giá cả leo thang, lạm phát gia tăng đã kéo theo nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo. Chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu Tại Philippines, sinh hoạt phí leo thang khiến nhiều người lâm vào cảnh bần cùng. Theo Bộ Kế hoạch kinh tế nước này, giá dầu và thực phẩm tăng cao khiến gần 4 triệu dân phải sống dưới mức nghèo khổ. Với 90 triệu dân, tiêu thụ 33 nghìn tấn gạo mỗi ngày, Philippines đang cố gắng ngăn chặn giá gạo tăng bằng cách mua vào 1,8 triệu tấn gạo trong năm nay. Nhiều chính phủ ở châu Á cũng đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ người nghèo đối phó với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp về giá và tín dụng để kìm chế mức lạm phát ở mức 4,8%. Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chính sách ấn định hạn ngạch tạm thời đối với xuất khẩu lúa mì, ngô và bột gạo. Bộ Tài chính nước này cũng công bố thuế xuất nhập khẩu mới, lên tới 25%, đối với nhiều loại ngũ cốc, kể cả lúa mì, ngô, gạo và đậu nành. Ông A.Abbassian, một quan chức của FAO, cho biết việc Trung Quốc và Nga ấn định hạn ngạch và tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc đang gây nhiều áp lực cho những nước phải nhập khẩu lương thực. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mới đây đã tuyên bố chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Chính phủ nước này lập một nhóm chuyên trách ngăn chặn lạm phát; giảm 10% thuế nhập khẩu xăng dầu, ấn định mức thu phí một số dịch vụ và giao thông vận tải. Thuế các mặt hàng nông sản dùng trong chế biến thức ăn gia súc sẽ được miễn. Tại Ấn Độ, chính phủ đã bắt đầu hủy bỏ thuế nhập khẩu đánh vào bột mì để tìm cách kìm hãm đà tăng giá lương thực, trong khi chính quyền nhiều nước khác cũng đang ra sức kiểm soát giá thực phẩm vì e ngại rối loạn có thể xảy ra ở những cộng đồng có thu nhập thấp. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), so với cú "sốc" dầu mỏ thập niên 70-80 của thế kỷ trước, việc giá dầu tăng hiện nay để lại hậu quả lớn hơn nhiều do tình trạng chững lại của nền kinh tế Mỹ. Lạm phát chịu ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt, hạn chế khả năng phản ứng của giới hoạch định chính sách. Những biện pháp khôi phục việc trợ cấp cho người nghèo có thể sẽ phản tác dụng vì chúng làm cạn kiệt ngân sách nhà nước.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29775-gia-cao-kim-chan-kinh-te-chau-a