Giá vàng trong tuần (6/5-12/5): Kết thúc tuần tăng giá

Giá vàng thế giới trong tuần (6/5-12/5) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần sau đó quay đầu giảm tại phiên giao dịch giữa tuần. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tăng mạnh.

Ảnh minh họa

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/5, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2360,45 USD/ounce.

Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 68,77 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 21,33 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2381,7 USD/ounce, tăng 30,8 USD trong phiên.

Giá vàng thế giới trong tuần (6/5-12/5) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần sau đó quay đầu giảm tại phiên giao dịch giữa tuần. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tăng mạnh.

Đầu tuần (6/5-7/5) giá vàng thế giới tăng mạnh khi được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông khi Israel tấn công Rafah ở Gaza.

Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2325,07 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2326,1 USD/ounce.

Chỉ số US Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 1 tháng khi báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường việc làm tại nước này đang yếu đi, điều này đã làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Theo công cụ FedWatch, sau báo cáo, thị trường đã tăng khả năng Fed sẽ tiến hành lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 lên 71%.

Chuyên gia phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết, các nhà đầu tư đang chờ đợi các phát biểu của một số quan chức Fed trong tuần này để có thêm manh mối về trục xoay chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Ở một diễn biến khác, nhóm chiến binh Palestine Hamas hôm thứ Hai (6/5) đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn ở Gaza từ các nhà hòa giải, nhưng Israel cho biết các điều khoản này không đáp ứng được yêu cầu của họ và Israel đã tiếp tục tấn công ở Rafah trong khi vẫn lên kế hoạch đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn mới.

Israel đã tấn công Rafah ở rìa phía nam Gaza từ trên không và trên mặt đất, đồng thời ra lệnh cho người dân rời khỏi các khu vực của thành phố - nơi cư trú của hơn một triệu người Palestine.

Việc thiếu sự hợp tác giải quyết giữa các bên trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng hiện nay đã hỗ trợ giá vàng. Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng chiến tranh leo thang trong khu vực sẽ làm tăng nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.

Ảnh minh họa

Giữa tuần (8/5-9/5) giá vàng quay đầu giảm khi chỉ số đô la Mỹ vững chắc và lãi suất trái phiếu tăng cao.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2308,78 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2332,8 USD/ounce.

Chỉ số US Dollar Index tăng 0,1% khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 6 trong cuộc họp FOMC. Ông Powell đã tái khẳng định cam kết ưu tiên kiềm chế lạm phát và hướng tới mục tiêu lạm phát ở mức 2%.

Trong phát biểu vào giữa tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh bang Minneapolis Neel Kashkari đã đưa ra quan điểm “diều hâu” về chính sách tiền tệ khi nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Chuyên gia phân tích Peter Fertig cho biết, thị trường đang quan tâm đến thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay, nếu lạm phát không giảm thì Fed vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 4 tăng chậm hơn dự kiến và mức tăng lương hằng năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 4% sau gần 3 năm. Sau dữ liệu việc làm yếu kém gần đây của Mỹ, thị trường tiền tệ đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay với mức giảm khoảng 40 điểm cơ bản.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã bổ sung 289,7 tấn vàng vào kho dự trữ, đánh dấu mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2024.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng trái phiếu lợi suất cao dường như vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư hơn vàng. Tuy nhiên, khi triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lên, xu hướng này có thể đảo ngược.

Ở một diễn biến khác, căng thẳng đang tiếp tục leo thang ở Trung Đông khi quân đội Israel giành quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập. Theo một số nguồn tin, xe tăng của Israel đã tiến vào thị trấn Rafah ở phía nam Gazan, trong khi các nhà hòa giải tiếp tục đàm phán để đảm bảo ký kết một thỏa thuận ngừng bắn.

Thời điểm cuối tuần (10/5-12/5) giá vàng tăng mạnh khi nhiều ngân hàng trung ương tỏ ra sẵn sàng hạ lãi suất. Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang và dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi đang hỗ trợ tích cực cho thị trường vàng.

Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2360,45 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2381,7 USD/ounce.

Một số ngân hàng trung ương lớn quyết định cắt giảm lãi suất hoặc ra tín hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong tương lai. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một tài sản không sinh lãi, khiến nó trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn hơn.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 3 và Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã đưa ra quyết định ôn hòa khiến thị trường ngạc nhiên tại cuộc họp chính sách gần đây nhất. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Các nhà phân tích đánh giá, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện là ngoại lệ lớn khi họ tiếp tục báo hiệu ý định giữ lãi suất ở mức cao trong tương lai gần.

Sự gia tăng lớn hơn dự kiến trong xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang hỗ trợ kim loại màu vàng. Cụ thể, xuất khẩu nước này đã tăng 1,5% trong tháng 4 sau khi giảm 7,5% trong tháng 3.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Dallas Lorie Logan hôm thứ Sáu (10/5) cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu chính sách tiền tệ ngân hàng trung ương Mỹ có đủ chặt chẽ để giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% hay không.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho rằng lạm phát có thể chậm lại theo chính sách tiền tệ hiện tại, cho phép ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất chính sách năm 2024 - mặc dù có lẽ chỉ 1/4 điểm phần trăm và thời điểm cắt giảm lãi suất phải đến những tháng cuối cùng của năm 2024.

John Kilduff, đối tác tại Again Capital cho biết: “Tuyên bố của hai chủ tịch của FedBanks dường như chắc chắn đã cản trở triển vọng cắt giảm lãi suất”.

Ở một diễn biến khác, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã khiến một nhà máy lọc dầu ở vùng Kaluga của Nga bốc cháy, đây là cuộc tấn công nhằm trong chuỗi các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng vào cơ sở hạ tầng năng lượng giữa 2 nước.

Theo người dân Palestine, căng thẳng ở Trung Đông đang tiếp tục leo thang sau khi lực lượng Israel bắn phá các khu vực ở thành phố Rafah phía nam Gaza hôm thứ Năm (9/5). Vòng đàm phán hòa bình mới nhất nhằm ngăn chặn hành động thù địch ở Gaza không đạt được tiến triển.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 88,8-91,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1.300.000 đồng ở chiều mua và giảm 1.100.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/5.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 87,7-89,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 2.400.000 đồng ở chiều mua và giảm 2.200.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/5.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 87,2-89,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 2,800.000 đồng ở chiều mua và giảm 2.050.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/5.

Minh Đức

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-vang-trong-tuan-65-125-ket-thuc-tuan-tang-gia-710984.html