Giấc mơ ô tô Việt nhìn từ Vinfast: Đường dài đo sức ngựa!

Háo hức và nghi ngờ là hai trạng thái cảm xúc xuất hiện nhiều nhất trên khuôn mặt nhiều người Việt khi đọc tin Vingroup vừa khởi công xây dựng dự án khủng mang tên Vinfast, chuyên sản xuất ô tô trị giá 3,5 tỉ USD. Cảm giác háo hức thì chúng ta hiểu. Nhưng, vì sao lại nghi ngờ? Vì Vingroup không đáng tin hay tại “giấc mơ ô tô made in Vietnam” là bất khả thi?!

Trước khi Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra đời, Việt Nam có 20 năm trong hành trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Theo kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp ô tô, sau 20 năm, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ nội địa trên 60% đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nhưng thực tế, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt dưới 10%. Trong hành trình này, rất nhiều công ty sản xuất ô tô đã ra đời, liên doanh có, nội địa có. Thế nhưng, nhiều giấc mơ của doanh nghiệp ô tô đã tức tưởi phá sản. Chỉ có một số doanh nghiệp liên doanh lắp ráp vẫn còn tồn tại và… sống được!

Nguyên nhân sự thất bại của những giấc mơ ô tô Việt vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu của các hãng nước ngoài đã có thương hiệu, giá thành không thật sự thấp vì không nhận được cơ chế ưu đãi hợp lý. Đặc biệt, vì người tiêu dùng nội địa Việt Nam quá sính đồ ngoại, chưa tin tưởng vào chiếc ô tô được sản xuất trong nước của doanh nghiệp Việt, khiến hàng nội địa làm ra ế chỏng chơ…

Câu chuyện thương hiệu ô tô Vinaxuki chính là một ví dụ điển hình. Bởi sau khi ra đời chưa được bao lâu, thương hiệu ô tô Vinaxuki đã “biến mất”. Bản thân ông chủ doanh nghiệp là doanh nhân Bùi Văn Huyên đã phải bán nhiều tài sản có giá trị để duy trì giấc mơ xây dựng thương hiệu ô tô của người Việt. Vậy nhưng cuối cùng, Vinaxuki vẫn chết yểu, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu này là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên đến nay vẫn ngập trong nợ nần. Nên, với người Việt, ước mơ ô tô Việt giống như một cơn mơ hoang đường”.

Nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup thì không coi ước mơ ôtô thương hiệu Việt là viển vông, không cần thiết”. Ngày 2/9, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi công dự án tổ hợp sản xuất ôtô ở Hải Phòng cùng với tham vọng 2 năm tới có sản phẩm ôtô đầu tiên mang thương hiệu Việt: VinFast. Nhà máy VinFast đầu tiên này được thiết kế với công suất lên đến 500.000 xe/năm vào 2025. Tổng mức đầu tư cho dự án, theo công bố của ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, là 35.000 tỷ đồng.

Theo Vingroup, tập đoàn tài chính Credit Suisse đã đồng ý cho đại gia bất động sản này vay 800 triệu USD để đầu tư sản xuất ôtô và xe máy điện. Vừa gia nhập thị trường ôtô vốn cạnh tranh với sự tham gia của nhiều ông lớn quốc tế, Vingroup đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á. Hãng không giấu diếm tham vọng xuất khẩu sang các nước, bao gồm châu Âu và Mỹ. Khác với những doanh nghiệp ôtô có mặt tại thị trường Việt Nam trước đó, Vingroup cho hay họ có dây chuyền khép kín trong chuỗi, từ việc làm vỏ, động cơ, dập ép đến sơn xe, lắp ráp. Nếu làm được, Vingroup sẽ là đơn vị đầu tiên sản xuất động cơ ôtô tại Việt Nam.

Với việc khởi công nhà máy sản xuất ôtô đầu tiên, Vingroup đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á. (Ảnh: Zing.vn)

Vừa khởi công dự án, VinFast đã được kỳ vọng tạo nên “thương hiệu ôtô quốc gia” cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong môi trường bất trắc, vì thế, việc có thương hiệu quốc gia rất quan trọng. Nhưng, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế, rằng chặng đường để hiện thực hóa ước mơ thương hiệu ôtô Việt sẽ không dễ dàng. Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy, cũng thừa nhận với Bloomberg, đây là dự “dự án rất phức tạp”.

Vinfast với tiềm lực tài chính hùng mạnh từ Vingroup sẽ không khó để cho ra đời những chiếc xe điện, ôtô, huống chi nhìn vào cách họ thuê các studio nổi danh nhất Italia để thiết kế hay mua công nghệ từ Châu Âu và Mỹ… Nhưng để những chiếc ôtô ấy ngang hàng cùng những thương hiệu đã thành phản xạ lựa chọn trong tâm thức người Việt lại hoàn toàn không đơn giản. Vinfast sẽ chỉ chiến thắng chừng nào người tiêu dùng thực sự coi đó là thương hiệu của họ, đủ để “tự hào hàng Việt”. Vì rằng, thương hiệu Việt đã từng có cả một hàng dài những cái tên bị chỉ trích như Mobiistar, Q-Mobile, HKBike,… Rất ít trong số đó có thể đứng dậy, để trở thành những Zalo, Viettel hay FPT sau này. Sau cách hành xử “tàn bạo” của người dùng đối với các doanh nghiệp nội, Q-Mobile đã dừng bước, Mobiistar sống trong sợ hãi.

Thế nhưng, rất may mắn khi có những doanh nghiệp không đầu hàng. VNPT mới đây đã ra tuyên bố về việc sẽ cho ra đời những chiếc điện thoại Vivas Lotus tiếp theo. Nhà sản xuất này còn hướng tới những bước đi xa hơn với việc ký thỏa thuận hợp tác với Qualcomm nhằm được sử dụng những bằng sáng chế và các thiết kế tham chiếu (reference design). Hãng xe đạp điện HKBike, sau những chỉ trích từng nhận được, hãng này đã đổi tên thành Pega. Đồng thời, Pega cũng hướng tới việc mở rộng các dây chuyền sản xuất ở Việt Nam, nhập máy móc cho sản phẩm của họ từ nhà sản xuất Đức (Bosch). Và tới đây họ còn hứa hẹn sẽ trở lại mạnh mẽ hơn với những sản phẩm mới. Và bây giờ có cả sự nỗ lực của Vin Group.

Thái Lan đã có 60 năm phát triển công nghiệp ô tô. Việt Nam thất bại trong 25 năm qua. Nhưng nếu bây giờ, các nhà hoạch định chính sách, quản lý kinh tế và cả chúng ta hành động bằng tinh thần vì một mục tiêu tối thượng là sự phát triển của đất nước, bằng trách nhiệm thì sẽ vẫn còn chỗ cho một ước mơ. Luôn luôn có một con đường, chịu thay đổi và biết bắt đầu chưa bao giờ là muộn.❏

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/duong-dai-do-suc-ngua/181692