Giá dầu giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 1997

Trong nửa đầu năm nay, giá dầu đã có mức giảm mạnh nhất trong gần 20 năm qua, mặc cho những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC.

Giá dầu thô hôm thứ Sáu tăng, hồi phục nhẹ sau những phiên giảm mạnh đầu tuần, nhưng tính trong cả nửa đầu năm nay thì giá dầu vẫn có mức giảm mạnh nhất trong gần 20 năm qua.

Giá dầu Brent tương lai hiện được giao dịch ở 45,33 USD/thùng, tăng 11 cent hay 0,2% so với giá đóng cửa phiên trước. Giá dầu WTI cũng thiết lập mức tăng 0,2%, tức 9 cent lên 42,83 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm 20% từ đầu năm tới nay, mặc cho những nỗ lực cắt giảm sản lượng xuống 1,8 triệu thùng mỗi ngày được OPEC khởi xướng từ tháng Một.

Theo Reuters, đây là diễn biến tồi tệ nhất của giá dầu kể từ năm 1997. Năm đó, sản lượng tăng và khủng hoảng tài chính châu Á đã làm giá dầu giảm mạnh.

Hôm 25/5 vừa qua, OPEC đã gia hạn cắt giảm sản lượng tới hết quý I/2018, thay vì kết thúc vào cuối tháng này. Tuy nhiên kể từ đó tới nay, giá dầu vẫn tiếp tục giảm 15%.

Giá dầu suy yếu là do có nhiều nghi ngại về khả năng của OPEC trong việc kiềm chế nguồn cung dầu thô dư thừa, vốn tràn ngập thị trường từ năm 2014, khiến sản lượng vượt trội so với mức tiêu thụ.

"Đà trượt giá dầu sau cuộc họp của OPEC đã dài hơn và sâu hơn so với dự báo của chúng tôi trước đó", là đánh giá của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) trong báo cáo triển vọng nửa đầu năm.

"Dầu thô và các sản phẩm dầu chiếm 5 trong số 10 loại hàng hóa có diễn biến tồi tệ nhất năm nay, do nguồn cung dư thừa hơn so với mức nhu cầu trung bình", ngân hàng này cho biết.

JP Morgan xem đây không chỉ là xu hướng giảm ngắn hạn.

"Đầu năm 2018, sự kết hợp giữa sản lượng cao kỷ lục tại Mỹ và việc OPEC chấm dứt nỗ lực cắt giảm sản lượng rất có thể sẽ đưa giá dầu quay lại mức 40 USD/thùng", ngân hàng này dự báo.

Vấn đề hiện giờ là những nỗ lực giảm sản lượng của các nhà cung cấp truyền thống như OPEC và Nga đã vấp phải đà tăng sản lượng của Mỹ.

Nhờ các giàn khoan dầu đá phiến, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn 10% trong năm ngoái lên 9,35 triệu thùng/ngày, gần ngang ngửa với nước xuất khẩu hàng đầu là Ả-rập Xê-út.

Sản lượng dư thừa cũng đã khiến các kho dự trữ tăng lên.

"Tồn kho từ đầu năm tính đến tháng Tư đã tăng 80 triệu thùng, làm dấy lên những mối lo ngại về tính hiệu quả trong khả năng quản lý thị trường của OPEC", ngân hàng Mỹ Jefferies cho biết.

"Chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng lượng tồn kho sẽ giảm 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong quý II/2017, nhưng vẫn cần thêm bằng chứng để có thể đẩy giá dầu vào xu hướng tăng", ngân hàng này cho hay.

Nhật Duy

Nguồn Reuters

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/thi-truong/hang-hoa/gia-dau-giam-manh-nhat-ke-tu-khung-hoang-tai-chinh-1997-3319356/