Gia Lai: Hoang mang vì suối 'nuốt' hàng chục hecta đất trồng lúa

Hàng chục hecta đất trồng lúa, hoa màu của người dân làng Ia Klên, Ia Tô Venr xã Ia Khươl, huyện Chư Pảh – Gia Lai đang rơi vào tình trạng hoang hóa, nhiều diện tích đất bị dòng suối Đak Ong 'nuốt' sạch khiến người dân mất đất sản xuất.

Con suối bị sạt lở nặng nề.

Con suối bị sạt lở nặng nề.

Suối Đak Ong với độ dài hơn 1,5km, chảy qua 2 làng Ia Klên và làng Ia Tô Venr, xã Ia Khươi.

Được biết, trước kia suối Đak Ong chỉ là dòng suối nhỏ, rộng khoảng 3 – 4m, tuy nhiên 5 năm trở lại đây suối đã mở rộng ra rất nhiều, nhiều đoạn rộng lên tới 30m.

Suối ngày càng mở rộng ra hơn so với trước, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhiều, nhất là vào mùa mưa lượng nước đổ về lớn.

Diện tích đất của người dân bị dòng suối làm sạt lở, nước không dẫn về canh tác được và lún sâu xuống gần 2m, ước tính cũng gần 100 hecta trong đó có khoảng 30 hecta lúa và 70 hecta hoa màu.

Đất canh tác, hoa màu đang trôi theo dòng suối.

Ông Nguyễn Văn Chánh (60 tuổi, trú tại ngã ba Trà Huỳnh, xã Ia Khươl, huyện Chư Pảh) cho biết, tình trạng sạt lở đất diễn ra đã nhiều năm nay, tuy nhiên ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong 5 năm trở lại đây. Suối sạt lở, ngày càng sâu xuống không chỉ khiến người dân mất đất canh tác mà còn khiến cho việc trồng trọt của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cây lúa.

Chỉ vào mảnh đất khoảng 3 sào đang trồng cao su, ông Chánh cho biết, trước kia đất này được sử dụng để trồng lúa, tuy nhiên đến nay dòng suối ngày càng sâu hơn, nước không thể chảy vào ruộng nên đành chuyển đổi canh tác qua trồng cây cao su.

Dòng suối ngày càng rộng ra.

Mất đất không trồng được lúa cả hai vụ, có nơi đất bỏ hoang đang là tình trạng không chỉ riêng gia đình ông Chánh mà đối với hầu hết các hộ dân có diện tích đất dọc theo đoạn suối đi qua.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Chánh là mảnh ruộng gần một hecta của nhà ông Đinh Hưn (làng Đăk Tô Venr). Ông Hưn cho biết, mảnh ruộng này trước kia nhà ông trồng lúa mỗi năm cũng được 2 lần thu, nhưng từ khi suối ngày càng sạt lở sâu xuống thì gia đình ông không còn cách nào để dẫn nước từ dưới thấp lên cao để đủ nước cho cây lúa, khi ấy nhà ông chỉ trồng được một vụ lúa đông xuân có nhiều mưa, thời gian còn lại đó là bỏ không thành nơi thả bò.

Trong các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần đưa ra những kiến nghị để cải thiện tình trạng sạt lở nói trên. Trước đó, những giải pháp như làm ống dẫn nước từ suối vào ruộng lúa cũng được triển khai nhưng không hiệu quả. Người dân bất lực nhìn từng diện tích đất của mình hoang hóa, mất dần đi.

Theo người dân cho biết thì một trong những nguyên nhân khiến con suối ngày càng sâu và sạt lở là do việc khai thác cát ở xã Hà Tây.

Ông Trần Đức Thắng – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pảh cho biết, nhận được thông tin người dân mất đất sản xuất, đất bỏ hoang mà theo người dân là do tình trạng khai thác cát ở xã bên cạnh, đơn vị đã xuống thăm kiểm tra tình trạng sạt lở nói trên. Qua kiểm tra nguyên nhân ban đầu, có thể dẫn đến tình trạng trên là do khu vực suối có độ dốc lớn, loại đất ở đây lại là đất phù sa cổ, kết cấu đất không vững chắc, việc khai thác cát cũng là một trong những nguyên nhân.

Ông Thắng cho biết thêm, trong năm 2015 - 2016 doanh nghiệp khai thác cát Hưng Cường đã hỗ trợ gần 200 triệu đồng cho người dân có đất canh tác ven suối chịu ảnh hưởng do sạt lở đất.

Trước tình trạng trên, phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đang tham mưu cho UBND huyện để có phương án giải quyết kịp thời.

Nguyễn Nụ

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/gia-lai-hoang-mang-vi-suoi-nuot-hang-chuc-hecta-dat-trong-lua-post236497.info