Giá dầu lao dốc, kéo chứng khoán đổ đèo

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh hơn 5% trong phiên thứ 2 liên tiếp, khiến chứng khoán đồng loạt giảm theo.

Chứng khoán Âu, Mỹ lại chứng kiến cảnh bán tháo trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu (Ảnh minh họa: AFP)

Sau khi giảm 6% trong phiên đầu tuần, giá dầu thô tiếp tục giảm hơn 5% trong phiên thứ Ba, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm tới 3,3%, kéo phố Wall giảm mạnh theo.

Ngoài chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thô, kết quả kinh doanh kém khả quan của Exxon Mobil. Theo đó, sự sụt giảm của giá dầu thời gian qua khiến lợi nhuận của tập đoàn dầu khí này giảm mạnh trong quý IV/2015, xuống mức thấp nhất 10 năm và dự báo giảm 25% trong tổng vốn đầu tư năm 2015.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Dow Jones giảm 295,64 điểm (-1,8%), xuống 16.153,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,35 điểm (-1,87%), xuống 1.903,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 103,42 điểm (-2,24%), xuống 4.516,95 điểm.

Cũng giống phố Wall, giá dầu thô lao dốc cũng kéo chứng khoán châu Âu đổ đèo trong phiên thứ 3 khi các chỉ số chính đều giảm trên dưới 2%. Không chỉ Exxon Mobil, giá dầu thô giảm mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của Tập đoàn BP khiến cổ phiếu của tập đoàn dầu khí này giảm 8,7% trong phiên thứ Ba, mức giảm trong ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2010.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 138,09 điểm (-2,28%), xuống 5.922,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 176,84 điểm (-1,81%), xuống 9.581,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 108,34 điểm (-2,47%), xuống 4.383,99 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù sự tác động tiêu cực của giá dầu thô giảm không rõ nét, nhưng chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản cũng đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Ba do áp lực chốt lời của nhà đầu tư sau khi thị trường tăng mạnh 2 phiên liên tiếp sau quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa lãi suất về -0,1% cuối tuần trước.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có phiên hồi phục mạnh trong ngày thứ Ba, nhưng không đủ sức kéo chứng khoán Hồng Kông hồi theo do thị trường chứng khoán Hồng Kông bị nhóm cổ phiếu năng lượng níu chân.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 114,55 điểm (-0,64%), xuống 17.750,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 148,66 điểm (-0,76%), xuống 19.446,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 60,72 điểm (+2,26%), lên 2.749,57 điểm.

Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giúp giá vàng khá tích cực trong phiên thứ Ba và có lúc mốc 1.130 USD/ounce đã được chinh phục. Tuy nhiên, vào cuối phiên Mỹ, áp lực chốt lời khiến giá kim loại quý này hạ nhiệt và chỉ còn có được mức tăng rất nhẹ.

Kết thúc phiên 2/2, giá vàng giao ngay tăng 1,0 USD (+0,09%), lên 1.129,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 0,6 USD (-0,05%), xuống 1.127,3 USD/ounce.

Thông tin về việc Nga và OPEC có thể đàm phán cắt giảm sản lượng để giúp giá dầu thô có tuần tăng ấn tượng tuần trước. Tuy nhiên, ngay khi bước vào tuần giao dịch mới, cũng là tuần đầu tiên của tháng 2, giá dầu thô đã giảm trở lại. Ngoài lo ngại về sức khỏe của kinh tế toàn cầu, khả năng đạt được thỏa thuận giữa Nga và OPEC khó xảy ra cũng khiến giá dầu thô lao dốc trong 2 phiên đầu tuần.

Bên cạnh đó, lo ngại thời tiết mùa Đông khắc nghiệt tại Mỹ cũng đã giảm bớt, làm giảm nhu cầu dầu sưởi ấm cũng tác động tiêu cực lên giá dầu thô.

Sau khi giảm 6% trong phiên thứ Hai, giá dầu thô tiếp tục giảm hơn 5% trong phiên thứ Ba và một lần nữa đánh mất mốc 30 USD/thùng.

Kết thúc phiên 2/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,74 USD/thùng (-5,82%), xuống 29,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,52 USD (-4,65%), xuống 32,72 USD/thùng.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/gia-dau-lao-doc-keo-chung-khoan-do-deo-142605.html