Gia Lai: Nghe tin đồn, nông dân mạo hiểm trồng cây Sachi

Được đồn thổi với giá thu mua cao gấp trăm lần so với cà phê, tiêu nhiều nông dân trên bàn huyện Đắk Đoa, Mang Yang (Gia Lai) không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn, có hộ sẵn sàng phá cả rẫy cà phê để đầu tư cho vườn cây trong khi đó lại mịt mù thông tin với loại cây mới này.

Chị Amah trước cây Sachi trong vườn nhà đã cho trái nhưng vẫn lúng túng không biết khi nào thì thu hoạch

Chị Amah trước cây Sachi trong vườn nhà đã cho trái nhưng vẫn lúng túng không biết khi nào thì thu hoạch

Chị Amah, trú thôn Brếp, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang cho biết; trong lúc giá cà phê, tiêu đang bấp bênh thì chị nghe được thông tin của bà con trong thôn nói, giá của quả Sachi lên đến 800.000 đồng/kg. “Lúc đó, tôi lấy làm ngạc nhiên thêm vào là rất nhiều gia đình trong thôn đã mua giống về trồng, sau khi suy tính tôi cũng quyết định đặt mua 1kg hạt giống sachi với giá 800.000 đồng về tự ươm và trồng xen kẽ trong rẫy cà phê của gia đình được 300 gốc đến giờ đã được 7 tháng. Trong 300 cây nói trên thì có cây đã cho ra quả, có cây chưa. Thú thật tôi cũng chưa biết quả như đến khi nào thì hái được. Thu hoạch mấy năm thì thanh lý vườn cây. Bây giờ tôi cũng chưa biết bán quả cho ai nữa”, chị Amah nói.

Trong khi đó, qua tìm hiểu của P/v thì tại Gia Lai, cây Sachi còn khá xa lạ với mọi người dân. Bởi đến thời điểm này hầu như tất cả đều chưa biết gì về loại cây này, ngay cả khi trồng bao lâu thì cho quả. Thu hoạch quả ra sao, chăm sóc thế nào, người dân vẫn không hề hay biết. Thế nhưng, trong khoảng 7 tháng trở lại đây, khi nghe Sachi được thu mua với giá 800.000 đồng/kg, người dân đổ xô đi trồng loại cây này.

Ông Vốt, Trưởng thôn Brếp, huyện Mang Yang khẳng định, hiện tại trong thôn có hơn 20 hộ trồng Sachi. Diện tích trồng thì chưa thống kê được vì trồng rải rác. Nông dân trồng Sachi đa phần trồng xen trong rẫy cà phê, tiêu. Có hộ phá cao su để trồng. Ngay cả gia đình ông cũng trồng 60 cây Sachi xen trong rẫy tiêu. Hiện số cây Sachi của ông Vốt đang cho quả, lá xanh um. “Tôi trồng vì nghe người ta nói cây này có giá trị cao. Kỹ thuật chăm sóc thì lấy kinh nghiệm trồng cà phê để chăm sóc chứ không ai hướng dẫn. Đến bây giờ tôi không biết lúc nào thì thu hoạch quả. Chắc cũng chờ quả chín như màu cà phê rồi hái thôi. Tôi cũng chẳng biết sau này bán cho ai. Nếu sau có người mua, tính toán chi phí có lời thì tôi tiếp tục trồng đại trà, còn không được thì phá bỏ thôi”, ông Vốt tâm sự.

Trên địa bàn huyện Đắk Đoa, thì đã có tới 2 xã người dân đổ xô vào trồng Sachi. Ông Đinh, trú làng T’ leo, xã K’dang, trồng diện tích lên đến 5 sào Sachi. Diện tích này được ông phá vườn cà phê rồi mua 1kg giống về ươm trồng. Sau 3 tháng hiện Sachi đã cho quả nhưng ông Đinh cũng chưa biết lúc nào thì được thu hoạch, cũng như chưa có thương lái nào đến đặt mua hạt. Theo thống kê của thôn T’leo, hiện có 8 hộ tham gia trồng Sachi. Hộ trồng nhiều nhất 1ha, hộ ít vài sào. Người dân đa phần trồng xen trong cà phê và tiêu. Có hộ cá biệt phá cà phê để trồng. Người dân thôn T’leo trồng Sachi vì lời đồn sẽ có giá thu mua cao.

Tại thị trấn Kon Dơn, huyện Mang Yang, các cơ sở bán cây giống Sachi luôn luôn tấp nập người mua. Anh Hưng-một đầu mối bán cây giông Sachi cho biết, anh chuyển sang kinh doanh hạt và cây giống Sachi từ khoảng 4 tháng trước. Hồi ấy anh nghe người đồng bào làm thuê nói hạt Sachi rất có giá trị. Thấy dân có nhu cầu, anh Hưng lân la tìm hiểu và chuyển kinh doanh. Anh nhập hạt Sachi về ươm lên cây rồi bán hoặc bán hạt trực tiếp cho dân. Khi cháy hàng thì anh nhập giống từ Đắk Lắk về. Trong 4 tháng kinh doanh, anh Hưng đã bán khoảng 8.000 cây giống Sachi (10.000 đồng/cây) và 30kg hạt (1kg chứa khoảng 600 hạt với giá 550 nghìn đồng/kg). Giống Sachi của anh bán cho người dân các huyện Đắk Đoa, Mang Yang, Kbang.

Dù trồng Sachi nhưng thực tế người dân không nắm rõ kỹ thuật trồng nên bạ đâu trồng đó. Theo các hộ buôn bán cây giống Sachi, người dân không nên trồng xen trong các vườn tiêu, cà phê vì sau này cây sachi lớn sẽ bò khắp, như vậy sẽ che ánh nắng, gây ảnh hưởng. Tuy nhiên thực tế dân chủ yếu lại trồng xen trong cà phê và tiêu. Chị Amah, thôn Brếp cho biết, khi nhận giống về, chẳng ai bày tôi trồng ở đâu, tôi đành trồng xen trong cà phê. Bây giờ trồng rồi thì đành chờ cho sachi lớn. Sau này thấy cây nào hiệu quả hơn thì cho cây đó mọc.

Ông Rý, Trưởng thôn T’leo, xã Kdang cho biết,cây sachi trồng trên địa bàn phát triển rất tốt. Đáng lo là Sachi chưa có đầu ra nên rủi ro rất lớn. Nếu người dân trồng xong mà không có ai mua thì vừa lỗ cả vốn và công đầu tư. Lo sợ bùng phát trồng Sachi cũng như nhằm mục đích hạn chế rủi ro, trong các buổi họp thôn, tôi khuyến cáo người dân về những rủi ro có thể mang lại khi trồng sachi để người dân biết mà có hướng xử lý, cân nhắc.

Khuyến cáo của Công ty CP Sacha Inchi Việt Nam đối với người trông Sachi tự phát

Ông Lê Viết Phẩm, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết, cây Sachi được dân trồng tự phát. Trồng cây Sachi có rủi ro là hiện chưa biết nguồn giống thế nào, rồi thị trường tiêu thụ cũng chưa có nên địa phương còn lúng túng. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham khảo ý kiến của Sở NN-PTNT và các cơ quan chuyên môn để có khuyến cáo, định hướng cho người dân. Trước mắt huyện khuyến cáo người dân chưa nên phát triển rầm rộ loại cây này.

Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai chi biết, cây sachi chưa có trong quy hoạch cây trồng của địa phương. Khi chưa rõ thị trường thì người dân không nên phát triển ồ ạt.

Trước thực trạng trên, Công ty CP Sacha Inchi Việt Nam đã khuyến cáo đối với người trồng Sachi, hiện nay trên một số tuyến huyện ơ địa bàn Gia Lai có một số đối tượng, lợi dụng danh nghĩa của Công ty đã giao bán hạt, cây giống Sachi trôi nổi trên thị trường không đảm bảo đúng tiêu chuẩn, nhằm trực lợi gây ảnh uy tín của Công ty cũng như gây hoang mang cho người dân, nhằm đảm bảo minh bạch trong việc trồng khảo nghiệm cây Sachi và đảm bảo lợi ích của người trồng Công ty CP Sacha Inchi Việt Nam cam kết thu mua hạt Sachi theo đúng nguyên tắc của thị trường với điều khoảng bắt buộc. Sẽ thu mua bao tiêu sản phẩm với những trường hợp ký hợp đồng, hợp tác và lấy giống chuẩn F1 của Công ty, trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật mà Công ty cung cấp hướng dẫn, còn với thực trạng trồng Sachi tự phát như hiện nay của bà con nông dân, lấy giống trôi nổi trên thị trường không đảm bảo nên Công ty không thu mua cũng như không chịu trách nhiệm.

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/gia-lai-nghe-tin-don-nong-dan-mao-hiem-trong-cay-sachi-d36310.html