Gia Lai: Bí đao chờ tiêu thụ – người nông dân cầu cứu ai?

Nhiều ngày qua, nông dân làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê lâm vào tình thế điêu đứng khi bí đao chất thành từng đống chờ tiêu thụ đã bắt đầu hư thối, nhưng doanh nghiệp chẳng thấy bóng đâu…

Doanh nghiệp “đem con bỏ chợ”?

Mọi chuyện phải kể từ lúc phía Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên (Địa chỉ: 127 Lý Thường Kiệt, TP.Pleiku, Gia Lai) về làng giới thiệu sản phẩm bí đao Đài Loan ít vốn, siêu lợi nhuận. Bên cạnh việc chào mời, công ty này còn hứa hẹn với bà con nông dân sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 5.000 đồng/ kg bí đao sau khi thu hoạch. Lòng tin của dân càng được đại diện Công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên củng cố bằng những bản hợp đồng đóng dấu đỏ. Song song với việc bao tiêu thụ sản phẩm, người dân được doanh nghiệp nói trên hứa hẹn hỗ trợ mọi mặt từ cây giống, phân bón. Thậm chí doanh nghiệp còn mời cả chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn phương thức trồng và chăm sóc cho cây bí đao trên nền hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Isarel…

Bí đao chất thành từng đống đang trong thời kỳ hư thối

Với hy vọng làm giàu từ giống cây trồng mới, nhiều hộ gia đình đã bỏ ra khoản tiền đầu tư lên đến vài trăm triệu đồng để cải tạo đất, mong có được một khoản thu siêu lợi nhuận. Chỉ cần bỏ vốn đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha cho một mùa vụ là có thể thu lại được 60 tấn/ha. Thành phẩm được đảm bảo đầu ra khiến nhiều nông dân càng tin tưởng, không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để đầu tư trồng giống bí đao mang nhãn hiệu Đài Loan… được Công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên giới thiệu.

Theo ông Nguyễn Văn Bát, một trong những hộ dân ký kết hợp đồng với Công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên đã gieo trồng 3ha bí đao Đài Loan cho biết: “Những ngày đầu gieo trồng cây bí đao giống Đài Loan rất khó khăn. Đây là giống cây mới, rất khó gieo trồng, những hộ dân cùng ươm giống với gia đình tôi tỉ lệ nảy mầm chỉ được 20 – 40%. Nhiều hộ gặp cảnh cây trồng bị chết yểu dẫn đến thiếu giống phải đến công ty mua thêm giống bí đỏ về trồng để phủ kín diện tích”. Để tạo lòng tin về phía người dân, thời gian đầu, công ty có cử chuyên gia người nước ngoài đến hướng dẫn bà con phương thức canh tác, sản xuất cho phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng. Đồng thời khuyến khích người dân sử dụng phân bón, các thuốc bảo vệ thực vật của công ty để kích thích cây phát triển. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, những chuyên gia thăm vườn ngày càng thưa dần, sau đó ngừng hẳn thì người dân mới mơ hồ nhận ra mình có khả năng bị lừa.

Bản hợp đồng bất lợi từ phía công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên ký kết với người dân

Ông Trần Khắc Liêm cùng mấy anh em trong nhà góp tiền làm 6,5ha bí đao ngậm ngùi kể lại: “Ban đầu chúng tôi có liên hệ với Giám đốc công ty là bà Tô Thị Hồng Tươi để báo tin vui vườn bí phát triển rất tốt, cho quả đã to nặng và nhắc bà cho người xuống kiểm tra thu hoạch. Những lần đầu liên hệ với công ty, chúng tôi nhận được câu trả lời bà Tươi đang bận đến những vùng khác để thu mua. Niềm vui, niềm tin và hy vọng của người nông dân chúng tôi nghe thấy thế thì càng cảm thấy an tâm. Những lần sau đó, khi quả đã vào vụ thu hoạch, chúng tôi liên tục gọi điện thì phía công ty luôn quanh co báo bận, lúc thì bà Tươi đi Trung Quốc để thương thảo hợp đồng với công ty nước ngoài, hoặc viện vô vàn lý do khác nhau để trì hoãn... Cho đến ngày 18/4 thì chúng tôi không còn liên lạc được với phía công ty nữa”. Được biết đa số những hộ dân trồng bí tại đây đều thông qua người đàn ông tên Bình là người quen giới thiệu với người dân trồng bí đến công ty. Tuy nhiên khi bí đến kỳ thu hoạch, đến gặng hỏi ông Bình thì nhận được câu trả lời ông Bình cũng chỉ là nạn nhân như những người khác.

Dân biết kêu ai?

Người dân làng Pang vốn thật thà chân chất lại có quan hệ quen biết với ông Bình nên khi nhận được bản hợp đồng từ phía Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên thì chỉ đọc qua loa rồi ký vào luôn. Đến khi công ty “biệt vô âm tín” người dân mới xem lại bản hợp đồng. Tuy nhiên, bản hợp đồng người dân đã ký kết có rất nhiều điều khoản bất lợi như: người dân bán bí từ vườn cho người khác không thông qua công ty sẽ phải chịu bồi thường gấp 10 lần. Tuy nhiên trong bản hợp đồng không hề nói tới việc ràng buộc công ty khi không thu mua sản phẩm cho người dân. Chính vì sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết về các văn bản hợp đồng, thương thảo nên giờ đây người dân phải nhận trái đắng mà chẳng biết làm thế nào.

Nhìn những quả bí to đẹp, quả nào quả nấy có trọng lượng từ khoảng 8 – 15kg, ông Phạm Văn Suốt, một nông dân trồng bí nghẹn lòng nói trong chua chát: “Gia đình tôi thuê khoảng đất trống trong các lô cao su còn nhỏ để tận dụng trồng bí. Tiền bạc của cải đổ cả vào vườn bí, mà bí thì không người thu mua nhà tôi chỉ còn biết mang ra đường quốc lộ bán, được đồng nào hay đồng nấy. Tính từ đầu mùa tới nay, gia đình tôi bán ra không đến 1 tạ, số bí còn lại nằm la liệt. Đất thuê tới thời hạn thì phải trả nhưng giờ với hơn 6ha bí đao, sản lượng ước tính lên tới hơn 400 tấn chúng tôi biết đổ đi đâu để thu lại vốn...”

Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được thì chỉ mới được 8 hộ có quy mô trồng lớn, với 18,5 ha đến trình báo tại xã về thiệt hại khi trồng ra sản phẩm bí đao không nơi tiêu thụ. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi, nhiều hộ dân khác trồng nhỏ lẻ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay chứ không muốn báo cáo. Như những gì người dân tường trình thì Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên đã có ký kết hợp đồng với rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê về trồng và thu mua sản phẩm bí xanh và bí đỏ”.

Đồng thời ông Phi cũng không khỏi trăn trở: “Một số người tự xưng là doanh nghiệp về mời chào, ký kết những hợp đồng hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua sản phẩm với dân. Người nông dân thì không tìm hiểu kỹ tình hình, chủ quan, tin tưởng vào những câu mời chào theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Để rồi đến ngày thu hoạch sản phẩm, doanh nghiệp bỏ chạy, câu chuyện vỡ lở, dân biết kêu ai?”

Điều đáng nói là khi phóng viên tìm đến Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên theo như địa chỉ ghi trên hợp đồng với các hộ dân (127 Lý Thường Kiệt, TP. Pleiku, Gia Lai) thì không hề tồn tại địa chỉ này. Liệu rằng, đây có phải là chiêu trò của các “Công ty ma” chuyên đánh lừa lòng tin của người dân hòng trục lợi?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có thông tin mới.

Mộng Thường

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/gia-lai-bi-dao-cho-tieu-thu-nguoi-nong-dan-cau-cuu-ai-p50319.html