Giã từ vũ khí, những tay súng vượt khỏi yếu tố bạo lực

Như tên gọi tiếng Việt Bảy tay súng huyền thoại, The Magnificent Seven là câu chuyện của... những tay súng vượt khỏi yếu tố bạo lực, phim mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.

The Magnifi cent Seven có cốt truyện vô cùng đơn giản: Ngôi làng nhỏ Rose Creek của miền Viễn Tây một ngày không còn yên bình khi những kẻ cướp đất, bóc lột tài nguyên tìm đến hoành hành. Sự kháng cự yếu ớt của người dân nơi đây đã dẫn tới đổ máu, trong đó có cái chết của chồng cô gái trẻ Emma Cullen (Haley Bennett).

Cô gái tìm kiếm sự giúp đỡ của tay thợ săn tiền thưởng Sam Chisolm (Denzel Washington). Bức xúc trước cảnh người dân bị đàn áp, Chisolm chiêu mộ thêm “thần bài” Josh Farraday (Chris Pratt) cùng các “hảo hán” khác lập thành bộ bảy “The Magnifi cent Seven”, nhằm chống lại tên trùm khét tiếng Bogue, mang về yên bình cho ngôi làng.

Với những người hâm mộ phong cách phim cao bồi Viễn Tây thì The Magnifi cent Seven là một sự lựa chọn phù hợp. Đạo diễn Antoine Fuqua đã tạo được những thước phim đậm đặc chất liệu của vùng đất này qua tông màu ngả vàng của đất, qua những chiếc mũ rộng vành, những bộ trang phục di-gan, tiếng vó ngựa khua...

Nữ diễn viên Haley Bennett và tài tử Chris Pratt trong phim

Và tất nhiên, sự hoang dại, kiêu hãnh của con người nơi đây đã tô đậm cho không khí xuyên suốt của bộ phim. Bản phim lần này cũng mang lối kể hiện đại hơn so với những phiên trước.

Năm 1960, tác phẩm điện ảnh cùng tên đã được đạo diễn tài danh John Sturges thực hiện tại một ngôi làng ở Mexico. Phiên bản trước và sau vẫn mang hơi hướng miền Viễn Tây bụi bặm, khô cằn, nhưng tác phẩm vừa ra mắt còn được phủ lên các yếu tố hiện đại, trẻ trung, chứa nhiều tính giải trí hơn.

Lùi về xa hơn nữa, cả hai phiên bản này đều dựa trên kịch bản phim Seven Samurai ra đời năm 1954 của Akira Kurosawa - một trong những tượng đài điện ảnh của Nhật Bản. Cho đến nay, bộ phim gốc có bối cảnh ở Nhật vẫn được đánh giá rất cao, đứng vị trí thứ 19 trong 100 bộ phim hay nhất trên IMDb. Phiên bản làm lại của Mỹ vào năm 1960 cũng nhận được nhiều lời khen của cả khán giả và giới phê bình, trong đó có một đề cử Oscar cho phần âm nhạc trong phim.

Trước những thành công đã đạt được, liệu The Magnifi cent Seven mới có gì hơn? Câu trả lời là với mục tiêu tiếp cận đối tượng khán giả trẻ hôm nay, phim đã không gây thất vọng, dù chưa phải xuất sắc so với hai phiên bản cũ.

Yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thu hút của bộ phim là sự tái hợp của dàn diễn viên kỳ cựu, tài năng.Đầu tiên là bộ ba gồm hai tài tử gạo cội Denzel Washington, Ethan Hawke và đạo diễn Antoine Fuqua. Cả ba từng hợp tác trong dự án phim nổi tiếng mang về giải Oscar cho Washington là Training day (2001).

Tiếp theo là sự tái ngộ của ngài cao bồi da màu Denzel Washington với cô gái được coi như “nàng thơ” của các tay súng trong phim - Haley Bennett. Cả hai từng đóng chung trong bộ phim hành động The equalizer (2014), cũng do Antoine Fuqua đạo diễn. Đây cũng là sự hội ngộ của “trai đẹp” Chris Pratt và Vincent D’Onofrio sau Jurassic world (2015) và The guardian of the galaxy (2014).

Ngoài cách kể chuyện hóm hỉnh, tưng tửng gắn với xuất xứ của mỗi “hảo hán” miền Viễn Tây, yếu tố nổi bật của The Magnifi cent Seven là phần xây dựng bối cảnh, mà tâm điểm là cuộc chiến giáp lá cà giữa bảy tay súng huyền thoại cùng dân làng chống lại bọn khai thác do Bogue cầm đầu.

Vì mọi người dân của làng Rose Creek đều nhìn thấy viễn cảnh đổ máu phía trước nên thời điểm chiều tối và đêm trước khi giờ “định mệnh” đến vào lúc rạng sáng mang không khí vô cùng đặc biệt. Không khí ấy truyền đến người xem cảm giác âu lo và cảm động.

Có thể, không ít khán giả sẽ nhận xét The Magnifi cent Seven không vượt qua được hai bộ phim xuất sắc của Antoine Fuqua là Training Day và bộ phim tâm lý, thể thao Southpaw (2015); tuy nhiên, khó có thể phủ nhận tài năng dàn dựng của đạo diễn này qua trường đoạn hành động kịch tính, hấp dẫn và đầy cảm xúc được đẩy lên ở nửa cuối phim.

Từng có vô vàn bộ phim hành động về đề tài miền Viễn Tây nhưng The Magnifi cent Seven không hề gây nhàm chán với phần dàn cảnh này. Từ đây cũng nổi bật ý nghĩa của những gì bảy kẻ hảo hán đã làm. Họ không phải chiến đấu vì tiền bạc hay để được trả công mà đang xả thân vì những mục tiêu cao cả hơn. “Họ sống và chết vì những người không thể tự bảo vệ mình”, theo lời ghi sau này về họ.

Hay nói như Emma Cullen, cô cùng dân làng “không phải trả thù mà là giành lại sự công bằng”. Dù vậy, với một bộ phim về bảy xạ thủ và những cảnh hành động tạm gọi là “mãn nhãn” thì sau tất cả, đọng lại trong mỗi người xem có thể là ước ao về lẽ công bằng đến một ngày nào đó không phải trả giá bằng máu, nước mắt và không đi liền với tiếng súng. Đó là những tháng ngày “giã từ vũ khí”, dù đó là ở xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản hay ở vùng đất dữ dội miền Viễn Tây.

Bùi Dũng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%e2%80%93-choi/gia-tu-vu-khi-nhung-tay-sung-vuot-khoi-yeu-to-bao-luc-83827/