Gia đình 3 đời điện giật không chết

GiadinhNet - Dân làng lại được một phen sửng sốt khi mới đây, gia đình ông Thắng phát hiện ra cháu đích tôn mới 6 tuổi cũng không bị điện giật.

Chuyện ông Dương Đình Thắng (thôn Phúc Nghiêm, xã Ngọc Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang) sờ điện 220V không giật đã là một phát hiện sửng sốt từ những năm 75 của thế kỷ trước. Rồi sau đó 15 năm, anh Dương Minh Lơi, con trai ông Thắng cũng tình cờ phát hiện ra mình "miễn điện". Chuyện đến thế cũng đã đủ lạ kỳ lắm rồi. Nhưng dân làng lại được một phen sửng sốt khi mới đây, gia đình ông Thắng phát hiện ra cháu đích tôn mới 6 tuổi cũng không bị điện giật.

Ông Thắng trình diễn khả năng miễn điện. Ảnh: T.Q

Phát hiện thêm “truyền nhân”

"Đã mấy chục năm nay, tôi gắn bó với nghề điện và "miễn điện" hoàn toàn, kể cả lúc ốm đau hay khỏe mạnh. Nhưng, tôi không bao giờ cho cháu Mạnh nghịch điện và luôn khuyên bảo nó phải luôn cẩn thận với dòng điện. Có thể lúc này miễn điện, nhưng ai mà biết được, đến một lúc nào đó cơ thể không miễn được thì sao. Chính vì điều đó mà tôi không bao giờ tự dưng đưa con hay cháu sờ vào điện để thử có "miễn điện" hay không. Rất có thể nhà tôi còn có người không bị điện giật cũng nên", ông Dương Đình Thắng nói.

Cháu đích tôn của ông Thắng là Dương Tiến Mạnh mới chập chững bước vào lớp một và cũng tình cờ được phát hiện khả năng "miễn điện". Giọng hào sảng, ông Thắng kể lại phát hiện mới nhất của gia đình: "Cái thằng Mạnh này tính khí hiếu động, hay nghịch đồ người lớn lắm. Chúng tôi vừa mới phát hiện ra khả năng miễn điện của cháu, chứ chẳng ai đang không có việc gì lại bắt cháu thò tay vào điện xem có bị giật hay không. Một lần, bố cháu đang hàn điện, vô tình để dây điện hở. Thằng bé không biết bèn đến cầm lấy. Bố nó thấy con cầm nguồn điện lưới, giật mình nhào đến cắt cầu dao rồi lao đến ôm thằng bé. Ai ngờ nó vẫn thản nhiên bình thường, chẳng bị làm sao cả. Vậy mới biết nó cũng miễn điện".

Những lần sau ông "liều" hơn, cho cháu mình chạm thử điện để kiểm chứng. Kỳ diệu thật. "Nó cũng có khả năng như bố và ông nó. Từ trước những năm giải phóng, tôi được học về điện và sau năm 1975, tôi về công tác tại công ty 2 thuộc Bộ Thủy lợi chuyên đi lắp đường dây. Tôi biết mình có khả năng đặc biệt khi bị ngã vào dây điện, người khác bị giật, mình không. Đó là khả năng đặc biệt mà "ông trời ban cho", chứ chẳng có sách vở nào nói rằng tính miễn điện lại được... di truyền cả", ông Thắng nói.

Tuy chưa có cơ sở khoa học nào nói về tính di truyền khả năng "miễn điện" nhưng ông Thắng vẫn cảm thấy thú vị khi gia đình ông “lập kỷ lục” với 3 đời "miễn điện". Ông cho biết: "Trường hợp ông cháu chúng tôi biết được khả năng "miễn điện" rất tình cờ. Bây giờ, có thể trong gia đình còn có người "miễn điện" cũng nên. Bởi vì chúng tôi không tự dưng cho con cháu mình cầm điện để thử có bị giật hay không".

Cách đây khoảng vài năm, một đoàn công tác ở Hà Nội về trực tiếp làm việc với ông Thắng. "Sau khi kiểm tra sức khỏe, họ dùng máy móc hiện đại kiểm tra và kết luận, tôi có điện trở trong người lớn gấp 20 lần người bình thường. Để thử khả năng chịu điện của mình đến đâu. Có lần tôi đã cầm vào dây nóng đường điện 380V. Thấy tay tê tê như kim đâm, nhưng không có cảm giác bị giật. Đó là trường hợp không đi dép hoặc một tay cầm dây điện một tay sờ vào những vật tươi như cây, cỏ. Còn bình thường được cách mát, điện 380V cũng không hề hấn gì đối với mình. Tương tự như thế, mấy ngày gần đây, dùng nguồn điện đó thực hành. Kết quả cho thấy cháu Mạnh cũng chỉ bị tê tê như ông nội. Chứng tỏ, điện trở trong người Mạnh cũng lớn hơn người thường khoảng 20 lần như tôi vậy", ông Thắng suy diễn.

Để kiểm chứng chuẩn xác hơn, ông Thắng đã thử khả năng "miễn điện" của Mạnh lúc ốm đau, mệt mỏi. Tất cả đều có chung một đáp án: không bị giật. Ông cười xòa: "Đúng là 3 đời "miễn điện", tiếc là cụ nội và bố tôi mất đi khi còn chưa có điện. Có khi các cụ cũng "miễn" với điện cũng nên". Tuy nhiên đó chỉ là suy diễn. 5 cháu trai của ông Thắng chỉ có Mạnh tự ý nghịch điện mới phát hiện ra khả năng miễn điện, những cháu khác chưa biết thế nào. Tuy nhiên, anh con thứ hai của ông thì đã từng nhiều lần bị điện giật. Điều đó cho thấy cùng huyết thống với ông Thắng chưa hẳn đã "sờ được điện".

Hai ông cháu "người điện". Ảnh: Q.T

Chiếc bút thử điện đỏ lừ khi châm vào người ông.

Bé Mạnh (6 tuổi), cũng có khả năng “miễn điện” như ông.

… và những chuyện vác tù và

Hỏi thăm về "ông Thắng miễn điện", ngay từ thị trấn Thắng, người ta đã biết rõ mồn một nhà ông ở thôn Phúc Nghiêm, xã Ngọc Sơn. Chúng tôi đến nhà khi ông đang hì hụi nấu bữa trưa giúp vợ. Chưa kịp trình bày, ông Thắng nhìn thấy chúng tôi với ba lô, máy ảnh, sổ ghi chép đã nhanh miệng: "Nhà báo về "kiểm tra" khả năng của cha con chúng tôi à?".

Định đề nghị ông thử sờ tay vào điện lưới để kiểm chứng, bất chợt chúng tôi sực nhớ tới sự việc năm 2006 - một "siêu nhân miễn điện" là ông Huỳnh Văn Hùng (ngụ ấp Ô Rô, xã Định Bình, TP Cà Mau), sau khi sửa đường điện cho bà con, đến lúc đóng điện thị bị điện giật chết ngay tại chỗ - khiến chúng tôi ngập ngừng. Nhỡ lần này ông Thắng mất khả năng "miễn điện" thì nguy to. Như đọc được ý nghĩ của chúng tôi, ông Thắng cười xòa: "Thằng con và đứa cháu thì tôi không chắc, chứ riêng tôi "miễn điện" mọi trường hợp. Có những lúc ốm thập tử nhất sinh, hay những lúc mới tắm xong, thậm chí trời mưa to, những lúc đó điện trở trong người có thể thay đổi, ấy vậy mà chẳng hề hấn gì". Nói rồi, ông lấy một sợi dây nhôm chọc vào ổ điện và bảo chúng tôi dùng bút thử điện châm vào tay ông. Tức thì bút thử điện đỏ lừ lừ.

Ông Thắng kể, xã Ngọc Sơn quê ông có điện từ năm 1990 của thế kỷ trước. Sẵn có tay nghề và khả năng đặc biệt, ông được cử vào làm trong ban điện của địa phương. Từ ngày đó, ông trở thành thợ sửa điện "sống" của dân làng. "Có những đợt mưa lũ, nước dâng cao, dây điện bị chập lung tung. Trời đang mưa mà tôi vẫn một mình trèo lên cột điện kéo dây lên hoặc nối lại dây. Nhiều người bảo, ông này điên, không may điện nó giật cho mất mạng. Một phần là biết mình "miễn điện", phần khác vì trách nhiệm mình là người quản lý đường dây, không may để sà dây xuống giật chết trâu bò của bà con. Tiền đâu mà đền", ông kể.

Ông Dương Đình Thắng không biết từ lúc nào đã trở thành thợ điện giúp dân làng. Thậm chí ông còn sửa điện cho UBND huyện Hiệp Hòa và các UBND xã, các cơ quan đoàn thể và các nhà trường lân cận. Đồ nghề của ông chẳng có gì, ngoài đôi bàn tay. Trong mọi tình huống, ông Thắng đều sửa điện "sống", không cần phải cắt cầu giao.

Ông Thắng chuẩn bị bước sang tuổi 59, nhưng vẫn miệt mài với việc sửa điện cho dân làng. "Một năm 365 ngày, trừ ma chay cưới hỏi lễ lạt phải tham dự, tôi đều tiếp xúc với điện. Sờ điện nhiều lần trong nhiều năm vậy mà không hề hấn gì. Chuẩn bị sang tuổi lão rồi, không có cảm giác đau đầu chóng mặt, tim đập chân run gì cả", ông Thắng nói. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Lượt thì không lúc nào ngớt âu lo: "Cha con ông cứ chủ quan. Nhỡ đâu mất khả năng miễn điện. Ai hay biết. Tốt nhất ông vẫn nên tuân thủ các nguyên tắc an toàn về điện".

Thúy Quang

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20111117083631939p0c1000/gia-dinh-3-doi-dien-giat-khong-chet.htm