Giá thực phẩm hạ 'nhiệt'

Các nhà sản xuất và hệ thống phân phối, bán lẻ lương thực, thực phẩm đang trở lại guồng quay để giải quyết sự khan hiếm tạm thời của thị trường. Cùng với tâm lý lợi dụng ngày Tết để tăng giá đã qua, nguồn cung tăng khiến giá những mặt hàng này giảm nhiệt.

>> Các thực phẩm thường gây dị ứng Tại thị trường Hà Nội và TP HCM, chủng loại các loại rau, thủy hải sản đã đa dạng, đầy đủ hơn những ngày sau Tết. Mặt bằng giá cả nhìn chung đã giảm dần. Đơn hàng thực phẩm tăng cao Ông Lê Đình Phượng, Chủ tịch HĐQT CTCP XNK thực phẩm (Foodex, Hà Nội), cho hay công ty chủ động xây dựng kế hoạch điều động khoảng một nửa số công nhân đi làm từ ngày mùng 3 Tết. Đến ngày mùng 6, Foodex phải huy động toàn bộ công nhân đi làm hai ca mới đủ đáp ứng mỗi ngày trên hai tấn thịt tươi cho các siêu thị Metro, Hapro…. “Đặc biệt, các loại thịt chế biến sẵn năm nay cũng được ưa dùng hơn, các doanh nghiệp chế biến xúc xích, dăm bông lấy lượng thịt tăng gấp rưỡi so với bình thường, nhiều khách hàng tiềm năng khác cũng đang ký kết hợp đồng”, ông Phượng phấn khởi thông báo. Hoạt động của các siêu thị và hệ thống cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ trở lại khá nhanh. Siêu thị Big C từ ngày mùng 9 Tết, chỗ trống của các gian hàng quầy rau quả đã được lấp đầy gần hết. Đại diện siêu thị này cho biết nhiều hợp tác xã cung cấp rau xanh đã hoạt động trở lại. Tuy còn thiếu một số loại nhưng về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả giữ ở mức ổn định so với trước Tết. Chương trình khuyến mại giảm giá gần 200 mặt hàng của Big C kéo dài tới hết 2/3 cũng kích thích thói quen mua sắm của người dân sau. Tại những vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, người dân cũng đã gấp rút chuẩn bị cho các đợt thu hoạch mới. Nguồn cung sắp dồi dào trở lại. Giá sẽ còn giảm Do sự vào cuộc của các nhà sản xuất, phân phối, nhiều mặt hàng đã hạ nhiệt. Tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ ở Hà Nội, giá các loại rau bắt đầu giảm. Súp lơ xanh phổ biến còn 10.000 đồng một chiếc, cà chua 10.000 đồng một kg, cải chíp 9.000 – 10.000 đồng một kg… Tại TP HCM, sau khi “đội giá” tăng vọt từ những ngày sau Tết, đến nay giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm. Tuy không ít tiểu thương “đe dọa” giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng trở lại do giá xăng, điện… đã tăng nhưng một số chuyên gia khẳng định do nguồn cung đang dồi dào nên giá những thực phẩm này có xu hướng giảm rõ rệt hơn. Ở những chợ lẻ nhiều loại đã giảm tới 50%, như dưa leo còn 12.000 đồng một kg. Các loại bầu bí, khoai, khổ qua… cũng giảm tương tự. Chị Nụ, tiểu thương quầy rau củ tại chợ Tân Định (Quận 1), cho biết do các mối hàng hoạt động trở lại, lượng rau củ đổ về các chợ đầu mối (Thủ Đức, Tân Phú Trung, Hóc Môn) nhiều hơn giúp giá những mặt hàng này giảm. Giá rau, củ trong các siêu thị khá ổn định và thấp hơn các chợ 20 – 30%. Chẳng hạn, dưa leo tại siêu thị Co.op Mart chỉ có 8.200 đồng một kg, siêu thị này cũng vừa quyết định tung ra chương trình giảm giá hàng trăm mặt hàng nằm trong danh mục những mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau xanh… Giá tại các chợ, đại lý cũng có xu hướng giảm nhẹ. Những loại gạo phổ biến như thơm thái giảm 1.000 đồng (còn 10.000), dẻo 64 giảm 1.000 đồng một kg, còn 9.500 đồng một kg… Theo các doanh nghiệp phân phối gạo tại TP HCM, việc bắt tay bình ổn giá giữa doanh nghiệp thực phẩm với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm khiến giá gạo ngoài thị trường muốn tăng cũng không được. Tại các siêu thị của TP, hầu hết những loại gạo được bày bán đều là sản phẩm của các thành viên thuộc Tổng công ty lương thực miền Nam nên có chung một mức giá. Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc công ty TNHH Lương thực TP HCM khẳng định mức giá này sẽ được giữ cố định ít nhất đến hết ngày 15/3.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Gia-thuc-pham-ha-nhiet/20103/82294.datviet