Giải khó cho ngành chế biến gỗ

(HQ Online)- Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư trồng rừng dài hạn; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm; tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao… là hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ (CBG).

Nhà máy chế biến gỗ XK Nghi Sơn. Ảnh: ST

Sau 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ phát triển hàng năm luôn đạt mức cao, XK đồ gỗ từ 1,933 tỷ USD năm 2006 lên 4,666 tỷ USD năm 2012. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007-2012 đạt 16,5%. Việt Nam trở thành nước XK đồ gỗ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), ngành công nghiệp chế biến gỗ (CBG) có sự phát triển nhanh, mạnh trong thời kỳ từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, hiệu quả không cao do thiếu quy hoạch, còn phụ thuộc nhiều vào gỗ nguyên liệu và phụ liệu NK. Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ với công nghệ hạn chế, thiếu hình thức tổ chức sản xuất, liên doanh, liên kết thích hợp gắn kết nhà máy chế biến với sản xuất và cung ứng nguyên liệu. Bên cạnh đó, các DN CBG chưa coi trọng khai thác thị trường đồ gỗ nội địa, bỏ ngỏ thị trường đồ gỗ nội thất cho các cơ sở chế biến nhỏ, làng nghề gỗ và đồ gỗ NK…

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Một trong những khúc mắc khá lớn của ngành CBG hiện nay chính là nguồn nguyên liệu. Với việc phát triển công nghiệp CBG, nhu cầu gỗ nguyên liệu không ngừng tăng trong những năm gần đây. Do nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đáp ứng về số lượng, chất lượng, chủng loại cho công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ đồ mộc XK, nên các DN CBG đã phải NK gỗ xẻ, gỗ tròn, các loại ván nhân tạo không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2007-2012, với tốc độ tăng bình quân 12,1%/năm. Năm 2012, NK gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2011.

Ông Ngãi lý giải, không chỉ trong giai đoạn vừa qua, mà tương lai, nguyên liệu gỗ vẫn là bài toán khá nan giải đối với ngành công nghệ CBG Việt Nam. Với sản lượng trung bình 70m3 /ha cho chu kỳ 7 năm, sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt 6,3 triệu m3 , trong đó có 1,2 triệu m3 gỗ lớn (20%) và 6 triệu m3 gỗ nhỏ (80%), chưa đáp ứng được nhu cầu gỗ lớn của Việt Nam đến năm 2020. Vì vậy, nếu bắt đầu trồng gỗ lớn từ năm 2013 thì ít nhất đến năm 2025 mới có thể khai thác được. Thêm vào đó, hiện nay ngành Lâm nghiệp chưa xây dựng được quy trình trồng rừng gỗ lớn cũng như chưa tuyển chọn giống phù hợp cho trồng rừng gỗ lớn phù hợp cho các vùng miền nên rất khó có thể tiến hành trồng rừng gỗ lớn đại trà trong giai đoạn 2012-2020. Vì vậy, khai thác gỗ nhỏ với một tỷ lệ nhỏ gỗ lớn vẫn là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong giai đoạn tới và nếu ngành không có giải pháp kịp thời thì NK gỗ lớn vẫn là giải pháp chủ yếu cho đến những năm 2025-2030.

Đề cập tới khó khăn của ngành CBG, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Bên cạnh vấn đề nguyên liệu, ngành CBG của Việt Nam chủ yếu hướng tới XK trong khi phải đáp ứng với yêu cầu mới của các thị trường NK như Luật Lacey của Mỹ, FLEGT của Cộng đồng châu Âu về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ hợp pháp. Đây cũng là những thách thức rất lớn đối với quản lý rừng sản xuất bền vững của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao trình độ quản lý rừng, quản lý sản xuất lâm nghiệp để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest): Thời gian qua, các DN CBG trong nước chỉ chú tâm tới việc khai thác và sản xuất thành phẩm XK mà chưa chú trọng tới nguồn cung. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN ngành gỗ cần phải tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu. Đó là yếu tố quyết định giúp sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đầu tư lâu dài cho vùng nguyên liệu, trước mắt DN cũng cần tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ mít, xoài, điều… Cùng với đó, cần đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm, đầu tư đẩy mạnh XK sản phẩm “tinh”, chứ không chỉ XK hàng “thô” như bao lâu nay vẫn làm.

Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho ngành CBG, ông Nguyễn Bá Ngãi khẳng định, theo Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, định hướng thời gian tới của ngành là sẽ tập trung xây dựng các vùng cung cấp nguyên liệu tập trung gắn với các trung tâm CBG và đồ gỗ; quản lý bền vững và có hiệu quả tổng diện tích rừng sản xuất được quy hoạch là 8,4 triệu ha; thực hiện các biện pháp trồng rừng và khai thác hiệu quả để hình thành rừng gỗ lớn thay thế NK.

Ngoài ra, ông Ngãi cho biết, sẽ phát triển hình thức tổ chức sản xuất liên kết, tập trung hóa, tổng hợp hóa trong công nghiệp CBG. Cụ thể, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các DN quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế; lấy các DN mạnh/đầu tàu hiện có làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm XK. Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng sẽ kiến nghị xem xét, sửa đổi bổ sung các chính sách thu hút vốn FDI theo hướng khuyến khích các DN FDI liên kết sản xuất với các DN Việt Nam, để tránh tình trạng khép kín khong có tác dụng lan tảo đến DN Việt Nam trong vùng.

Theo ông Ngãi, để tự “cứu” mình, các DN CBG cũng cần tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre, quế, hồi… Đồng thời, đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm gỗ XK; triển khai xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Việt Nam đã được coi là công xưởng gỗ của thế giới. Chúng ta cần công nghệ chế biến để đem lại giá trị cao hơn. Nhưng trước hết ta phải xác định được trồng những cây gì là đặc biệt của Việt Nam. Muốn làm được điều đó, mỗi địa phương phải tìm ra thế mạnh của mình và tập trung vào cây trồng thế mạnh.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giai-kho-cho-nganh-che-bien-go.aspx