Giá như…

Những ngày qua, nhiều hộ dân ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa, TP Hà Nội) rất vất vả trong sinh hoạt, kinh doanh khi bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè bị đập bỏ. Nhiều gia đình, do nền nhà cao hơn vỉa hè đến gần một mét cho nên phải bắc thang hoặc kê gạch, kê các bao cát để vào nhà. Trước mắt, không phải hộ dân nào cũng có thể hạ ngay cốt nhà, hoặc làm lại bậc lên xuống vào trong nhà, chắc chắn nhiều người vẫn phải đối phó bằng những bậc thang kê tạm, dù việc đó có thể còn lấn chiếm vỉa hè nhiều hơn bậc tam cấp và việc ra vào nhà hết sức khó khăn.

Giải tỏa các vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, giành lại diện tích cho người đi bộ là chủ trương đúng đắn được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây là việc khó, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của nhiều gia đình, do đó đòi hỏi sự kiên quyết, công bằng và kiên trì của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền ở cơ sở. Tuy nhiên, giá như những người thực thi công vụ đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, nghĩ cho người dân, việc xây những bậc tam cấp cũng là do cực chẳng đã, khi nhà đã xây xong, cốt nền nhà được cấp phép như vậy, nhưng đường lại thấp hơn, để từ đó cùng nhân dân bàn bạc, tìm cách giải quyết, khắc phục, thì chắc đã có cách giải quyết thấu đáo, hợp lý hơn. Việc đập bỏ các bậc tam cấp giải tỏa được vỉa hè, nhưng lại tạo nỗi ấm ức trong lòng một bộ phận người dân.

Giải tỏa các lấn chiếm vỉa hè không phải là việc mới, đã được thực hiện từ nhiều năm nay, song vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Tình trạng tái lấn chiếm vẫn xảy ra khi các đợt ra quân giải tỏa qua đi. Nguyên nhân chính là do chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, đó là nhu cầu, là sinh hoạt của nhiều người dân. Chính vì vậy, để lập lại trật tự vỉa hè một cách bền vững, lâu dài, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề, đồng thời cần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32368402-gia-nhu%e2%80%a6.html