Gia Lai: Điểm sáng trong công tác xã hội hóa bến xe

, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động quản lý bến. Với một tỉnh còn khó khăn như Gia Lai, việc xã hội hóa bến xe thực sự rất cần thiết, khi mà hiện trạng các bến xe khách tuyến huyện đang khai thác còn lạc hậu, nhếch nhác và kém hiệu quả.

Bến xe Đức Long Gia Lai - một trong những bến xe xã hội hóa đầu tiên trong cả nước

Bến xe Đức Long Gia Lai - một trong những bến xe xã hội hóa đầu tiên trong cả nước

Theo thông tin từ Sở GTVT Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 bến ô tô xe khách đang khai thác, hoạt động tại các huyện, thị xã và TP. Plieku. Cụ thể: 01 bến xe (Bến xe Đức Long) đạt tiêu chuẩn loại 1, 5 bến xe (gồm bến xe huyện K’Bang, thị xã An Khê, huyện Đăk Đoa, huyện Chư Sê, huyện Đức Cơ) đạt tiêu chuẩn loại 4, 02 bến xe hiện đang thực hiện chuyển vị trí mới nên chưa công bố đạt chuẩn (bến xe thị xã Ayun Pa; bến xe huyện Krông Pa), 01 bến xe đã ngừng hoạt động (bến xe huyện Mang Yang).

Trong khi đó, có 4 bến xe do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý và khai thác (trong đó có 02 bến xe do Nhà nước đầu tư xây dựng và cho doanh nghiệp thuê khai thác gồm Bến xe Đức Cơ và Bến xe Đăk Đoa; 02 bến xe doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác là Đức Long và An Khê); 4 bến xe do ngân sách đầu tư và Nhà nước quản lý khai thác, trực thuộc sự quản lý của UBND các huyện, thị xã; 01 bến xe ngừng hoạt động. Tuy nhiên, địa hình vùng núi đặc thù, địa bàn qua lại giữa các vùng trong tỉnh lại rộng, lưu lượng hành khách khá đông trong khi một số điểm đông dân cư hiện vẫn chưa xây dựng bến xe ô tô hay điểm dừng, bến đỗ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện chủ trương xã hội hóa bến xe theo Quyết định 12/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách, nhằm tạo nhiều ưu đãi xã hội hóa khai thác bến xe khách tại các huyện nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Qua đó, ngày 01/01/2006, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công trình công cộng Đức Long (thuộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đã khai trương, đưa Bến xe khách Đức Long vào khai thác. Bến xe Đức Long là bến xe xã hội hóa đầu tiên trong cả nước, từ khi bắt đầu đi vào hoạt động đến nay đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân địa phương, trở thành mô hình tiêu biểu được nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bến xe Đức Long đã góp phần không nhỏ đến phát triển dịch vụ vận tải của tỉnh trong những năm qua. Bến xe Đức Long đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực giữa bến xe và các doanh nghiệp vận tải, công tác đảm bảo an ninh tại bến xe được thực hiện tốt. Bến xe đã phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong việc giải tỏa khách trong những dịp lễ, Tết, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân...

Từ năm 2015 đến nay, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa bến xe của Chính phủ và Bộ GTVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở GTVT phối với các ngành chức năng, các huyện vận động các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư xây dựng bến xe theo hình thức xã hội hóa. Kết quả, từ cuối năm 2015 đã đưa vào khai thác 02 bến xe theo hình thức xã hội hóa gồm bến xe khách thị xã Ayun Pa (đạt tiêu chuẩn loại 3 theo Quy chuẩn Sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012/BGTVT - quy chuẩn quốc gia về bến xe khách ban hành kèm theo Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11/11/2015 của Bộ GTVT) do Công ty TNHH Tấn Tài đầu tư và khai thác và bến xe khách huyện Krông Pa đạt tiêu chuẩn loại 4 (theo Quy chuẩn Sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012/BGTVT - quy chuẩn quốc gia về bến xe khách ban hành kèm theo Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11/11/2015 của Bộ GTVT) do Doanh nghiệp tư nhân Hương Gia đầu tư và khai thác.

Năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 đơn vị là Công ty TNHH Tấn Tài đầu tư xây dựng và khai thác bến xe khách huyện Kông Chro (loại 4); Công ty TNHH Tân Tiến đầu tư xây dựng và khai thác bến xe khách huyện Kbang (loại 4) và Công ty TNHH Đức Lâm đầu tư xây dựng và khai thác bến xe khách huyện Phú Thiện (loại 4). Hiện nay, bến xe khách huyện Kbang và bến xe khách huyện Phú Thiện dự kiến trong tháng 6/2017 sẽ đưa vào khai thác. Riêng bến khách huyện Kông Chro đang chuẩn bị triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác đầu năm 2018.

Ngoài ra, hiện nay Sở GTVT đang tích cực phối hợp với UBND huyện Chư Prông và UBND huyện Ia Grai cùng các nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục trình UBND tỉnh xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư xây dựng bến khách trên địa bàn các huyện này.

Như vậy đến nay, nếu cả 02 bến xe khách huyện Kbang và bến xe khách huyện Phú Thiện chuẩn bị đưa vào hoạt động trong tháng 6/2017 thì trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ có tất cả 9 bến xe thuộc địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 7 bến xe hoạt động theo mô hình xã hội hóa, gồm: Đức Long, Đức Cơ, An Khê, Ayun Pa, Krông Pa, Kbang và Phú Thiện và 02 bến xe do Nhà nước xây dựng và quản lý là Bến xe Đăk Đoa và Chư Sê.

Mặc dù chủ trương xã hội hóa bến xe đã có từ lâu và những bến xe xã hội hóa không còn là vấn đề mới mẻ đối với nhiều địa phương nhưng vấn đề này tại Gia Lai vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Vì thế, để thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa bến xe rất cần các cấp chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hệ thống bến xe ô tô hiện đại, khang trang, lịch sự không chỉ là mục tiêu của ngành GTVT mà còn là mong đợi của mọi người dân.

“Chủ trương xã hội hóa xây dựng và khai thác bến xe với sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần bảo đảm quy hoạch bến xe trên địa bàn, thay đổi bộ mặt đô thị tại các địa phương, góp phần xóa bỏ nạn bến cóc, xe dù, tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải phát triển, cạnh tranh lành mạnh để phục vụ người dân. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào công tác xã hội hóa bến xe thì tỉnh cần đưa ra cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, cũng nên xây dựng những quy định hành lang pháp lý cho các bến xe nhằm khuyến khích các đơn vị, cá nhân yên tâm đầu tư”, ông Quế chia sẻ.

Để tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tích cực đầu tư bến xe theo mô hình xã hội hóa, thời gian tới ngành GTVT sẽ tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách trên toàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân và các doanh nghiệp vận tải nghiêm túc chấp hành các quy định về luồng tuyến vận tải, bảo đảm TTATGT, sử dụng dịch vụ theo hướng văn minh lịch sự, góp phần xóa bỏ hoàn toàn nạn xe khách vòng vèo, đón, trả khách không đúng địa điểm quy định

PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/gia-lai-diem-sang-trong-cong-tac-xa-hoi-hoa-ben-xe-d45345.html