Giải bài toán bãi đỗ xe ở Hà Nội - Bài 2: Ngổn ngang quy hoạch

Hà Nội mới đây đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong việc thực hiện quy hoạch bãi đỗ xe, đòi hỏi thời gian tới phải có những giải pháp tối ưu trên cơ sở quy hoạch tầm nhìn xa.

Nhà hàng ngang nhiên mọc lên trên khu đất dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh để giảm áp lực giao thông cho TP Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân dân

Quy hoạch lạc hậu, kết quả hạn chế

Năm 2003, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 165/2003/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Tuy nhiên, quy hoạch này chỉ mang tính định hướng, chưa có quy hoạch chi tiết.

Mặt khác, do yếu tố khách quan thay đổi địa giới hành chính dẫn đến các quy hoạch cũng thay đổi. Cụ thể, giai đoạn của quy hoạch 165 là từ năm 2005 - 2020, nhưng đến năm 2008, Thủ đô Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính.

Sau đó quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt vào năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được duyệt năm 2016. Như vậy quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố từ năm 2003 (quy hoạch 165) đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, Quyết định 165/2003/QĐ-UBND thiếu quy hoạch chi tiết bãi đỗ xe nên khó thực hiện.

Việc phối hợp thực hiện quy hoạch giữa các sở, ngành liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ, đặc biệt giữa sở, ngành với quận, huyện trong việc bàn giao, công bố và tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Từ bất cập của quy hoạch đã gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện dẫn đến hiệu quả đạt thấp.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau 14 năm triển khai quy hoạch 165, mạng lưới hệ thống bến, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố mới có 4 điểm đỗ xe được đầu tư theo quy hoạch; 4 điểm chuyển đổi chức năng có lồng ghép bãi đỗ xe ngầm; 3 điểm chuyển đổi chức năng công cộng (công viên, cây xanh, đường giao thông); còn lại chưa triển khai đầu tư.

Đáng lưu ý, một số diện tích quy hoạch bãi đỗ xe ở phường Cống Vị (quận Ba Đình), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy)... đã bị biến tướng thành nhà hàng, quán bia, gây bức xúc dư luận.

Tại quận Cầu Giấy mới triển khai được 15/28 điểm, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân. Còn quận Ba Đình mới có 2 trong số 7 điểm đỗ xe được đưa vào khai thác, số còn lại đang trong quá trình khảo sát, kêu gọi đầu tư.

Ngổn ngang bất cập

Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới bến, bãi đỗ xe công cộng (quy hoạch 165), Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc phát triển quỹ đất dành cho bãi đỗ xe ở nội thành đạt thấp, công tác đầu tư các bến bãi đỗ xe còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, việc thực hiện quy hoạch còn rất nhiều bất cập.

Ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ, tại phường Yên Hòa, nhiều dự án khu đô thị mới mọc lên, mật độ xây dựng dày đặc, trong khi phường không nắm bắt được hết danh sách các nhà đầu tư dẫn đến khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, quy định các điểm đỗ xe.

Phường đề nghị thành phố thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Đồng thời đề nghị Sở Giao thông Vận tải tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương trước khi cấp phép cho các nhà đầu tư, có hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất trong quản lý.

Phó Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Trần Độ cho rằng, sự phát triển dân số quá cao trên địa bàn quận đã phá vỡ quy hoạch tổng thể. Đến nay, nhiều vấn đề khó, đặc biệt việc thực hiện quy hoạch mạng lưới điểm, bến, bãi đỗ xe vẫn chưa giải quyết được vì không có quỹ đất.
Hiệu quả kinh doanh bãi đỗ xe so với các loại hình kinh doanh khác chưa hấp dẫn lại cần nhiều thời gian nên không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Quận Cầu Giấy đề nghị thành phố đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công dự án bãi đỗ xe và có cơ chế đặc thù cho các nhà đầu theo hình thức xã hội hóa; bổ sung quy hoạch bãi đỗ xe ngầm, thí điểm bãi đỗ xe thông minh để góp phần giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.

Là quận có rất nhiều cơ quan quan trọng đóng trên địa bàn như Nhà Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm hội nghị, các đại sứ quán, bệnh viện, vườn hoa, khu tập thể… nhưng quận Ba Đình thiếu điểm đỗ xe trầm trọng dẫn đến tình trạng phương tiện đỗ tùy tiện trên hè phố, lòng đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm cho biết, từ năm 2003, các quỹ đất công cộng trên địa bàn đã sử dụng gần hết. Những dự án mở đường đến đâu nhà dân mọc lên đến đấy. Những trụ sở cơ quan Trung ương thuộc diện di chuyển cũng chưa chuyển được nhiều, thậm chí nơi chưa kịp di chuyển thì đã có ngay quy hoạch chung cư cao tầng.

Trước những bất cập này, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lập đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án này đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình thành phố.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư bãi đỗ xe, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng đưa ra đề xuất, thành phố cần nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục đầu tư, có cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư như cho phép nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.

Thành phố cho phép chuyển cơ chế thu phí trông giữ phương tiện hiện nay sang giá dịch vụ để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Các bến, bãi đỗ xe nên quy hoạch đa chức năng bao gồm cả diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ để hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thu hồi vốn đầu tư bến xe, bãi đỗ xe.

Bài cuối: Cần tầm nhìn dài hạn

Tuyết Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/giai-bai-toan-bai-do-xe-o-ha-noi-bai-2-ngon-ngang-quy-hoach-20170619171839634.htm