'Giải cứu' thủ phủ hồ tiêu

Hai huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai. Thời vàng son được giá, hồ tiêu biến mảnh đất khô cằn mọc lên san sát những căn biệt thự, nhiều người thành “đại gia”. Bất ngờ, gần đây diện tích hồ tiêu chết đột ngột trên diện rộng làm người trồng lâm cảnh nợ nần, có người phải bỏ xứ ra đi.

Vườn tiêu của nông dân Láng (huyện Chư Pứh, Gia Lai) chết sạch, phải bỏ hoang. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Tiêu điều vì... tiêu

Thôn Phú Bình, xã Ia Le (huyện Chư Pứh), hai bên đường là vườn tiêu xác xơ, những dây tiêu cháy đen dính chặt vào thân trụ. Con đường đất đỏ gập ghềnh như dự báo sự gian truân của người nông dân với cây hồ tiêu. Trồng hồ tiêu từ năm 1997, anh Trần Bá Chiến (trú xã Ia Le) chưa bao giờ gặp “đại nạn” như thế. Chỉ mới năm ngoái thôi - năm 2016 - ai ghé trang trại của anh đều trầm trồ trước vườn tiêu xanh mướt, phủ trụ rất đẹp. Ấy thế mà bước sang năm 2017, đùng một cái, vườn tiêu của anh chết trắng hơn 400 trụ. “Cứu cách này, cứu cách kia như xử lý bồn, đất, rải vôi, sục rễ nhưng không cứu nổi”, anh Chiến thắt lòng nói.

Chỉ trong vòng 20 ngày năm 2013, 1.300 trụ tiêu sắp đến kỳ thu hoạch của ông Lê Văn Láng chết trụi, khiến ông chẳng kịp trở tay. Đó là năm khiến ông bạc tóc chỉ sau 1 đêm. Năm 2015, ông gồng gánh vay mượn đầu tư trồng lại hơn 800 trụ tiêu. Đau hơn, nạn tiêu chết vẫn không chịu buông tha, khi vườn tiêu có hiện tượng tiêu “điên”. Kiến thức về nông nghiệp của người từng làm cán bộ khuyến nông cũng chẳng giúp ông giải cứu được vườn tiêu của chính mình. Anh Lê Thanh Hưng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) mắt đỏ hoe khi nhìn vườn tiêu hơn 1.300 trụ chết không rõ nguyên nhân. Ban đầu chết rải rác, rồi chết cả vườn, vô phương cứu chữa.

Về huyện Chư Pứh mùa này, ánh mắt khắc khổ như ghim chặt vào người nông dân. Ông Tống Văn Tuấn bất lực nhìn hơn 1.000 trụ tiêu đang chết. Có hộ không cam lòng như ông Lê Ngọc Dũng đang mướn người đào lại hố để “gầy” 500 trụ tiêu đã chết trước đó. Cứ 1 ha tiêu phải mất hơn nửa tỉ đồng đầu tư nào là giống, nào trụ, nào phân bón... Được giá, được mùa thì thành tỉ phú, mà tiêu chết thì phá sản.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ Lê Quang Vang lắc đầu: “Tiêu chết làm náo loạn đời sống bà con. Nhiều hộ vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng. Không có tiền trả nợ nóng thì lãi mẹ đẻ lãi con, phải bỏ trốn để tránh sự truy tìm của chủ nợ”. Cá biệt, như gia đình ông Nguyễn Văn Q (huyện Chư Pứh) bị phong tỏa tài sản chờ bán đấu giá căn nhà để trả khoản nợ ngân hàng hơn 700 triệu đồng. Tỉ phú hoặc phá sản nhanh như lật bàn tay.

Đi tìm nguyên nhân

Hai huyện Chư Pứh và Chư Sê có nhiều thôn, xã đến 90% hộ là trồng tiêu. Hộ nào cũng bị ảnh hưởng, chết ít hoặc chết nhiều, thậm chí là chết hoàn toàn. Hoang mang, hụt hẫng đang hiện rõ trên khuôn mặt của hàng trăm hộ nông dân khi chưa tìm ra đáp án vì sao tiêu chết (?).

Lí giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (TTNCPT cây hồ tiêu) - Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc phân tích: “Chính người nông dân mua giống không chọn lựa, cứ điện thoại đặt hàng, sau đó đầu nậu gom giống chở tới bán. Nhiều đại lí chỉ vì lợi nhuận, họ mua giống giá giá rẻ rồi “nuôi” bằng thuốc, phân bón. Người dân thấy cây xanh tốt mua về trồng 4-5 tháng thì chết”. Còn Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai - Trương Phước Anh cho rằng: Giá hồ tiêu cao trong nhiều năm, dẫn đến người dân thâm canh quá mức cũng là một nguyên nhân. “Bón phân quá liều lượng, không cân đối chất kích thích, làm cho cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên từ đó dễ bị nấm bệnh gây hại”, ông Anh nhìn nhận.

Theo TTNCPT cây hồ tiêu, về bệnh trên cây hồ tiêu, nghiêm trọng nhất là cây nhiễm virus. Bệnh lây lan theo kiểu từ mẹ sang con, nếu lấy giống từ vườn bị nhiễm virus, mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi. Việc cắt cành làm giống càng dễ làm cho việc lây lan từ vườn này sang vườn khác. Hay quá trình canh tác, chỉ 1 đến 2 trụ bị nhiễm mà người dân lúc làm cỏ, cắt cành vô tình không vệ sinh dụng cụ cũng dễ lây bệnh từ cây sang cây. Điều khiến Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc lo lắng đó là, người nông dân chưa trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về đầu tư, sản xuất cây hồ tiêu. Chưa phân biệt được thuốc sâu với thuốc bệnh, khi cây bệnh thì phun thuốc sâu, bị sâu thì phun thuốc chống bệnh. “Bón phân lại bón quá liều lượng, nhu cầu thực tế chỉ cần 1,5 đến 2 gam/ gốc nhưng lại bón 5-7 gam/ gốc. Phun thuốc 2 lần/ tuần, phun được 3 ngày thấy không ổn, họ lại chạy mua thuốc khác về phun tiếp thì không cây nào chịu nổi, chưa kể là mua phân và thuốc không đảm bảo chất lượng” Thạc sĩ Ngọc nói.

Trung tuần tháng 3.2017, khảo sát diện tích trồng tiêu tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh thẳng thắn mà rằng: “Tiêu chết vẫn là do chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật. Việc sử dụng phân vô cơ quá nhiều làm hồ tiêu không thể chống chịu và phát triển lâu dài được”.

Giải cứu khẩn cấp

Trước thực trạng tràn lan nguồn giống gốc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, Gia Lai đã chỉ thị Sở NNPTNT siết chặt quản lí về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp. Trước ngày 30.3, phải thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất, mua bán giống cây trồng, làm rõ trách nhiệm quản đối với từng cơ sở sản xuất, mua bán. Nêu rõ cơ sở nào đã được cấp phép, chưa cấp phép; số lượng cơ sở vi phạm để xử lí.

Trên mặt trận chống tiêu chết, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên ta thán: “Nhiều tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật vẫn tiến hành sản xuất kinh doanh giống cây trồng, từ đó đưa ra thị trường các giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gây đã thiệt hại cho người dân”. Ông Thuyên nói thêm: Công tác quản lí, kiểm tra xử lí vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của ngành nông nghiệp còn thả lỏng, mức xử phạt chưa cao. Nói đi đôi với làm, vị Phó Chủ tịch tỉnh từng là Giám đốc sở NNPTNT - kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp - đề nghị kiểm chặt quản lí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Tuyệt đối không để giống hồ tiêu kém chất lượng, nhiễm bệnh gây hại cho nông dân”, ông Kpă Thuyên nhấn mạnh khi làm việc với lãnh đạo hai huyện Chư Sê và Chư Pứh. Giúp người dân nâng cao nhận thức về kỹ thuật gây trồng, chăm sóc, ông yêu cầu sở NNPTNT cử cán bộ nông nghiệp xuống cơ sở hướng dẫn người dân thu gom, vệ sinh vườn, tiêu hủy toàn bộ cây tiêu bị chết, tiến hành cày, xử lý đất để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh. Đồng thời, chỉ đạo nhân giống hồ tiêu sạch bệnh để cung ứng cho người dân.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT) Trần Tuấn Khải - cho biết: Sở NNPTNT Gia Lai đang đề nghị Bộ NN PTNT hỗ trợ kinh phí để Gia Lai hoàn thiện dự án “Điều tra khảo sát, bình tuyển giống tiêu - xây dựng vườn tiêu đầu dòng và sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh virus, các mô hình sản xuất tiêu bền vững” ở các vùng tiêu trọng điểm như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đắc Đoa… để người dân tiếp cận được cây giống tốt, nhân rộng mô hình, sản xuất đại trà. Ông nói trước đó, đơn vị đã tham mưu cho sở thành lập Hội đồng bình tuyển, xét chọn 48 cây hồ tiêu của 4 huyện trên, bởi đây là những giống cây có năng suất ổn định trong nhiều năm, nhằm cung ứng cho nông dân trồng, hạn chế thấp nhất “đại dịch” nạn tiêu chết ở Gia Lai.

Tại Gia Lai, quy hoạch đến năm 2020 diện tích hồ tiêu tăng từ 18.000 - 20.000 ha, sản lượng ước đạt 70.000 - 72.000 tấn. Hồ tiêu được mệnh danh là “vàng đen”, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy thế lâu nay, người dân đang đánh cược khi họ phải tự bơi trước vô vàn hiểm họa: Nguồn gốc, giống cây trôi nổi, mang nhiều mầm bệnh; phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, trồng chăm sóc theo kiểu tự phát… Hiện tại, hàng trăm ha tiêu của người dân bị chết, tiếp tục tăng, chưa có con số thống kê cụ thể.

ĐÌNH VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su-dieu-tra/giai-cuu-thu-phu-ho-tieu-652480.bld