Giải bài toán lương thực giữa đại ngàn Trường Sơn

Đã từ lâu, bài toán an ninh lương thực đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa biên giới là vấn đề mà Đảng, Nhà nước cũng như các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Bởi chính từ sự ổn định nguồn lương thực tại chỗ cho người dân nơi đây sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển con người, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, những năm gần đây, BĐBP Quảng Bình đã đưa ra một ý tưởng nhân văn mang tầm chiến lược, đó là thực hiện thành công các mô hình sản suất lúa nước cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng biên cương.  

BĐBP Quảng Bình giúp đồng bào Mày ở bản Ka Ai gặt lúa.

Từ khúc lặng Ka Ai...

Lặng lẽ giữa núi ngàn biên cương, từ bao đời nay, người Mày luôn khép mình với cuộc sống sinh hoạt của một nhóm người. Bản nhỏ Ka Ai - quê hương của họ, cái tên bắt nguồn từ dòng suối mát lành, quanh năm lượn mình trong khúc nhạc rừng lảnh lót. Thời chiến tranh, bản Ka Ai là địa bàn nằm trên tọa độ lửa của tuyến đường 12A huyết mạch. Dân bản Ka Ai một lòng trung thành với Đảng, nguyện chung sức cùng bộ đội và dân công hỏa tuyến bám trụ bảo vệ từng tấc đất quê hương. Sau chiến tranh, cũng như các tộc người anh em khác, cuộc sống của đồng bào Mày nơi đây phải đối mặt với cái đói, cái nghèo và họ lại quay về với điểm xuất phát ban đầu. Thiếu đói và lạc hậu luôn ám ảnh trong tiềm thức của đồng bào. Bốn mùa mây phủ, họ chỉ biết bám dựa vào rừng để sống theo kiểu chặt, đốt, trỉa và săn bắn, hái lượm.

Câu chuyện về cậu bé Hồ Dưỡng được cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Cha Lo cứu thoát khỏi bàn tay tử thần man rợ do hủ tục lạc hậu "khi sinh, mẹ chết phải chôn con theo" cách đây gần 3 năm, mãi đến hôm nay, người Mày vẫn kể. Ngày bé Dưỡng chào đời, cũng là lúc mẹ em - chị Hồ Thị Lon trút hơi thở cuối cùng do bị băng huyết, cấp cứu không kịp. Cả bản quyết định chôn sống em cùng với mẹ theo hủ tục của người Mày. Sự can thiệp, vận động và thuyết phục kịp thời của những người lính Biên phòng ở đây đã giành lại sự sống cho em. Giờ đây, cũng như bao đứa trẻ trong bản, Dưỡng vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Niềm hạnh phúc khi được "sinh ra lần thứ hai" của em đã minh chứng và tiếp thêm niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc trên biên giới đối với người lính Biên phòng.

BĐBP cùng dân bản Ka Ai tuốt lúa. Ảnh: Minh Lợi

...Đến mùa vàng lịch sử

Thấu hiểu và trăn trở với hoàn cảnh của đồng bào Mày ở bản Ka Ai, một ý tưởng nhân văn mang tính chiến lược của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã được hình thành. Đó là việc xây dựng đề án mang tên Công trình thủy lợi lúa nước Ka Ai - Ka Vàng. Sau quá trình khảo sát thực địa, đề án đã sớm được triển khai thực hiện, đúng vào dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2013). Trong quá trình thi công công trình, cán bộ, công nhân cùng những người lính Biên phòng ngày đêm bám trụ, khắc phục mọi khó khăn gian khổ với ý chí quyết tâm và trách nhiệm cao nhất của mình.

Để đồng bào Mày tự tin bước xuống ruộng nước và đặt những nhát cuốc đầu tiên vào lòng đất, tự tay mình gieo hạt lúa, đến hôm nay được hưởng niềm vui trọn vẹn trong vụ mùa bội thu, người lính quân hàm xanh đã bỏ biết bao công sức và tâm huyết. Từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đến việc xây dựng đời sống văn hóa mới; phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, ngày đêm cầm tay chỉ việc cho từng nhà, từng người sản xuất thành công mô hình ruộng lúa nước thử nghiệm trên chính quê hương bản làng của người Mày...

Nghỉ tay liềm, cầm bông lúa chín nặng hạt giữa cánh đồng vàng óng mượt, chị Hồ Thị Lài không giấu được nỗi niềm của mình: "Ngày đầu, BĐBP đến bản tuyên truyền cho bà con về mô hình lúa nước, đồng bào không ai tin cả. Ai cũng bảo là từ đời cố, đời vương có ai mà trồng loại cây đó ở đây được. Giữa núi rừng như ri, đất thì toàn đá, mần răng mà trồng lúa được. Ngày một, ngày hai, nghe bộ đội vận động mãi, dân cũng xuống làm theo. Khi thấy lúa lên xanh đồng thì dân mới chịu tin. Nhà tui tham gia nhiều công nhất bản đó. Nghe bộ đội nói là ai làm nhiều công thì được lúa nhiều nên ai cũng cố gắng. Chừ thì thấy sướng quá rồi, hạnh phúc quá rồi"...

5ha ruộng trong vụ mùa đầu tiên cho năng suất bình quân 4 tấn/ha. Nếu đặt phép tính thì năng suất này so với ruộng thuần nông ở đồng bằng chênh nhau không đáng kể. Thành quả lao động của họ hôm nay chính là dấu son nối nhịp bờ vui trên hành trình hòa nhập với cộng đồng. Chưa bao giờ được chứng kiến niềm vui như ngày hôm nay, nhìn con cháu của mình và bộ đội chia từng bao lúa căng đầy, vác về từng nhà dân, mẹ Hồ Thị Đà sung sướng: "Đến chừ tóc bạc, răng long rồi, đời mẹ mới thấy cảnh no ấm và vui vẻ như ri. Thiệt đúng là có làm là có gạo, có cơm. Mẹ chừ già rồi, không làm được nữa nên mẹ chỉ biết động viên con cháu nghe theo bộ đội làm lụng để có cái ăn. Từ nay, không phải đi nương, đi rẫy nữa, làm ruộng khỏe hơn nhiều...".

"Điều mà Đảng bộ, chính quyền địa phương chúng tôi đặc biệt lo ngại là thực trạng thiếu đói, đứt bữa của đồng bào ở các bản trên địa bàn. Công trình lúa nước do BĐBP Quảng Bình triển khai làm ngay trên bản Ka Ai thực sự là việc làm mang ý nghĩa lớn và đáng nhân rộng trên các bản làng vùng biên..." - Ông Hồ Chí Đông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dân Hóa phấn khởi nói trước vụ mùa thắng lợi.

Vui cùng niềm vui và hạnh phúc ngập tràn của bà con dân bản, Thiếu tá Ngô Văn Bình, Chính trị viên Đồn BPCK quốc tế Cha Lo chia sẻ: "Dù có vất vả bao nhiêu, khó khăn đến mấy đi chăng nữa, hôm nay có được vụ mùa bội thu, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thật vui và tự tin hơn với những gì mình đã nói, đã làm trước dân, trước bản. Đơn vị chúng tôi lấy mô hình này để làm tiền đề trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...".

Những cánh đồng nối nhịp bờ vui

Vậy là, sau gần 8 năm, kể từ khi bên con suối Cà Roòng hình thành cánh đồng lúa nước đầu tiên của đồng bào Ma Coong ở bản Chăm Pu, xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, đến nay lực lượng BĐBP Quảng Bình đã trực tiếp thực hiện thành công 4 công trình sản xuất lúa nước trên tuyến biên giới Việt - Lào. Rút kinh nghiệm từ mô hình ruộng lúa nước ở bản Chăm Pu, những người lính Biên phòng lại tiếp tục bắt tay vào triển khai thực hiện dự án lúa nước bản Tân Ly, xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Với năng suất 3,5 tấn/ha của vụ đầu và 4,2 tấn/ha của những vụ kế tiếp, cánh đồng này đã thực sự làm thay đổi bộ mặt của một vùng biên cương nơi miền Tây Lệ Thủy.

Niềm vui được mùa ở bản Ka Ai.

Sau 55 năm rời hang đá, đồng bào Rục ở biên giới Thượng Hóa, nay đã thuần thục với phương thức sản xuất lúa nước trên bản làng của họ. Vụ hè - thu năm nay là vụ mùa thứ 6, đồng bào Rục thu hoạch lúa nước. Năng suất bình quân mỗi vụ 4 tấn/ha, đó là con số đánh giá thành quả lao động của người dân miền sơn cước này. Với họ, thành quả ấy như giấc mơ ngàn đời nay đã thành hiện thực. Bưng bát cơm dẻo thơm trên tay, người Ma Coong ở Cà Roòng, người dân Vân Kiều ở Làng Ho, đồng bào Rục ở Thượng Hóa và hôm nay là đồng bào Mày ở bản Ka Ai sẽ mãi không quên những ngày đầu gian khó, khi họ đến với những cánh đồng được bắt đầu từ trái tim và bàn tay của người lính Biên phòng.

Chìa khóa của sự thành công đã mở. Bài toán về nguồn lương thực tại chỗ cho đồng bào nghèo nơi biên giới đã có lời giải, dễ nhớ và dễ hiểu. Rồi nay mai, trên suốt chiều dài biên giới, dọc theo những con suối giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ sẽ có thêm biết bao điều kỳ diệu từ những cánh đồng mang nặng nghĩa tình quân dân.

Tôi còn nhớ mãi câu nói của Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình trong một chuyến công tác lên biên giới gần đây: "Cuộc sống của đồng bào các dân tộc có được no ấm ổn định thì phên giậu lòng dân trên tuyến biên giới càng vững chắc. Sự phát triển về mọi mặt cũng bắt đầu đi lên và được khẳng định từ đó. Trên tất cả những vấn đề này, BĐBP tỉnh quyết tâm cùng chính quyền, nhân dân các địa phương thực hiện thành công những mô hình sản xuất lương thực cho đồng bào các dân tộc".

Minh Lợi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giai-bai-toan-luong-thuc-giua-dai-ngan-truong-son/