Gia tăng hành vi chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực giao thông

Trong quý I-2024, tình trạng chống đối lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thi hành nhiệm vụ có xu hướng gia tăng trên toàn quốc. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên một tuyến đường nội thành Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng

Cục CSGT (Bộ Công an) vừa thông báo, trong quý I-2024, trên toàn quốc đã xảy ra 51 vụ chống lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, làm 21 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Lực lượng CSGT đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 55 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý.

“Lẩn tránh” khi bị kiểm tra

Điều đáng quan tâm, so với quý I-2023, số vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ tăng 30 vụ; so với quý IV-2023 tăng 19 vụ, trong đó có 20 vụ liên quan đến kiểm tra vi phạm nồng độ cồn.

Tại thành phố Biên Hòa, từ năm 2009 đến hết năm 2023 (giai đoạn từ khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực đến nay), trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), đã xảy ra 13 vụ chống người thi hành công vụ (13 đối tượng) làm 13 cán bộ bị thương. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 4 ngàn trường hợp không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT.

Trong Hội nghị tổng kết Công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 vào ngày 3-1-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường theo dõi và đánh giá toàn diện về diễn biến, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Qua đó xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, xử lý phù hợp, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT (giai đoạn 2009-2023) tại Đồng Nai vào ngày 11-4, thượng tá Trần Văn Bắc, Phó trưởng Công an thành phố Biên Hòa, cho biết trường hợp không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT biểu hiện ở nhiều hành vi khác nhau như: lao xe vào lực lượng chức năng; tránh né kiểm tra nồng độ cồn; không xuất trình giấy tờ liên quan khi lực lượng chức năng yêu cầu...

Riêng năm 2023, trên toàn tỉnh đã ghi nhận một số trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông mà bỏ chạy, gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, ngày 19-9-2023, tài xế P.X.T. (31 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) điều khiển xe tải biển số 60C-528.51 chạy quá tốc độ nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng CSGT tại thành phố Long Khánh, còn lái xe tải bỏ chạy hơn 10km trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20.

Trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và cao điểm du lịch hè 2024 mới đây, Bộ Công an được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT. Đặc biệt cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.

Nguy hiểm hơn, có một số trường hợp chống người thi hành công vụ gây thương tích cho lực lượng chức năng. Như tối 26-5-2023, đối tượng V.T.H. (24 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) chạy xe máy biển số 60B7-746.85 không đội mũ bảo hiểm, có biểu hiện say xỉn nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của Tổ tuần tra 161 Công an huyện Thống Nhất. Thậm chí, H. còn lao xe máy vào đại úy Trần Thế Kỷ (cán bộ Đội CSGT - trật tự Công an huyện Thống Nhất), khiến đại úy Kỷ bị thương.

Trước đó, tối 26-2-2023, đối tượng T.A.B. (19 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng CSGT tại thành phố Biên Hòa mà tăng tốc bỏ chạy, rồi va chạm với đại úy Lê Ngọc Bảo Châu (cán bộ Cục CSGT, Bộ Công an), khiến đại úy Châu bị gãy chân.

Ứng dụng công nghệ để xử lý vi phạm

Các cơ quan chức năng xác định, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế thực trạng số vụ chống đối lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ có xu hướng gia tăng. Trong đó, một số giải pháp chính đã được lực lượng chức năng tại Đồng Nai đề ra từ đầu năm 2024 và đang triển khai đồng loạt như: áp dụng phạt nguội, tăng cường đầu tư hệ thống camera để kiểm soát giao thông từ xa, đổi mới hình thức tuyên truyền cho người dân…

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát người tham gia giao thông trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa. Ảnh Đăng Tùng

Cụ thể, trong kế hoạch Bảo đảm ATGT trên toàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thu thập dữ liệu và xử lý phạt nguội thay cho phương thức xử lý trực tiếp. Đồng thời, tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa ứng xử, xử lý tình huống trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Vì vậy, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đang áp dụng việc ghi hình xử lý phạt nguội với nhiều hành vi vi phạm trật tự ATGT. Hình ảnh có thể được ghi nhận từ camera của lực lượng chức năng hoặc từ các hình ảnh, clip người dân gửi về. Trong đó có nhiều hành vi vi phạm thường gặp như: chạy quá tốc độ; dừng, đậu xe không đúng nơi quy định; chạy ngược chiều; không đội mũ bảo hiểm...

Anh Nguyễn Hoài Bảo (ngụ thành phố Biên Hòa) cho rằng: “Việc này sẽ giúp lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian xử lý, tăng hiệu quả xử lý. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ không phải ra giữa đường dừng xe đột ngột, hạn chế được tình trạng người vi phạm lao xe vào lực lượng chức năng hoặc quanh co tìm cách không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT”.

Trước những lợi ích trên, về lâu dài, Công an tỉnh sẽ đưa vào vận hành trung tâm chỉ huy, tác chiến, điều hành giao thông (có lắp đặt camera trên các tuyến giao thông) để giám sát giao thông. Hệ thống camera được lắp đặt rộng rãi tại các tuyến giao thông trọng điểm sẽ hình thành mạng lưới quan sát trực tuyến cho lực lượng chức năng và tạo cơ sở pháp lý xử phạt nguội các vi phạm trên lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự.

Cùng với đó, trong Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Bộ Công an (đơn vị soạn thảo) đã đề xuất một số quy định về ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ. Cụ thể, lực lượng chức năng sẽ giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi vi phạm pháp luật; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm; chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát; giải thích rõ quyền và trách nhiệm của họ. Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện, bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để xử lý vi phạm. Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Đăng Tùng

Anh NGUYỄN KHẮC LUÂN (ngụ thành phố Biên Hòa):

Công khai, minh bạch thời gian, địa điểm kiểm soát giao thông

Để ngăn chặn tình trạng chống đối lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, tôi đề nghị lực lượng chức năng cần công khai, minh bạch thời gian, địa điểm, tuyến đường thực hiện tuần tra kiểm soát giao thông. Vị trí lập tổ công tác dừng phương tiện cần bố trí biển báo để người điều khiển phương tiện quan sát, giảm tốc độ từ xa.

Trong quá trình tiếp xúc với người dân, cán bộ làm nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm quy trình công tác, tư thế, lễ tiết, tác phong, điều lệnh. Đồng thời, phải có chế tài xử phạt nghiêm, đưa các vụ vi phạm chống người thi thành công vụ ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Minh Thành (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202404/gia-tang-hanh-vi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-tren-linh-vuc-giao-thong-44166ee/