Giác quan thứ 6 của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill

Nhân sự kiện cố Thủ tướng Winston Churchill cùng với đại văn hào William Shakespeare (1564-1616) được tôn vinh là "2 nhân vật xuất chúng nhất Vương quốc Anh qua mọi thời đại", giới sử gia đảo quốc sương mù lại lần tìm trong các kho lưu trữ và phát hiện ra nhiều tình tiết mới về "ngài ống tẩu", biệt danh của W. Churchill lúc sinh thời với hình ảnh điếu xì gà thường trực trên môi. Đặc biệt là "giác quan thứ 6" khác người của ông.

Giác quan thứ 6 đã giúp W. Churchill nhiều lần thoát nạn và sống tới ngưỡng "cửu thập".

Sau khi đắc cử vào vị trí người đứng đầu nội các Anh nhiệm kỳ đầu tiên vào đầu tháng 5/1940, hầu như mỗi bài diễn văn mà Thủ tướng Winston Churchill (1874-1965) đọc trước cử tọa đều bao hàm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chứng tỏ sự thông tuệ hiếm có của vị chính khách lão luyện.

Khi mới chào đời, cậu bé Winston không chỉ thừa hưởng dòng dõi quý tộc hào hoa từ người cha là Huân tước Randolph Churchill (1849-1895), mà còn là hậu duệ nhiều đời của một dòng họ pháp sư bên đằng mẹ, những người luôn biết làm chủ các năng lực huyền bí.

Bà Jennie Jerome (1854-1921) mẹ Winston vốn là con ông Leonard Jerome, một chủ đất giàu có ở New York (Mỹ) đã kết hôn với bà Clarissa Hall, cư dân bộ tộc da đỏ Iroquois bản địa, vốn nổi danh với các phép thuật khó tin. Bằng chứng là tròng mắt đen di truyền từ dòng dõi ông cố ngoại sang cho W. Churchill, thứ màu mắt khác biệt với những người da trắng Âu - Mỹ thuần chủng.

Hồ sơ tài liệu thuộc các kho lưu trữ ở Anh còn lưu lại nhiều trường hợp, chứng tỏ W. Churchill có "giác quan thứ 6" thực sự. Như dạo tháng 8/1918 giữa thời điểm Thế chiến thứ I đang hồi gay cấn, W. Churchill được điều sang chiến trường Pháp phục vụ trong Liên quân Anh - Pháp.

Một buổi sáng, Churchill cùng 3 sĩ quan được lệnh đánh xe đến ngôi làng Lamothe gần mặt trận. Xe đang bon bon trên đường bỗng Churchill tự dưng tái mặt, ra hiệu cho xe dừng lại rồi bảo mọi người chạy tới phía cánh rừng đối diện. Khi họ vừa chạy đến chỗ những tán cây đầu tiên thì máy bay Đức xuất hiện, thả bom đúng chỗ chiếc xe đang đậu kèm những tiếng nổ kinh hoàng. Khi máy bay khuất dạng mọi người nhìn lại chẳng thấy xe đâu, thay vào đó là một hố bom khổng lồ khiến ai cũng sửng sốt trước linh tính đặc biệt của W. Churchill.

Hay như vào tháng 6/1922, W. Churchill khi ấy đang là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, trong một lần đi công tác, thay vì lên cỗ xe công vụ ông lại dùng xe riêng lái theo. Trên đường đi, chiếc xe kia phát nổ, khiến tài xế thiệt mạng. Vụ nổ do tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland thực hiện. Trường hợp điển hình nữa về giác quan thứ 6 của Thủ tướng W. Churchill diễn ra vào tháng 3/1941, trong thời gian thủ đô London bị máy bay của phát xít Đức oanh kích.

Bản thân Churchill lâu nay vẫn cương quyết không rời Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing, để chuyển sang tòa nhà Chính phủ có hầm trú ẩn cực kỳ kiên cố. Đột nhiên đến đêm 17/3 ông lại đổi ý, cùng toàn thể nhân viên chuyển đi nơi khác. Rạng sáng 19/3, Dinh Thủ tướng đã bị bom Đức san phẳng thành bình địa.

Trong cuộc đời mình, cố Thủ tướng W. Churchill đã làm một số điều gần như vô thức, nhưng rất chính xác. Tiêu biểu là hình tượng chữ "V" gồm ngón trỏ và ngón giữa giơ cao trên đầu, đồng nghĩa với chữ cái đầu của từ "Victory" (Chiến thắng) theo Anh ngữ. Trong biểu tượng nghi lễ của Ấn Độ giáo và Phật giáo, cử chỉ này có nghĩa là "cuộc sống bất diệt".

Giới sử gia quốc tế đều đồng nhất với nhận định, rằng W. Churchill chính là "cha đẻ" của cử chỉ giơ 2 ngón tay lên cao, đã trở thành một trong những biểu tượng thịnh hành trên toàn cầu. Ngoài ra là những dự báo mà W. Churchill từng bộc bạch, rằng sau khi Thế chiến thứ II chấm dứt, ông không trúng cử chức Thủ tướng nữa, phải đợi đến nhiệm kỳ kế tiếp 5 năm sau. Lịch sử đã ghi nhận sự kiện vừa nêu là cực kỳ chính xác!

Việc sở hữu khả năng khác người khiến W. Churchill có sự đồng điệu với giới ngoại cảm. Tiêu biểu là trường hợp của nhà ngoại cảm người Scotland Helen Duncan (1897-1956), nổi danh qua biệt hiệu "mụ phù thủy cuối cùng của Vương quốc Anh". Lo sợ H. Duncan có thể dự đoán được thời điểm quân Đồng minh đổ bộ lên đất Pháp đánh úp quân Hitler, cơ quan mật vụ Anh đã tống giam H. Duncan về tội "làm phù thủy", thứ tội danh có từ năm 1735 qua một Đạo luật của Nghị viện Anh. Tới thời điểm Thế chiến thứ II kết thúc, Thủ tướng W. Churchill đã bãi bỏ Đạo luật năm 1735 và ra lệnh ân xá cho H. Duncan.

"Nữ phù thủy" nổi tiếng H. Duncan và cỗ tuần dương hạm HMS Barham.

Tương truyền lúc sinh thời W. Churchill thường tham vấn và mạn đàm với nhà ngoại cảm H. Duncan, kể cả về những quyết sách mang tầm cỡ quốc gia khiến các đối thủ chính trị vô cùng tức tối…

Ngay sau khi Thủ tướng W. Churchill mãn nhiệm vào năm 1955, H. Duncan liền bị tống giam do không còn người bảo trợ nữa. Bà âm thầm chết trong tù một năm sau đó

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hautruong/2013/8/81193.cand