Giá dầu và cục diện năng lượng mới

(TBKTSG) - Tin tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC “không đảm bảo” sẽ cắt sản lượng dầu thô vào cuộc họp tháng 11 tới, để cắt đà giảm giá dầu như thông lệ và tuyên bố trước đó, có thể do e ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế thế giới; mà cũng có thể do giá dầu hiện nay không hẳn phụ thuộc vào việc OPEC cắt giảm sản lượng nữa.

Thanh Hương

Nguồn: oilprice.com

Cầu giảm, cung tăng

Giữa tháng 9, giá dầu thô thế giới đã xuống dưới 97 đô la/thùng, thấp nhất trong vòng 26 tháng, giảm 15% chỉ trong vòng ba tháng qua, theo oilprice.com.

Dự báo giá dầu thô Brent (chỉ số giá dầu châu Âu) tháng 10 sẽ xuống đến khoảng 96,21 đô la một thùng, thấp nhất từ 2-7-2012, rồi hồi phục nhẹ nhưng vẫn dưới mức 97 đô la. Tuần trước, giá tháng 10 của WTI (West Texas Intermediate - chỉ số giá dầu Mỹ) chỉ còn 91,5 đô la trên sàn giao dịch hàng hóa New York.

Tuần trước, Reuters trích lời một nguồn tin từ vùng Vịnh cho rằng OPEC nhận định nhu cầu dầu sẽ hồi phục vào cuối năm dù giá dầu có thể sẽ phải dao động 5% dưới mức 100 đô la/thùng, và vì thế không cần phải can thiệp vào giá dầu. Việc OPEC không tỏ ra quyết tâm cắt giảm sản lượng (hiện là 30 triệu thùng/ngày) cho thấy dường như mức giá dưới 100 đô la/thùng không còn là ngưỡng “không chấp nhận được” như trước nữa.

Đáng ngạc nhiên là, giá dầu lại sụt giảm liên tiếp vào thời điểm chiến sự căng thẳng ở những khu vực liên quan đến dầu mỏ (Iraq, Syria, nhất là Nga và Ukraine...) mà theo lẽ thường sẽ khiến giá dầu leo thang.
Một nguyên nhân kỹ thuật khiến giá dầu giảm là do đồng đô la Mỹ đã tiếp tục mạnh hơn so với đồng yen Nhật, cao nhất trong sáu năm, theo MarketWatch. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ khiến giá hàng hóa tính theo đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với các nước dùng đồng tiền khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA - International Energy Agency) cho rằng sự sụt giảm giá dầu liên tiếp các tháng gần đây chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dầu thế giới đang tăng lên.

Cụ thể về phía cầu, kinh tế châu Âu vẫn chưa được hồi phục, và nền kinh tế lớn Trung Quốc đã hạ nhiệt từ tháng 8, đặc biệt là sản xuất giảm đến mức thấp nhất trong sáu năm qua.

Báo cáo của Trung Quốc cho thấy mức giảm về năng lượng xuất hiện từ năm 2010, kéo theo dự đoán của IEA về nhu cầu đối với dầu giảm 0,9 triệu thùng/ngày trong năm 2014 và 1,2 triệu thùng/ngày năm 2015. Như vậy nhu cầu dầu toàn thế giới năm 2014 và 2015 tương ứng là 92,6 và 93,8 triệu thùng/ngày. Kinh tế Trung Quốc được xem là nhân tố có thể quyết định sự tăng trưởng của thế giới và nhu cầu đối với dầu nói chung, và mức cầu này hiện không theo kịp mức cung.

Về phía cung, Mỹ tiếp tục sản xuất năng lượng với sản lượng tăng đáng kể. Năm 2008 Mỹ sản xuất 5 triệu thùng/ngày, theo IEA. Vào tháng 6, Mỹ sản xuất 8,5 triệu thùng/ngày, tăng 500.000 thùng so với đầu năm, bao gồm sản xuất dầu từ đá phiến ở Bắc Dakota và Texas. Sản lượng tăng khiến nước này tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu dầu.

Libya, với sản lượng dầu tháng 8 trung bình khoảng 538.000 thùng/ngày, gấp đôi sản lượng tháng 6, hiện đã lên đến 800.000 thùng, và dự kiến tăng sản lượng lên 1 triệu thùng/ngày trong tháng 10.

Cùng lúc đó, Saudi Aramco và công ty năng lượng đối tác ở Bắc Kinh là Sinopec đã bắt đầu thử nghiệm nhà máy lọc dầu mới ở Yanbu, bờ Biển Đỏ Ảrập Saudi, có thể sản xuất 400.000 thùng dầu một ngày và sẽ bắt đầu xuất khẩu dầu vào tháng 11 tới.

Cục diện mới

Việc sản lượng tăng trong khi nhu cầu giảm là vấn đề lớn với OPEC, theo báo cáo của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ này. OPEC đã giảm mức nhu cầu năm 2015 đi 200.000 thùng/ngày và tháng 8, Ả Rập Saudi đã cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày để chặn đà tăng nguồn cung.

Giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước xuất khẩu dầu mỏ do ngân sách các nước này thường rất lệ thuộc vào nguồn thu này. Ví dụ, Iran cần giá dầu ở mức 136 đô la/thùng mới có thể trang trải đủ các chi tiêu công. Các nước như Nigeria, Ecuador, Venezuela, Iraq, đang đối mặt với thiếu hụt ngân sách và đang mong chờ giá dầu tăng trở lại. Nga cũng cần dầu ở mức 110-117 đô la/thùng để bù đắp chi tiêu, và với nền kinh tế vốn đã yếu, giá dầu thấp như hiện nay có thể khiến Nga thâm hụt khoảng 19 tỉ đô la vào cuối năm nay.

Ảrập Saudi sẵn sàng cắt giảm sản lượng để giảm nguồn cung nhằm đẩy giá dầu tăng lên, nhưng có lẽ điều này sẽ không mấy hiệu quả nữa. Bởi vì việc dự trữ dầu sẽ càng khiến việc sản xuất ở dưới mức công suất, và công suất dư thừa có thể khiến vương quốc dầu mỏ này phải sản xuất nhiều hơn để bù lại khi nhu cầu tăng lên hay nguồn cung giảm đi, khiến thị trường sẽ nguội bớt và như thế việc cắt giảm sản lượng sẽ không còn hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, giảm sản lượng lúc này có thể ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế mong manh trên toàn cầu. Do đó, có vẻ như giá dầu sẽ còn ở mức thấp thời gian lâu.

Trong khi đó, EIA còn dự báo sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong năm 2015 đến mức 9,5 triệu thùng/ngày. Lúc đó, giá WTI có thể được giữ ở mức 94 đô la/thùng và giá Brent sẽ ở mức 103 đô la/thùng.

Mỹ đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới từ năm 2010 do áp dụng kỹ thuật fracking (kỹ thuật dùng thủy áp bẻ gãy các lớp đá phiến thạch, giải thoát dầu khí giữa các ngăn đá đó rồi trôi lên mặt đất) cho phép sản xuất cả dầu và khí thiên nhiên từ đá phiến, theo The Wall Street Journal. Điều này đã thay đổi cục diện an toàn năng lượng của Mỹ, theo đó, thay đổi sự lệ thuộc của nước này vào quan hệ với các nước xuất khẩu dầu trước đây.

Nhưng Bắc Kinh sẽ không để Mỹ dễ dàng trở thành “tay chơi” lớn nhất trên thị trường năng lượng thế giới, theo bình luận của Forbes. Nguồn đá phiến cũng rất dồi dào ở Trung Quốc, được EIA đánh giá là trữ lượng lớn nhất thế giới, vào khoảng 240 tỉ tấn, gấp đôi trữ lượng của Mỹ cho dù về kỹ thuật thì ở tầng sâu hơn và khó khai thác hơn các mỏ đá phiến ở Bắc Mỹ, theo Technology Review.

Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch phát triển khai thác dầu từ đá phiến để bảo đảm an toàn năng lượng, mục tiêu đến năm 2020 là dầu từ đá phiến cung cấp 6% nhu cầu năng lượng nước này, theo kế hoạch năm năm 2011-2015 của Chính phủ Trung Quốc. Và nếu nền kinh tế này cũng đi theo con đường tự cung tự cấp năng lượng cho sản xuất của mình như Mỹ, có vẻ như cơ cấu quyền lực năng lượng có thể quyết định giá dầu thế giới sẽ còn khác đi rất nhiều.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/120472/gia-dau-va-cuc-dien-nang-luong-moi.html/