Giá dịch vụ tăng, chất lượng có tăng?

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên thì chất lượng có tăng không? Người dân có thực sự hưởng lợi từ giá dịch vụ tăng?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Theo Nghị định 16 thì trong năm 2017 thì phải hoàn thành tính đúng, tính đủ về yếu tố đầu vào trực tiếp, nhưng đến năm 2017 chúng ta chưa thực hiện được do phải xem xét CPI để chống lạm phát. Khi giá tính đúng, tính đủ, thay vì người dân bù thêm giá chưa được tính thì được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, người dân sẽ đỡ mất tiền túi. Giá tăng thì chất lượng phải tăng.

Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. (Ảnh Tuổi trẻ)

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành Y tế sẽ thúc đẩy đổi mới toàn diện phong cách phục vụ, trước giờ khám bệnh phải cúi chào bệnh nhân, niềm vui và hạnh phúc là phục vụ bệnh nhân. Đối với nhà nước thì giảm chi ngân sách cho các chi phí trực tiếp vào lương.

Theo thống kê chưa đầy đủ đơn vị trực thuộc Bộ từ khi tính lương vào giá, thì ngành Y tế đưa không phụ cấp vào lương khoảng 10 nghìn tỷ đồng, đó là chưa lấy chi phí tái đầu tư theo Quỹ phát triển trích lại. TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn, giai đoạn đầu báo cáo chưa đầy đủ cũng đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng không phải cho ngành Y tế. Đó cũng là lợi cho người dân, nhà nước và các cơ sở y tế.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời như vậy, song theo ý kiến của người dân và cá nhân người viết cho rằng, nếu xét về dài hạn giá dịch vụ y tế tăng, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao theo. Tuy nhiên, xét về ngắn hạn và trung hạn việc tăng một số dịch vụ y tế có thể khẳng định chất lượng khó có thể tăng theo. Có dịp vào các bệnh viện hiện nay, nhìn chung giá cả tương đối đắt. Và điều đặc biệt, không phải người nào có bảo hiểm y tế cũng được miễn 100%; không phải điều trị bệnh nào cũng được bảo hiểm chi trả 100%; Thậm chí, có những bệnh được bảo hiểm chi trả 70- 90% song các “dịch vụ" đi kèm như máu, thuốc biệt dược bệnh nhân phải chịu hoàn toàn.

Thế nên, khi giá một số dịch vụ tăng khẳng định không ảnh hưởng đến người bệnh là không đúng. Không những thế, khi giá dịch vụ tăng thì phải khẳng định rất khó để có thể 1- 2 năm các bệnh viện đổi mới được trang thiết bị, cũng như xây mới các phòng ốc để không còn tình trạng ghép, nằm chung giường vốn đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay. Từ thực tế này, câu hỏi giá dịch vụ tăng, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh có tăng? Có lẽ chỉ thời gian mới có thể trả lời được.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gia-dich-vu-tang-chat-luong-co-tang-54908.html