Giá xăng dầu, túi nilon phải cộng thêm thuế môi trường

Theo Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định có 8 nhóm hàng hóa sẽ chịu thuế là những hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng bao gồm: Xăng dầu, than đá, dung dịch hydro - chloro - fluoro - carbon (dung dịch HCFC), túi nilon thuộc diện chịu thuế, thuốc trừ cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng và thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

Chiều 15/11, Tổng cục Thuế đã họp báo công bố hai luật thuế sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2012 là Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

8 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường

Theo Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định có 8 nhóm hàng hóa sẽ chịu thuế là những hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng bao gồm: Xăng dầu, than đá, dung dịch hydro - chloro - fluoro - carbon (dung dịch HCFC), túi nilon thuộc diện chịu thuế, thuốc trừ cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng và thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

Tại biểu khung thuế bảo vệ môi trường quy định: xăng dầu, nhiên liệu bay sẽ có mức thuế là 1.000 đồng/lít, dầu diesel chịu thuế 500 đồng/lít, còn các loại khác như dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ chịu mức thuế là 300 đồng/lít (kg). Nhóm than đá và một số loại than khác như than mỡ, than antraxit... sẽ có mức thuế từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn. Đối với mặt hàng túi nilon thuộc diện chịu thuế sẽ có mức thuế là 40.000 đồng/kg. 5 nhóm đối tượng còn lại, ngoại trừ dung dịch HCFC chịu thuế 4.000 đồng/kg, thuốc diệt cỏ là 500 đồng/kg, còn lại các nhóm khác đều chịu mức thuế ngang bằng là 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ngoài 8 nhóm đối tượng nêu trên, luật cũng quy định "trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Chính phủ sẽ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định". Đây là điều khoản mở, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, môi trường ô nhiễm tăng cao, phát sinh thêm hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm cần phải thu thuế để hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng, thì Chính phủ có thể xem xét, trình ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào đối tượng chịu thuế mà không cần sửa đổi Luật.

Từ 1/1/2012, người tiêu dùng phải trả tiền thuế môi trường khi sử dụng túi nilon.

Ngoài ra, Luật cũng quy định, hàng hóa thuộc 1 trong 8 nhóm trên, nhưng thuộc diện hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định, hàng tạm nhập tái xuất, hàng do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho kinh doanh để xuất khẩu... không phải chịu thuế bảo vệ môi trường và khi Luật có hiệu lực thi hành thì không thu phí xăng dầu.

Người có công với cách mạng, hộ nghèo được miễn, giảm thuế đất

Trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định đối tượng chịu thuế là đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp, đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, đất khai thác, chế biến khoáng sản, đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm và các loại đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Đối tượng không chịu thuế đất bao gồm đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh như: đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; đất sông, ngòi, kênh rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất có công trình là đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; và đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng quy định các trường hợp được miễn giảm thuế bao gồm đối tượng ưu đãi đầu tư, đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa; đất ở trong hạn mức của người có công với cách mạng, hộ nghèo; đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong năm thực tế có thu hồi đất tại nơi bị thu hồi và đất tại nơi ở mới theo quy hoạch; đất có nhà vườn được xác nhận là di tích lịch sử, văn hóa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2011/11/159972.cand