Giá thịt lợn tăng trở lại: 'Người dân nên thận trọng khi tái đàn'

Khoảng gần 10 ngày trở lại đây, giá thịt lợn tăng cao trở lại với giá dao động từ 38.000 – 40.000 đồng/kg, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo người chăn nuôi nên thận trọng khi tái đàn.

Đâu là nguyên nhân khiến tăng giá?

Trang trại nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Văn Tẩm, tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái rơi vào cảnh khốn khó khi giá lợn thịt sụt giảm ở mức quá thấp trong thời gian qua. Theo chia sẻ của ông Tẩm, giá thịt lợn trước ngày 10/7 trở về trước chỉ dao động từ 13.000 – 20.000 đồng/kg, từ ngày 10/7 trở lại đây giá thịt lợn tăng cao hơn gần gấp đôi từ 38.000 – 40.000 đồng/kg. Đây là giá lợn hơi xuất qua đường tiểu ngạch đi Trung Quốc.

 Người dân nên cân nhắc khi quyết định tái đàn ( Nguồn ảnh: Internet)

Người dân nên cân nhắc khi quyết định tái đàn ( Nguồn ảnh: Internet)

Ông Tẩm cho hay, đợt giá lợn thịt thấp kỷ lục vừa qua đã khiến gia đình ông lỗ vốn khoảng 200 triệu đồng, do vậy mặc dù giá lợn thịt đã tăng nhưng gia đình ông chỉ có thể duy trì đàn khoảng 40 con thay vì cả trăm con như trước đây.

Tham khảo giá tại một số địa phương như Thái Bình, Đồng Nai giá thịt lợn cũng có mức dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Theo ông Trịnh Quang Hiệp Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Bình, hiện tại ở địa phương số lợn trong dân đã giảm khá nhiều so với thời điểm tháng 4.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng được đưa ra, theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y Đồng Nai – ông Nguyễn Trí Công thì giá thịt lợn tăng trở lại thời gian gần đây là bất thường và là điều khiến người chăn nuôi nhỏ hoặc trang trại lo ngại bởi thực tế lượng thịt lợn cung ứng cho thị trường trong nước hiện không thiếu nhưng số đàn lợn ở các trang trại và trong dân cũng không còn nhiều như trước, chỉ có một số doanh nghiệp lớn còn. “Nếu do nhu cầu trong nước thiếu khiến giá thịt tăng thì không sao nhưng nếu do một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn làm giá đẩy giá lên cao thì đáng ngại, giá heo lên chậm nhưng chắc tầm 40.000 đồng/kg thì hợp lý” – ông Công nói.

Còn Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y Tỉnh Thái Bình lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc giá thịt lợn tăng trở lại vào thời điểm này có thể do Trung Quốc mở biên. Ông Hiệp nhận định việc doanh nghiệp làm giá cũng chỉ một phần vì khi Trung Quốc mở biên mà doanh nghiệp làm giá thì chủ yếu là “tát nước theo mưa”, còn nếu làm giá thì mấy tháng vừa rồi họ ( doanh nghiệp – PV) đã làm rồi, một số doanh nghiệp không thể thao túng được thị trường bởi vốn dĩ thị trường thịt lợn của nước ta không ổn định do ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế - TS.Ngô Trí Long việc giá thịt lợn hơi tăng trở lại là điều đáng mừng vì có lợi cho người dân. Tuy nhiên TS.Long cũng khẳng định nói Trung Quốc mua nhiều là không đúng bởi qua số liệu hoạt động xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng như chính ngạch số lượng lợn xuất sang thị trường này không nhiều. Do vậy nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng có thể do nhu cầu của người dân hiện nay vẫn giữ nguyên trong khi lượng tái đàn trong dân chậm và không còn dư thừa như trước nên làm cho giá tăng lên.

Tái đàn: Cần phải cẩn trọng

Việc giải cứu hàng loạt nông sản, trong đó có thịt lợn suốt thời gian vừa qua đã đem đến nhiều bài học đắt giá. Do vậy, theo ý kiến của các chuyên gia mặc dù giá thịt lợn đã tăng nhưng cần phải có những bước đi cẩn trọng.

Ông Vũ Chí Cương – Viện phó Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc giá thịt lợn hơi bắt đầu tăng vào thời điểm này chưa có gì ổn định vì thịt lợn của Việt Nam không buôn bán thương mại chính ngạch thì hoàn toàn không thể bền vững và sẽ không biết trước khi nào giá tăng, khi nào giá giảm. Vì thế vị này khuyến cáo người chăn nuôi không nên vội vã tăng đàn.

Đồng ý kiến với ông Cương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y Đồng Nai và Thái Bình cũng đều nhấn mạnh bà con nông dân không nên tăng đàn vào thời điểm này.

Ông Công cho hay, điều quan trọng nhất là phải giữ đàn heo một cách ổn định và nên tranh thủ cơ hội này làm tốt các công tác thú y, vệ sinh an toàn , chống dịch bệnh, chăm sóc và giữ đàn lợn còn lại một cách tốt nhất để nâng cao năng suất sẽ lợi nhiều hơn. Có thể số đầu nái ít nhưng lượng lợn con, lợn thịt tăng sẽ là cách chăn nuôi bền vững sau này.

Bên cạnh việc khuyến cáo người dân không nên tái đàn thì ông Hiệp cho rằng phía cơ quan chức năng cũng cần phải đưa ra những con số thống kê cụ thể, chính xác về việc số đàn lợn có trong dân của từng tỉnh, địa phương và cho kết quả tổng hợp trên cả nước, thấy được lượng cung và lượng cầu để có định hướng tốt nhất cho người dân.

Còn chuyên gia kinh tế - TS.Ngô Trí Long thì cho rằng, trong kinh doanh điều quan trọng nhất là phải biết cắt lỗ và chốt lời đúng lúc.

Ông Long phân tích, chốt lời đúng lúc là khi thấy có lãi thì người dân nên bán đi chứ không nên chờ đợi vì diễn biến của thị trường khó có khả năng nắm bắt được. Cắt lỗ đúng lúc là trong lúc để đàn quá nhiều mà chi phí lớn sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả. Trong lúc này, TS.Long khuyên bà con nên tiếp tục thận trọng nghe ngóng thông tin của thị trường để quyết định có nên tái đàn hay không.

Thiên Di

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/gia-thit-lon-tang-tro-lai-nguoi-dan-nen-than-trong-khi-tai-dan-a333041.html