Giá vàng thế giới tăng mạnh, thị trường trong nước bất thường

Những lo ngại về thị trường toàn cầu đã hỗ trợ giá vàng đi lên trong phiên giao dịch cuối tháng 2. Tăng hơn 10%, giá vàng đã có tháng tăng mạnh nhất trong 4 năm qua. Trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh, thì giá vàng SJC chỉ tăng nhẹ đã kéo hai thị trường về gần trạng thái cân bằng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/2, giá vàng thế giới vượt lên ngưỡng 1.238,3 USD/oz, tăng 16,5 USD/oz so với cuối tuần qua, tương đương đương gần 1,4%. MarketWatch cho rằng: Thị trường chứng khoán toàn cầu bất ổn đã kích thích tâm lý tìm đến vàng để phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư. Trong đó, lực mua tăng mạnh tại Trung Quốc khi chứng khoán nước này tiếp tục sụt giảm 2,9% và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại đã trở thành nhân tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng vào hôm qua. Như vậy, thị trường vàng đã có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2012 khi ghi nhận mức tăng 10,6%.

Xu hướng tăng giá vẫn tiếp diễn trong sáng nay trên thị trường châu Á. Đến 9h25, giá vàng niêm yết trên sàn Kitco đứng ở ngưỡng 1.246,1 USD/oz, tăng 7,8 USD/oz so với giá chốt phiên đêm qua. Trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh, thì giá vàng trong nước lại tăng không đáng kể. Đến 9h25, giá vàng SJC đang giao dịch phổ biến quanh ngưỡng 33,52-33,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua. Như vậy, giá vàng trong nước đang ngày càng tiệm cận thị trường thế giới. Đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây.

Giá vàng SJC đang dần tiệm cận thị trường thế giới

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất thường này là do thừa cung khi lượng người bán ra tăng cao, trong khi người mua rất ít. Nguồn cung tăng mạnh, còn lực cầu lại suy giảm khiến giá vàng trong nước tăng không đáng kể. Việc giá vàng trong nước và thế giới xích lại gần nhau cũng như mãi lực trên thị trường vàng trong nước dần ổn định đã góp phần chống vàng hóa nền kinh tế cũng như ngăn chặn tình trạng vàng nhập lậu vào Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến bất thường này cũng đang đặt thị trường trong nước trước nhiều rủi ro vì không cân bằng được trạng thái. Nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng giá vàng trong nước rẻ hơn thế giới. Khi đó, nguy cơ “chảy máu” vàng từ Việt Nam ra nước ngoài là hoàn toàn có thể.

Nhận định về thị trường vàng, các chuyên gia kinh tế tin là giá vàng sẽ tiếp đà tăng trong tháng 3. Cố vấn chiến lược Jonathan Butler của Mitsubishi cho rằng: Các chỉ báo kỹ thuật cũng như những động thái của các quỹ tín thác vàng lớn trên thế giới có thể hỗ trợ giá vàng. Thêm vào đó, nhu cầu mua vào của các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn rất lớn khi thị trường chứng khoán nước này tiếp tục bất ổn.

Tuy nhiên, nếu xét về kinh tế vĩ mô, ECB có thể ra thông báo về tăng kích thích kinh tế trong tuần tới sẽ khiến Euro mạnh hơn USD. Khi đó, giá các hàng hóa lại đều chịu áp lực, trong đó có vàng. Thêm nữa, nếu Fed quyết định tăng lãi suất trong kỳ họp thường niên diễn ra giữa tháng 3, thì có thể hãm đà tăng của thị trường, thậm chí giá vàng có thể giảm mạnh. Tuy nhiên, khả năng này không lớn, do các báo cáo gần đây về sức khỏe kinh tế Mỹ không thật sự lạc quan đủ để Fed ra quyết định tăng lãi suất như kế hoạch đã định.

Xem thêm:

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-tai-chinh/gia-vang-the-gioi-tang-manh-thi-truong-trong-nuoc-bat-thuong