Giá trị tiền đồng bị đánh đổi?

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế đề nghị tăng trần lãi suất USD như là giải pháp để thu hút ngoại tệ trong dân. Nhưng, có người lại cho rằng, nếu nâng lãi suất đồng USD cao hơn 0% sẽ làm tiền đồng mất giá.

Sau một thời gian dài các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi USD từ 4 - 6%/năm từ năm 2011 trở về trước, thì từ ngày 13/4/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu áp dụng mức trần lãi suất huy động USD tại các tổ chức tín dụng (TCTD) qua việc ban hành Thông tư số 09/2011/TT-NHNN, theo đó, đối với các tổ chức kinh tế, mức trần được áp dụng là 1%, cá nhân là 3%/năm. Đây được xem là giải pháp kỳ vọng hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Dù vậy, mức trần lãi suất huy động USD tại Việt Nam khi đó nếu so với mức lãi suất cơ bản USD của Mỹ do FED đặt ra vẫn ở mức khá cao.

Với định hướng giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế nhằm hạn chế những bất ổn do thị trường ngoại hối gây ra, NHNN tiếp tục giảm dần trần lãi suất huy động USD về chỉ còn 0% đối với cả tổ chức lẫn cá nhân kể từ 18/12/2015.

Nếu tăng lãi suất huy động USD trở lại theo như một số ý kiến đề xuất gần đây thì hệ quả đầu tiên là chi phí vốn huy động đầu vào USD của các ngân hàng sẽ tăng, dĩ nhiên lãi suất cho vay USD sẽ tăng. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có vay USD khi đó sẽ chịu mức lãi suất vay cao hơn, do đó có thể phải tăng giá bán sản phẩm để duy trì tỷ suất sinh lời. Kết quả là hàng nhập khẩu tăng giá có thể ảnh hưởng lên lạm phát vốn đang được kiểm soát ổn định, trong khi hàng xuất khẩu nếu tăng giá sẽ giảm lợi thế cạnh tranh.

Hiện tại chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD đang duy trì ở mức từ 5 - 7% tùy theo kỳ hạn, do đó nếu tăng lãi suất USD thì mức chênh lệch này sẽ co hẹp lại và có thể làm đảo ngược sự chuyển dịch vốn từ USD sang VND.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay gặp khá nhiều khó khăn để duy trì sức cạnh tranh so với các nước khác, nhất là khi VND thực tế vẫn đang bị định giá cao so với các đồng tiền khác, thì việc chi phí tài chính tăng lên sẽ càng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp thêm khó khăn. Nếu lãi suất tiền gửi USD tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ sẽ có xu hướng găm giữ ngoại tệ trên tài khoản với kỳ vọng vừa được hưởng lãi vừa trông chờ vào sự điều chỉnh của tỷ giá, thay vì chuyển sang VND.

Thứ hai, nếu lãi suất USD tăng sẽ tăng áp lực tăng lãi suất huy động VND. Hiện tại chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD đang duy trì ở mức từ 5 - 7% tùy theo kỳ hạn, do đó nếu tăng lãi suất USD thì mức chênh lệch này sẽ co hẹp lại và có thể làm đảo ngược sự chuyển dịch vốn từ USD sang VND. Các ngân hàng khi đó muốn hạn chế tình trạng này buộc phải tăng lãi suất VND lên tương ứng đảm bảo mức chênh lệch được giữ nguyên, để khách hàng vẫn duy trì tiền gửi VND.

Thứ ba, khi lãi suất huy động đầu vào VND tăng, lãi suất cho vay VND sẽ tăng theo nguyên lý "nước lên thuyền lên". Đây rõ ràng là điều mà nhà điều hành không muốn xảy ra, khi suốt thời gian qua luôn định hướng phải giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng nền kinh tế. Theo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thì mục tiêu đến năm 2020, lãi suất cho vay giảm về mức 5%.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nếu chấp nhận cho vay USD thì dần dần sẽ phải chấp nhận có thanh toán bằng USD. Và cũng không thể đảm bảo được rằng, khi DN được vay nợ bằng ngoại tệ của NHTM thì họ sẽ không vay bằng đồng ngoại tệ khi mua bán hàng hóa lẫn nhau. Điều này sẽ dần dần gây biến tướng và khó kiểm soát ở tầm vĩ mô.

Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, tiền đồng đang neo vào đồng USD, nếu tăng lãi suất USD cao hơn 0% sẽ làm mất giá VND trong tương quan giữa đồng USD và VND trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế. “Tất cả những yếu tố rủi ro đó, liệu chúng ta có nên sẵn sàng đánh đổi sự ổn định của tiền đồng hiện nay là kết quả sau nhiều năm Nhà nước chống đô-la hóa để lấy cái kỳ vọng huy động nguồn ngoại tệ bằng cách tăng lãi suất huy động USD?”, ông Sơn nói.

Nếu tăng lãi suất huy động USD lên cho tương ứng với mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì phù hợp, chứ nếu nhắm vào mục đích huy động ngoại tệ thì không nên. Mặc dù tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên có thể sẽ có một dòng vốn ngoại đổ vào, nhưng sẽ không nhiều do Việt Nam chưa có những NHTM mang tầm quốc tế. Phát triển đồng nội tệ để thúc đẩy nền kinh tế mới quan trọng, chứ không nên sử dụng một đồng tiền nước ngoài để phát triển kinh tế Việt Nam.

Khi nền kinh tế nếu sử dụng song song hai đồng nội tệ và ngoại tệ, thì xã hội sẽ có sự phân chia đồng tiền tốt và đồng tiền xấu. Khi đồng tiền xấu bị tụt giá trị và bị đẩy ra ngoài thì ai cũng muốn cầm đồng tiền tốt. Đồng nội tệ chính là chủ quyền tiền tệ của một quốc gia đó do NHTW phát hành cần phải bảo vệ, gìn giữ.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/gia-tri-tien-dong-bi-danh-doi--208730.htm