Giá thuốc "leo thang": Cục Quản lý dược ở đâu?

PN - Gần như tháng nào khảo sát thị trường của Hiệp Hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cũng cho thấy, hàng chục mặt hàng thuốc trong và ngoài nước đều đều tăng giá, trong khi đó cơ quan quản lý vẫn đủng đỉnh...

"Lùi" một tiến... mười Trong đợt khảo sát 5.760 lượt mặt hàng thuốc chữa bệnh từ tháng đầu 12/2009 đến 20/1/2010 của Hiệp Hội cho thấy, có đến 32 mặt hàng thuốc ngoại tăng giá, chiếm tỷ lệ 0,55% với mức tăng trung bình 5,1%. Trong khi đó, đợt này chỉ có bảy mặt hàng giảm giá với tỷ lệ rất thấp. Gần nhất, đợt khảo sát từ tháng 1 đến tháng 2/2010 với 2.000 mặt hàng tân dược ở khu vực TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cũng cho thấy, có 14 mặt hàng thuốc ngoại tăng giá, chiếm tỷ lệ 0.7%, với mức tăng trung bình 5.3%. Đặc biệt, có những mặt hàng tăng giá hơn 7% như thuốc Glucophase 0.5g từ 66.000đ/hộp tăng lên 70.665đ/hộp. Nhà thuốc phải niêm yết giá thuốc là điều cần thiết - Ảnh L.N. Mới đây, khi khảo sát một số mặt hàng thuốc ở khu vực Trung tâm dược quận 10 và các nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM, cũng đã ghi nhận được việc không ít loại tân dược âm thầm tăng giá. Loại men tiêu hóa Lacteolfort cách đây một tháng có giá 12.000đ/gói, hôm qua đã vọt lên 13.500đ/gói, Augmentin nhập khẩu từ Anh để trị nhiễm khuẩn tăng từ 14.500đ/viên lên 16.000đ/viên. Khi chúng tôi hỏi mua thuốc Cefotaxim 1g ở một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, nhân viên ở đây cho biết giá 38.500đ/viên, trong khi tháng trước thuốc này chỉ 37.000đ/viên. Hỏi thêm về giá một số thuốc thông dụng như Efferalgan, Amoxicilin, Ampicillin, Berberin, hay Paracetamol... đều được các nhà thuốc cho biết giá đã tăng từ nhiều ngày qua, mức tăng từ 1-3.000đ/hộp tùy loại. "Ngựa bất kham" Người bệnh ví giá thuốc như những chú ngựa bất kham, bởi ngành chức năng gần như không kìm cương nổi. Thực tế, những lần báo chí phản ánh về biến động giá thuốc trên thị trường, là Cục Quản lý dược lập tức có công văn yêu cầu các Sở Y tế kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM từng phát biểu, khó mà giám sát nổi giá thuốc, bởi việc điều chỉnh cho tăng giá thuốc của các hãng thuốc ngoại thuộc quyền của Cục Quản lý dược. Sau khi điều chỉnh giá, Cục lại không có thông báo chính thức cho y tế địa phương, nên khó biết thuốc nào được tăng hay không để mà giám sát! Điều khiến nhiều người quan tâm là tại sao giá thuốc nhập khẩu của các hãng dược lại rất thấp so với giá bán ra? Đơn cử như thuốc Efferalgan 150mg hộp hai vỉ, mỗi vỉ năm viên có giá nhập khẩu vào năm 2008 được Cục Quản lý dược công bố chỉ có 0,85 USD/hộp, giá nhập khẩu vào năm 2009 cũng không biến động. Như vậy, một viên tính ra chỉ 1.700đ, nhưng thực tế hiện nay người bệnh phải mua với giá 2.600đ/viên. Điều này cho thấy, giá thuốc vẫn được Cục Quản lý dược điều chỉnh nhưng không hiểu sao, người bệnh lại phải gánh mức giá chênh lệch nhiều như vậy. Thậm chí, tại các bệnh viện, dù đã triển khai đấu thầu công khai các mặt hàng thuốc phục vụ bệnh nhân, nhưng không ít loại thuốc vẫn bị "làm giá” quá cao. Như tại một nhà thuốc trong bệnh viện ở TP.HCM, mới đây ngành chức năng phát hiện bán thuốc chữa dạ dày Cadimezol 20mg, giá trúng thầu chỉ 400đ/viên nhưng bệnh nhân phải mua với giá 3.000đ/viên. Nếu bệnh viện được hưởng mức bán thuốc chênh lệch 5% theo quy định của Bộ Y tế, thì giá thuốc trên vẫn còn cao ngất ngưởng, hơn 500%. Đó là chưa kể hàng nghìn mặt hàng thuốc đặc trị có giá rất cao, lại phải nhập khẩu thuốc gốc từ các hãng dược nước ngoài, khiến bệnh nhân oằn vai chịu đựng. Giá thuốc nhập khẩu được công bố công khai, đồng USD không biến động nhiều, giá nguyên liệu vẫn ổn định... tại sao Cục Quản lý dược không kìm cương được giá thuốc? Lê Na

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/gia-thuoc-leo-thang-cuc-quan-ly-duoc-o-dau.aspx