Gia Lai: Ghè quý – cổ vật đang “chảy máu”!

Ghè Tuk vợ chồng

(ĐCSVN) - Ngoài cồng chiêng, những bản nhạc chiêng, nhà rông, rượu cần… làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của cư dân Tây Nguyên từ hàng ngàn năm nay, có một đồ vật giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người lại ít được nhắc tới, đó là những chiếc ghè (ché) quý. Ghè là hiện vật rất linh thiêng, cùng với cồng chiêng, nó được giữ gìn cẩn thận trong nhiều gia đình như một báu vật. Nhiều người tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên không khỏi âu lo khi hình ảnh những chiếc ghè quý thiếu vắng trong các lễ nghi của người bản địa. Hiện nguồn cung nguyên thủy những chiếc ghè này bị cắt đứt, một số phong tục của đồng bào cũng khiến những chiếc ghè quý dần biến mất, những chiếc còn lại trở nên vô giá và đang bị “chảy máu”… Hiện thân đời sống tâm linh Hình ảnh phổ biến nhất, thường thấy nhất là những chiếc ghè đựng rượu mà đồng bào thường mang đãi khách hay cúng Yàng trong những dịp lễ nghi. Khi tiến hành, họ thường lấy huyết gà (hoặc heo) bôi vào miệng ghè, thông báo và mời thần ghè về cùng dự tiệc với gia chủ vì cho rằng, ghè không chỉ là vật dụng thông thường mà còn là nơi trú ngụ của các vị thần linh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, người bản địa Tây Nguyên không biết tích trữ tài sản bằng tiền bạc hay trang sức như dân tộc miền núi phía Bắc. Bên cạnh cồng chiêng thì những bộ ghè quý là hiện thân của sự giàu có. Họ sắm ghè không những để ủ rượu mà ngầm khoe sự giàu sang và có thể dùng nó như tàn sản quý cho con cái làm của hồi môn, tặng bạn bè… Vì thế, có những gia đình dắt cả đàn trâu - tài sản lớn nhất trong nhà-lên tận biên giới Lào, Campuchia để đổi lấy những chiếc ghè quý. Khi có được những vật quý ấy, họ gìn giữ cẩn thận, truyền từ đời này sang đời khác như một báu vật (giống như cồng chiêng hay một số hiện vật dân tộc khác). Quý là thế, nhưng khi trong nhà có người chết, để bày tỏ niềm tiếc thương, người sống sẵn sàng đập “tai” ghè để mang cúng, hoặc đập bể đôi chiếc ghè quý, lấy một nửa chôn theo người chết như một biểu hiện đầy tính nhân văn. Chính vì thế, có nhiều chiếc ghè quý nhưng không còn lành lặn. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong trong nhiều năm lặn lội ở các buôn làng Tây Nguyên đã sưu tầm được khá nhiều hình ảnh về đồ vật dân tộc học, anh cho biết: “Trong các khu nhà mồ, ghè là hình ảnh quen thuộc mà người sống gửi theo người chết. Có những khu nhà mồ dựng vài trăm chiếc ghè thành hàng dài rất đẹp. Đồng bào không chôn cồng chiêng theo người chết nhưng ghè thì dứt khoát không thể thiếu”. Ghè có rất nhiều loại, cao, thấp, tròn, dài nhưng quý hiếm phải kể đến ché Tuk vợ chồng của người Jrai (hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh), ché Mẹ bồng con, ché Cha-đây là loại cực quý hiếm, màu vàng da lươn, có trên mười quai, hoa văn được làm bằng đất pha sỏi nghiền mịn in lên bề mặt để trang trí. Người bản địa cho rằng, nếu dùng ghè này để làm rượu thì rượu sẽ tuyệt ngon. Hơn nữa, nó còn mang đến cho gia chủ sự may mắn, tốt lành. Vì thế họ sẵn sàng đổi hàng chục con trâu để lấy chiếc ché Cha. Ngoài ra, còn một số loại ghè khác như: Tuk Bang, tuk Liên, tuk Plang, tuk Brung, tuk Bahra, tuk Puhra, tuk Vú, ché Tang Nhú, ché Bơrông, ché Tà Bạch… Ghè… “chảy máu”! Cùng với một số đồ vật dân tộc học, hình ảnh chiếc ghè đã trở thành biểu tượng mang giá trị văn hóa tinh thần, là thành tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Chiếc ghè gắn với rượu cần đã gắn bó với các tộc người qua bao thăng trầm, chứng nhân cho bao sự kiện quan trọng đời người cũng như trong cộng đồng. Ghè rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa màng, đón một sinh linh ra nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người…Đây còn là một trong những đồ vật đầu tiên dâng lên cúng Giàng. Ghè mẹ bồng con Tùy mức độ trọng đại của nghi lễ, rượu mang cúng Giàng sẽ được ủ trong những chiếc ghè quý khác nhau. Từ xa xưa, ghè đã có vị trí khá đặc biệt trong tâm linh người bản địa. Với ý nghĩa đó, đặt đồ vật dân tộc này trong tương quan không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ thấy nó chiếm giữ một vị trí không hề nhỏ, thậm chí quan trọng. Dù vậy, cho đến nay, nhiều người vẫn chưa giành cho nó một vị trí xứng đáng, chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ nào về những chiếc ghè cổ quý hiếm mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên trong khi dành không ít giấy mực cho cồng chiêng, tượng nhà mồ. Cùng với văn hóa ngoại lai, rượu bia trở thành thức uống phổ biến trong các buôn, làng. Thêm nữa, việc thay đổi tín ngưỡng khiến giá trị của những chiếc ghè không được xem trọng như trước mà chỉ như những vật dụng bình thường. Bên cạnh đó, phần lớn ghè quý bị đập trong các nghi lễ đặt đồ vật dân tộc này trước nguy cơ mai một rất lớn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hà, cũng như cồng chiêng, phần lớn ghè cổ quý hiếm đã bị “chảy máu”. “Đường đi” của nó là từ các buôn làng vào Sài Gòn, sau đó quay lại nơi xuất xứ, có thể là vùng Bình Định, Quảng Nam hay một số nước trong khu vực Đông Nam Á; chỉ một số ít ghè quý còn lưu giữ được bởi những nhà sưu tầm đồ cổ hay trong Bảo tàng các tỉnh. Làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ những chiếc ghè quý đã gắn bó với đời sống tinh thần của cư dân Tây Nguyên từ hàng ngàn năm nay? Bà Mai Thị Cúc-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi có ý thức sưu tầm ghè từ nhiều năm nay. Nhưng khó khăn lớn nhất là kinh phí dành cho Bảo tàng rất hạn hẹp, chỉ từ 20-30 triệu đồng/năm, đến năm 2009 nguồn kinh phí này mới tăng lên 100 triệu đồng. Hơn nữa, ngay cả những người làm công tác sưu tầm, kiến thức về đồ vật này cũng rất hạn chế, xác định ghè cổ, ghè quý chỉ dựa vào nhận định của chủ hiện vật”. Hiện Bảo tàng đang lưu giữa khoảng 80 ghè các loại, trong đó có ghè Mẹ bồng con, cặp ghè Vợ chồng là những loại ghè khó tìm hiện nay. Ở TP.Pleiku có một số nhà sưu tầm có được những chiếc ghè quý nhưng vì những lí do khác nhau, phần lớn họ không muốn “lộ diện” hay đem khoe những chiếc ghè sưu tầm được vì sợ bị đánh cắp. Chính vì vậy, giá trị tinh thần của ghè không được nhiều người biết, không phổ biến ngay cả trong cộng đồng người bản địa. Nó chỉ là “của quý” trong giới sưu tầm hay trong các Bảo tàng. Nếu không có chiến lược bảo tồn, sẽ đến lúc chúng ta bàng hoàng nhận ra sự thiếu hụt, mất mát của đồ vật này trong các giá trị văn hóa tinh thần của Tây Nguyên./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=390835&co_id=30296