Giá trị ảo

Bộ Thông tin truyền thông vừa công bố một con số gây sốc: Tính đến đầu tháng 10.2009, Việt Nam có gần 100 triệu thuê bao di động. Tuy nhiên, có tới gần 50 triệu thuê bao di động "chết".

Tính đến đầu tháng 10.2009, Việt Nam có gần 100 triệu thuê bao di động nhưng trong số đó là 50 triệu thuê bao di động "chết". (LĐ) - Bấy lâu nay, các mạng di động và giới công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông thường tự hào khi VN có tốc độ phát triển di động vào hàng đứng đầu thế giới. Nếu như hết năm 2008, VN chỉ có hơn 50 triệu thuê bao di động thì chỉ sau 1 quý - tức là đến tháng 4.2009 VN - đã có hơn 73 triệu thuê bao. Tiếp đó đến hết tháng 9.2009, VN đã có tới gần 100 triệu thuê bao di động. Đây là tốc độ... khủng khiếp mà ít quốc gia trên thế giới có được. Thậm chí trong một thời gian dài, các mạng di dộng đua nhau lấy số lượng thuê bao ra để "tranh chấp" ngôi vị số 1. Đặc biệt đã có lúc, số lượng thuê bao đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc "chiếm giữ" các giải thưởng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông. Tuy nhiên, Bộ TTTT vừa công bố một con số gây sốc: Tính đến đầu tháng 10.2009, VN có gần 100 triệu thuê bao di động. Tuy nhiên, có tới gần 50 triệu thuê bao di động "chết". Giải thích rõ về sự "chết" này, một chuyên gia cho biết: Đây là dạng sim rác mà chủ nhân đã vứt đi hoặc không dùng. Cơ sở để xác định sự "chết" là các thuê bao di động này không phát sinh cước hằng tháng và chờ ngày xóa sổ trên hệ thống mạng. Dẫn đầu trong số này, Viettel là DN có tỉ lệ sim rác nhiều nhất, khi cứ 6 - 7 sim bán ra thì chỉ phát triển được 1 thuê bao thực. MobiFone và VinaPhone cũng có tỉ lệ khá cao khi cứ 3 - 4 sim bán ra thì mới phát triển được 1 thuê bao thực. Có lẽ đến đây, các nhà quản lý cũng như giới CNTT - truyền thông mới vỡ lẽ với "giá trị ảo". Tuy nhiên, điều nguy hiểm chính là hệ lụy của "giá trị ảo" này. Đầu tiên là việc chính các DN chịu thiệt hại nặng nề. Sau đó là đến việc thị trường viễn thông di động đã bị làm cho hỗn loạn. Chưa hết, số đông các DN nội dung đã dựa vào "cơ sở dữ liệu" có tỉ lệ sai số cao để định hướng kinh doanh. Cuối cùng, "giá trị ảo" này đã tác động xấu đến hoạch định chính sách phát triển CNTT- truyền thông, bởi con số về tốc độ phát triển điện thoại, tỉ lệ điện thoại/100 dân đã bị làm méo mó. Phạm Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/gia-tri-ao/200910/159583.laodong