Giải cơn khát vốn

Sau khi vượt đáy suy giảm, nền kinh tế nước ta đã đi được một phần tư chặng đường của năm 2010 với tăng trưởng GDP 5,8%

Ba phần tư chặng đường còn lại phải gánh vác nhiệm vụ khá nặng nề với mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát vừa phải bảo đảm tăng trưởng GDP trên 7% để đạt chỉ tiêu tăng 6,5% trong năm 2010. Trong lúc những tác động bất lợi vẫn còn, trong một thời gian dài vừa qua chúng ta đã vận hành nền kinh tế bằng nguồn vốn với lãi suất quá đắt (14%-18%/năm và cao hơn). Trong khi đó, lãi suất cho vay ở nhiều nước trên thế giới hiện phổ biến chỉ ở mức từ 0% - 0,25%/năm. Với lãi suất cao nhất thế giới nói trên, làm sao DN của chúng ta có thể cạnh tranh nổi với đối thủ từ bên ngoài! Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, trước tiên phải giải cơn khát vốn cho DN và cả nền kinh tế bằng nguồn vốn rẻ. Sau khi bỏ quy định về lãi suất trần, đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại cho vay bằng lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước vừa qua tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với vốn vay lưu động nhằm trả lãi suất về đúng với thực tế thị trường. Nếu toa thuốc này phát huy tác dụng sớm, dòng vốn huy động sẽ được khơi thông, bơm một lượng máu lớn cho cơ thể kinh tế. Để tiếp tục khai thông dòng vốn và lãi suất hiện nay, một số ngân hàng quốc doanh vừa được bơm lượng lớn vốn với lãi suất 7,5%/năm. Đây là đề xuất hợp lý nhưng không nên bó hẹp ở số ít ngân hàng quốc doanh vì dễ nảy sinh tiêu cực. Thay vào đó, hãy bơm vốn rẻ cho cả hệ thống ngân hàng thương mại một cách minh bạch, công bằng. Từ đó, thủ tục tín dụng sẽ nhanh và thuận lợi hơn, kịp thời đáp ứng yêu cầu tiếp vốn cho nền kinh tế, cho tăng trưởng và phát triển.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2010041711321682p0c1014/giai-con-khat-von.htm