Giá mà con hiểu điều mẹ làm khi con trộm kẹo nhà người ta, thì giờ đã không phải hối hận thế này

Giá như có thể hiểu được, 'nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra' từ khi còn nhỏ, để biết thương mẹ nhiều hơn. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt, bởi vì tình mẹ mát lành và ngọt ngào sẽ mãi đi theo mỗi người suốt đời.

Làm mẹ thì vất vả vì con, điều đó ai chẳng biết. Tôi cứ nghĩ thế mãi những ngày còn nhỏ, làm con thì cũng biết thương mẹ chứ. Làm con thì cũng có những điều khó khăn của đứa con chứ. Tại sao thơ ca cứ phải ca ngợi và nói mãi về những tủi cực khi làm mẹ vậy? Và tại sao mẹ cứ phải khó tính, cằn nhằn, đánh phạt tôi vậy?

Năm lên 5, tôi vì quá thích một lọ kẹo nhỏ và đã lấy trộm nó, dù đã năn nỉ cầu xin mẹ mua cho nhưng mẹ vẫn từ chối. Khi mẹ phát hiện ra lọ kẹo, tôi bị phạt đòn nhưng trận đòn thì tôi quên ngay. Còn sau đó, mẹ bắt tôi tự tay cầm lọ kẹo đi từ nhà đến tiệm bán tạp hóa để trả tiền và xin lỗi chủ quán thì tôi không quên được. Khi tôi đi được nửa đường, cầm lọ kẹo trên tay mà mỏi rã rời, muốn mẹ cầm giúp một lúc.

Mẹ nói: 'Con đã tự lấy nó được, thì con cũng tự cầm nó đi trả được.' Tôi giận mẹ vô cùng, chỉ là một lọ kẹo nhỏ thôi mà. Mẹ đã có thể mua nó cho tôi thì tôi không phải xấu hổ đi xin lỗi người ta. Mẹ đã đánh đòn tôi rồi, vậy mà cầm giúp tôi một chút cũng không được hay sao? Mấy năm sau đó, tôi không dám lại gần nhà bán tạp hóa nọ vì không thể quên được quãng đường đi xin lỗi người ta.

Khi nhỏ, sợ hãi sự nghiêm khắc của mẹ bao nhiêu thì lớn lên mới hiểu nhờ mẹ nghiêm khắc từ việc nhỏ nhất mà tôi lớn lên thành người. (Ảnh minh họa - Flicrk Dianne Lee)

Lớn lên một chút, tôi nhận ra rằng những điều sai trái luôn hấp dẫn hơn những điều tử tế. Trốn học thì vui hơn đến lớp, đổ lỗi cho người khác thì dễ dàng hơn xin lỗi... Tôi cứ lớn lên như đi trên vạch kẻ, một bên của sự tử tế, một bên của sự cám dỗ đầy thú vị. Nhưng mỗi lần sắp nhảy chân sáo sang vạch kẻ của phía sai trái, tôi lại nhớ đến quãng đường mẹ dắt tôi đi xin lỗi chủ tiệm tạp hóa.

Rồi tôi tự hỏi: 'Liệu mình có đủ can đảm để chịu trách nhiệm về những việc mình làm hay không?' Nhiều năm sau, tôi biết ơn vì mẹ đã bắt tôi tự tay cầm lọ kẹo đó đi xin lỗi người ta, để tôi mãi không quên được rằng mọi chuyện mình đều phải tự chịu trách nhiệm, dù lớn hay nhỏ. Và quan trọng hơn tất thảy, mẹ luôn dắt tay tôi đi trên quãng đường đó, dù không giúp tôi cầm lọ kẹo nhưng mẹ chưa từng buông tay tôi.

Nhiều năm lớn lên trong sự chăm lo của mẹ, nhưng tôi chỉ thấy mẹ là người phụ nữ hay cằn nhằn và khô khan đến khó chịu. Một lần, bố kiếm được một món tiền lớn liền dẫn tôi đi mua sách, đó là bộ sách quý rất đắt tiền.

Về đến nhà, mẹ tôi giận giữ với hai bố con mà quát lên: 'Mua nhiều sách như vậy có đổi ra gạo ăn được hay không?'. Bố tôi thở dài, tôi thì ngân ngấn nước mắt, ôm chặt mấy cuốn sách trước ngực. Tôi thương mẹ, nhưng cũng như bố, phần giận nhiều hơn phần thương. Những năm ngấp nghé bước ra đời, nghĩ đến cái thở dài của bố, tôi hiểu nỗi buồn và cô đơn của bố. Hóa ra những điều quan trọng với bố, thì người bạn đời lại không chia sẻ được.

Nhưng sau vài năm lăn lộn kiếm tiền, mệt mỏi vì tiền bạc, lúc đó tôi mới hiểu sự tức giận của mẹ. Mẹ giận không phải vì bố đã tiêu món tiền lớn cho mấy cuốn sách, hay vì đã mệt mỏi vì toan tính cho đủ bữa ăn trong nhà. Hóa ra, điều làm mẹ giận cũng như bố, là không được người bạn đời hiểu cho điều mình coi trọng.

Lúc ấy, đối với mẹ, ngày mai tôi ăn gì, và lấy gì cho tôi đóng học quan trọng hơn thú vui của bố. Điều mẹ lo lắng nhất, vẫn mãi là lấy gì mà lo cho con được đầy đủ.

Tình thương của mẹ không nói bằng lời, mà vì tình thương ấy đau đáu từng ngày nuôi con lớn lên. (Ảnh minh họa - Flicrk Johnny Silvercloud)

Và thỉnh thoảng, tôi cũng tự hỏi mẹ có thương tôi không? Vì nhà nghèo, một năm đến Tết quần áo của tôi đã cũ mục cả, nhưng tôi sợ mẹ hết tiền nên không mua quần áo mới. Đến ngày 30 Tết, cái quần duy nhất còn lành của tôi rách nốt. Tôi ngồi khâu quần mãi tới chiều tối, vải cứ bục ra.

Mẹ nhìn thấy thế, dẫn tôi đi mua quần áo chiều 30 Tết, vừa đi vừa la mắng. Tôi đã muốn khóc, và nghĩ mẹ ghét mình. Tại sao lại tức giận như thế chỉ vì tôi không muốn tiêu thêm chút tiền ít ỏi của mẹ? Lớn lên rồi, thỉnh thoảng mẹ vẫn thở dài nhắc lại chuyện đó. Về sau tôi mới hiểu, tôi đã khiến mẹ đau lòng, vì nghĩ rằng có cái quần manh áo cũng không lo cho con được lành lặn.

Ngày nhỏ, mỗi lần nghe ' có nuôi con mới biết lòng mẹ ', cứ tưởng biết lòng mẹ là biết làm mẹ thì gian nan, vất vả, hy sinh và phải chịu khổ vì con nhiều lắm. Lớn lên mới nhận ra, câu ấy có nghĩa là nuôi con mới biết lòng mẹ thương con bao nhiêu. Mẹ không kể công, kể khổ vì nuôi con, tình thương của mẹ cũng không phải chỉ dành cho con những lúc con đau yếu, khổ sở.

Tình thương ấy lúc nào cũng hiện hữu, bởi vì mẹ đã thương con ngay cả những lúc con vui vẻ, đủ đầy và không từ bỏ con ngay cả khi sai trái.

Hôm nay là Ngày của mẹ , tôi muốn nói nhiều hơn câu 'Con yêu mẹ rất nhiều' - câu nói mà tôi muốn nói nhưng chưa từng nói.

Theo Lam Hạ Spiderum/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/gia-ma-con-hieu-nhung-gi-me-noi-ve-lo-keo-an-trom-con-da-thuong-me-nhieu-hon.html