Giá lợn hôm nay 8.9: Thiếu 'đầu tàu', quá nhiều trung gian làm giá lợn rẻ

Trong mấy ngày hôm nay, bà con thấp thỏm mừng thầm vì giá lợn hơi có chiều hướng tăng chút đỉnh. Tuy nhiên, thự tế giá lợn của mấy ngày hôm nay tăng không ổn định. Lý do, bởi sự tham gia của quá nhiều khâu trung gian nhưng thiếu hẳn một đầu tàu, các đầu mối liên kết với nhau còn lỏng lẻo khiến việc tiêu thụ thịt lợn còn nhiều bất cập.

Theo Cục Chăn nuôi, bức tranh “màu hồng” của thị trường thịt lợn kéo dài từ 2014 đến nửa đầu 2016. Khi giá lợn hơi đạt 45.000 – 53.000 đồng/kg, lợi nhuận thịt lợn từ 0,7 – 1 triệu/con; giá lợn giống 1,2 – 1,6 triệu/con, lợi nhuận lợn giống 0,5 – 0,8 triệu/con. Việc xây mới, mở rộng chuồng ồ ạt khiến đàn lợn nái tăng lên 4,2 triệu con, đàn lợn thịt tăng 29 triệu con.

Thiếu một “đầu tàu”

Giá lợn trong mấy ngày hôm nay tăng- giảm không bền vững do sự tham gia của quá nhiều khâu trung gian nhưng các đầu mối liên kết với nhau còn lỏng lẻo khiến việc tiêu thụ thịt lợn còn nhiều bất cập. Ảnh: N.V

Bộ NNPTNT cần chị đảo các tỉnh cấp mã định danh cho các trang trại, ban hành quy định về quản lý chăn nuôi gia công thống nhất trên cả nước để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hạn chế ô nhiễm và tránh đầu cơ làm giá của các doanh nghiệp lớn. Phải xác định doanh nghiệp là đầu tàu và chuỗi phải nhận thức sản xuất sản phẩm theo định hướng thị trường. Trong chuỗi lại phải phân tích để tìm ra được điểm cần tác động, hoàn thiện”.

Ông Lương Đức Kiên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang

Tính đến giữa năm 2017, TP.Hà Nội phát triển được 10 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ, cung cấp hàng ngày khoảng 26 tấn thịt lợn đảm bảo ATTP. Nhưng các chuỗi này vẫn thiếu các doanh nghiệp đầu mối đủ mạnh đảm nhận khâu sơ chế, đóng gói thành phẩm.

Ông Võ Trọng Thành, đại diện dự án chuỗi thịt lợn VIP Hà Nội cho biết, thực tế vai trò của doanh nghiệp mới dừng ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, hoặc ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người chăn nuôi. “Sự hợp tác bài bản từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, nhãn hiệu chưa có nên vẫn bị động trong mối liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp” - ông Thành nói.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 39 cơ sở liên kết chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp như C.P, CJ, Japfa, Dabaco… Thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn không có trách nhiệm gì về công tác bảo vệ môi trường. Trách nhiệm này gắn với chủ đầu tư là chính người chăn nuôi khi họ tự xây chuồng trại, tự chịu chi phí lao động, tự tổ chức sản xuất trên đất của họ.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cũng cho biết, đa số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, chưa đạt tiêu chuẩn VietGAP trong khi chưa có doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (HTX) nào đóng vai trò trung gian tổ chức mua gom để giao cho Công ty Vissan.

Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long thông tin việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm vi phạm cũng rất khó khăn, nhất là các sản phẩm tươi sống không có bao bì nhãn mác, được mua bán qua nhiều trung gian.

Các đầu mối còn lỏng lẻo

Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, khó khăn lớn nhất là tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh vẫn còn lớn. Đây là một rào cản khi xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ lợn VietGAHP. Ngoài một số hộ đã đạt chứng nhận rồi, việc thẩm định lại vẫn còn có những khoảng trống cần gia cố thêm.

Người chăn nuôi chưa quan tâm việc ký kết mua bán với khung giá mà doanh nghiệp đưa ra. Khi giá thị trường lên cao, không ít hộ này “xé rào” hợp đồng đã ký. Các doanh nghiệp thu mua lợn tại các trại nuôi lại cần có hóa đơn, chứng từ để khấu trừ 5% thuế VAT nhưng thương lái thì không. Đây cũng là một rào cản với doanh nghiệp khi đặt vấn đề thu mua với các trại, hộ.

Đồng ý với quan điểm của các địa phương, ông Phát nhận định cả nước vẫn chưa tổ chức được nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực để đứng ra chủ trì, tổ chức các chuỗi liên kết từ sản xuất, kiểm soát chất lượng đến bao tiêu sản phẩm của nông dân gắn với thương hiệu của mình.

Các hộ kinh doanh thu mua lợn giết mổ hoặc kinh doanh thịt theo thì hoạt động theo dạng hộ kinh doanh cá thể và đóng thuế theo hình thức thuế khoán. Các hộ này khá e ngại khi nâng lên hình thức doanh nghiệp, cả việc kiểm soát chất lượng.

Việc kinh doanh thịt lợn trên thị trường qua quá nhiều khâu trung gian, từ các hộ, trại chăn nuôi đến các vựa kinh doanh thịt lợn thu gom từ các hộ nhỏ lẻ; thương lái kinh doanh lợn sống; thương lại kinh doanh lợn giết mổ; thương nhân kinh doanh thịt lợn sỉ tại các chợ đầu mối; thương nhân kinh doanh thịt lợn lẻ tại các chợ truyền thống.

“Việc chia sẻ lợi nhuận của các chuỗi này không bình đẳng và hài hòa được lợi ích các bên tham gia. Các biện pháp của cơ quan nhà nước để điều tiết lợi nhuận các khâu, vốn được coi là nền tảng xây dựng các chuỗi liên kết làm vẫn chưa tốt” - ông Phát chia sẻ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gia-lon-hom-nay-89-thieu-dau-tau-qua-nhieu-trung-gian-lam-gia-lon-re-802946.html