Giá mà thể thao Việt Nam có một Táo quân

Sau đêm 30 Tết, người ta thi nhau chê Táo quân năm nay 'nhạt', thật tiếc, bởi nếu đạo diễn Đỗ Thanh Hải yêu thể thao một chút thôi, hẳn Táo quân năm nay sẽ 'mặn' hơn rất nhiều.

1. Người hâm mộ thể thao nước nhà lạc quan - phải thực sự lạc quan và các quan chức thể thao đêm qua ắt hẳn phải tặc lưỡi tiếc nuối bởi nếu Táo quân có thêm Thể thao, ắt hẳn nhân gian đã có thứ để nở mày nở mặt với Thiên đình, tha hồ "dìm hàng" các Táo khác.

Nói chẳng ngoa, năm 2016 là năm đại thành công của thể thao Việt Nam. Sau vài chục năm trời "tái hòa nhập" với thể thao khu vực và quốc tế, sau hàng loạt thành tự đáng tự hào, cùng những nỗi tủi hổ "đến hẹn lại lên", thể thao Việt Nam đã có những cú bật nhảy "chạm mây xanh".

Mười sáu năm tính từ chiếc huy chương bạc Olympic đầu tiên của Trần Hiếu Ngân, 8 năm sau chiếc huy chương bạc của đô cử Hoàng Anh Tuấn, Việt Nam một lần nữa được giương danh trên đấu trường Olympic, với quốc thiều lần đầu tiên được cử lên. Lần đầu tiên, Việt Nam với Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng ở đấu trường Thế vận hội.

World Cup - giấc mơ quá đỗi xa vời với bóng đá Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn lặn ngụp trong cái ao tù mang tên Đông Nam Á "đùng một cái" biến thành hiện thực, chẳng những một, mà đến hai lần.

Futsal Việt Nam - chẳng những giành quyền vào chơi tại VCK World Cup, mà còn lọt vào tận 16 đội mạnh nhất thế giới. U19 Việt Nam - thi đấu cực kỳ xuất sắc ở giải châu Á, lọt thẳng vào VCK World Cup U20 tổ chức năm 2017 ở Hàn Quốc.

2. Nhìn ở một khía cạnh khác, quả tình nếu đạo diễn Đỗ Thanh Hải biết chút ít về thể thao, chắc chắn Táo quân năm nay sẽ thêm nhiều tiếng cười, bên cạnh đấy là nhiều giọt nước mắt, thay vì "vừa nhạt, vừa đơ, vừa cứng" như đầy rẫy những nhận xét của những fan hâm mộ Táo quân.

Nếu thành tích "có một không hai" của futsal Việt Nam đều do một tay ông bầu Trần Anh Tú kiến tạo, với những nỗ lực không ngừng trong suốt hơn 10 năm qua, thì U19 Việt Nam cùng HLV Hoàng Anh Tuấn - với cú đột phá mang tên World Cup cũng chỉ làm đẹp thêm bản báo cáo cuối năm của Liên đoàn bóng đá, hơn là một thành tích đáng ghi nhận.

Hóa ra thành tích lẫy lừng của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn...

Minh chứng ư? VFF thưởng cho thành tích "vô tiền khoáng hậu" ấy 1 tỷ đồng, chua xót thay, nó đúng bằng số tiền thưởng mà ĐTQG Việt Nam - ở cái giải đấu mà thầy trò HLV Hữu Thắng thất bại thảm hại, chẳng phải biết giấu mặt vào đâu cho đỡ xấu hổ với người hâm mộ.

Hóa ra, với cái liên đoàn thể thao được ưu ái nhất trong số các liên đoàn thể thao Việt Nam này, chiếc vé dự World Cup của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn, bất quá cũng chỉ ngang cái sự thất bại của HLV Hữu Thắng.

Minh chứng ư? Ngày HLV Hữu Thắng được bổ nhiệm HLV trưởng ĐTQG, cái tên Hoàng Anh Tuấn đã được gợi ý trong vai trò trợ lý, nhưng bị gạt phắt đi, thay vào đấy là vài cái tên gọi lên tuyển để "rót nước pha trà" là chính.

...cũng chỉ được đánh giá ngang thất bại tủi hổ của thầy trò HLV Hữu Thắng.

Để rồi khi HLV Hoàng Anh Tuấn - người được giới chuyên môn đánh giá là có tâm, có tầm nhất trong giới HLV nội, thành công với U19, cần đầu tư chuyên môn, tâm huyết, thời gian để thử sức trên đấu trường World Cup, thì lại được gọi về làm trợ lý cho Hữu Thắng.

Táo Thể thao, như thế đã đủ gây cười chưa?

3. Sáu năm sau ngày được phát hiện phải đi nhổ cỏ, nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ nở nụ cười tươi khoe rằng mình và anh trai đã thuê được mấy sào đất ở quê để trồng rau, đào ao nuôi cá, nuôi lợn.

Đôi chân như bay trên đường chạy ngày nào, giờ tập tễnh từng bước cho lợn, cho cá ăn: "Cám bã nhẹ nhàng thế này em còn làm được, chứ việc nặng làm đồng, cày cấy như mẹ em đang làm thì không thể làm được anh ạ.

Giờ chả thấy tiếc. Mình trót đam mê, thì phải chịu thôi. Chỉ có bố mẹ là thương mình thôi, chứ trông cậy gì vào họ. Vận động viên đời nào thì cũng khổ. Suất ăn 65 nghìn đồng mỗi bữa đấy, mà vận động viên bây giờ ăn có đủ no đâu. Nghe nói ở trung tâm, có người mới sắp về. Ông này được cái ăn gì thì ăn, nhưng chừa ăn của vận động viên ra. Thế cũng tốt cho các em, anh nhỉ?".

Cựu VĐV Nguyễn Thị Nụ (phải) thăm và trao quà cho bà Cao Thị Xang - quả phụ cố xạ thủ Trần Oanh.

Cuối năm, ghé Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm gia đình cố xạ thủ Trần Oanh, người từng được coi là nhà vô địch thế giới bắn súng, từng tuyên bố trước giải đấu 55 năm về trước: "Tôi sẽ đoạt huy chương vàng, để quốc ca Việt Nam lần đầu tiên được vang lên trên đấu trường quốc tế", và ông đã làm được.

Mười sáu năm sau ngày ông được công nhận là "Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ của Việt Nam", gia đình vẫn mãi một một tấm giấy chứng nhận giấy trắng, mực đen, dấu đỏ để đặt lên bàn thờ ông.

Ca sỹ Nguyễn Thu Trang hát tặng vợ cố xạ thủ Trần Oanh.

Vợ ông, bà Cao Thị Xang, năm nay đã 91 tuổi, vẫn chỉ biết gạt nước mắt khi kể lại về ông, khi nghe người khách ghé về thăm hát tặng: "Cả cuộc đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương..."

Giá mà có Táo Thể thao, như thế đã đủ xót xa chưa?

>>> Đọc thêm: Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic là sự kiện thể thao số 1 Việt Nam

Nguồn: soha.vn

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/gia-ma-the-thao-viet-nam-co-mot-tao-quan-d300601.html