Gia Lai: Huyện Ia Grai hướng đến phát triển kinh tế xanh gắn với du lịch

Năm 2023 và các năm tới, huyện Ia Grai mở rộng kết nối, đầu tư và phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, gắn với đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa

Năm 2022, huyện Ia Grai đạt 24/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND huyện giao. Theo đó, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 12.800 tỷ đồng, tăng 12,42% so với năm 2021. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 4.678 tỷ đồng, tăng 6,9%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 4.496 tỷ đồng, tăng 15,06%; dịch vụ đạt 3.675 tỷ đồng, tăng 16,82%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,35 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm trước.

Là địa phương với quỹ đất rộng, người dân đa phần tập trung phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê và nông nghiệp lúa nước… Theo đó, ngành nông nghiệp được huyện xác định là lĩnh vực kinh tế chủ yếu nên đã tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đã linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để ưu tiên đầu tư thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới như: Đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn làng, công trình thủy lợi và các mô hình phát triển sản xuất...

Trung tâm hành chính huyện Ia Grai đang được nâng cấp hạ tầng, đô thị góp phần kết nối các vùng tạo sự liên kết, phát triển kinh tế bền vững.

Song hành với sự phát triển kinh tế đang trên đà hồi phục của địa phương, lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện có nhiều đổi mới góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại từng địa phương. Nổi bật, Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022, gắn với đó là trưng bày các sản phẩm đặc trưng của huyện, sự kiện đã thu hút trên 30 nghìn lượt du khách đến tham dự.

Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô thu hút sự quan tâm của nhiều người dân góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đang được dân làng gìn giữ.

Toàn huyện có 131 làng đồng bào dân tộc thiểu số, các làng còn lưu giữ khoảng 748 bộ cồng chiêng quý (nhiều nhất tỉnh); có hơn 20 chiếc thuyền độc mộc được chế tác từ những thân cây to từ hàng chục năm về trước hiện đang lưu giữ tại xã Ia O và Ia Khai. Ngoài ra, huyện còn có 76 đội văn nghệ truyền thống ở các làng dân tộc thiểu số, có các nghệ nhân tạc tượng, nghệ nhân đẽo thuyền gỗ, nghệ nhân chỉnh chiêng và dạy múa xoang trong đó có nhiều làng còn bảo tồn các phong tục tập quán và nét văn hóa đặc sắc riêng của người dân tộc Jrai qua đó đã thu hút khách du lịch các nơi tìm đến tham quan và trải nghiệm.

Quảng bá du lịch gắn với phát triển kinh tế xanh

Bên cạnh các giá trị văn hóa đã và đang được bảo tồn, phát huy, huyện Ia Grai là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các thắng cảnh như: Thác Mơ, suối Ia Blố, cánh đồng cỏ tím (xã Ia Khai); thác Chín Tầng (xã Ia Bă); thác Lệ Kim (xã Ia Tô); điểm du lịch lòng hồ thủy điện Sê San, làng chài hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O). Ngoài ra, huyện còn có các điểm du lịch văn hóa, di tích lịch sử cấp tỉnh là Di tích Bến đò A Sanh (xã Ia Khai) và Di tích Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai).

Cư dân bản địa cũng là các chủ thể từng ngày gìn giữ các giá trị văn hóa Tây Nguyên.

Để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, bảo tồn; tuyên truyền đến các thế hệ trong cộng đồng cùng nhau gìn giữ, truyền dạy để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa.

Cùng với các cấp chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc tại địa phương, nhiều người dân bản địa và các hộ dân sinh sống tại các làng đã xây dựng các điểm du lịch gắn liền với trãi nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên, đồng thời kết hợp phục vụ những thức ăn truyền thống của người dân tộc thiểu số như cơm lam, gà nướng, đặc sản măng rừng, bắt cá trên sông Sê San, hay tham quan các vườn cây sầu riêng, bơ, chôm chôm, chanh dây… Đặc biệt, thương hiệu “Chôm chôm Ia Grai” đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Thác Mơ (làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai) ngày đêm tuôn chảy giữa đại ngàn hoang sơ, kỳ vĩ đã tạo sức hút ấn tượng, là điểm đến hấp dẫn rất nhiều du khách.

Định hướng phát triển kinh tế xanh gắn liền phát triển các sản phẩm du lịch, huyện Ia Grai đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu Bờ Đông sông Pô Cô để thu hút các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp tham quan trải nghiệm. Sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý cho biết.

Bên cạnh thu hút đầu tư vào phát triển du lịch, huyện Ia Grai Huyện Ia Grai đang ưu tiên thu hút các nhà đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch và nông nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, các dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Quang Huy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/gia-lai-huyen-ia-grai-huong-den-phat-trien-kinh-te-xanh-gan-voi-du-lich-i315071/