Giải mã loại hoa tuyệt đối cấm đặt lên bàn thờ ngày Tết

Hoa cúng hoặc hoa cắm vào lọ đặt lên bàn thờ là những vật không thể thiếu trong ngày Tết nhưng những loại hoa dưới đây tuyệt đối nên tránh.

Đối với người Hà Nội, theo sách "Thú ăn chơi của người Hà Nội", hoa cúng thường có nhiều loại hoa, có thể là bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất.

Đối với người Hà Nội, theo sách "Thú ăn chơi của người Hà Nội", hoa cúng thường có nhiều loại hoa, có thể là bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất.

Cũng có khi có nhánh hoa sói, một bông cúc bán khai, một đóa hoa thược dược, một nhánh cúc bách nhật khô cứng, đôi khi vào mùa ít hoa, còn thấy có cả một bông hoa mào gà nữa... Tuy nhiên cũng có những loại hoa tuyệt đối không nên dùng để cúng hay cắm trên bàn thờ.

Hoa ly khá rực rỡ, thơm ngát không nên dâng lễ Phật, bàn thờ gia tiên nhưng có thể dâng được ở nơi thờ thánh (nhất là nơi thờ thánh Mẫu). Người ta kiêng dùng hoa ly ở bàn thờ gia tiên vì sợ sự ly tán, chia ly).

Hoa dâm bụt là một loại hoa có bông khá đẹp và có màu đỏ rực rỡ nhưng không dùng thờ cúng được vì có chữ “dâm” đằng trước. Dân gian có giai thoại cho rằng, hoa dâm bụt thường dùng để nói về những người con gái có lối sống không đàng hoàng, lẳng lơ không chung tình, chung thủy, hoa mọc bên hàng rào, ai đi qua cũng dễ ngắt dễ hái. Mặt khác hoa đẹp nhưng không bền.

Hoa phù dung có tên đẹp nhưng lại mau tàn. Mặt khác theo truyền thuyết dân gian, hoa này có sự tích nói về chuyện chàng Đồng Tâm phụ bạc tiên nữ Phù Dung cho nên cũng không được dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và đặt lên ban thờ.

Cúc vạn thọ. Loại hoa này có tên rất hay, màu vàng tươi tắn nên tưởng chừng rất phù hợp với việc thờ tự. Tuy vậy dân gian có quan niệm loại hoa này mang ý nghĩa của sự đau buồn, nỗi thất vọng, lòng ghen ghét. Mặt khác hoa cúc vạn thọ có mùi rất hôi nên không được nhiều gia đình sử dụng để thờ cúng tổ tiên.

Hoa cúc áo (hoa cứt lợn) tuy bông hoa xinh xắn, màu đẹp, chữa bệnh rất tốt, nhưng chỉ cắm chơi được chứ không thể đặt lên bàn thờ nơi có thần linh và gia tiên bởi cái tên của nó không đẹp.

Hoa nhài là biểu tượng trong sạch, nó cũng dùng để ướp trà rất tuyệt nhưng quan niệm dân gian lại cho đây là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh. Đặc biệt người ta lại ghán ghép nó vào một câu thành ngữ không lấy gì làm đẹp đẽ là “bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Bởi vậy cũng không nên đặt loại hoa này lên bàn thờ dù là làm hoa cúng hay hoa cắm lọ.

Hoa đại là hoa thơm, màu đẹp tuy nhiên theo quan niệm của người xưa thì đây cũng là loài hoa không nên để trên ban thờ vì hình dáng hoa giống với bộ phận nhạy cảm ở nữ giới.

Hoa phong lan là loài hoa đẹp, bền, được nhiều người mua cắm bàn thờ dịp Tết, nhưng nếu trong nhà có bàn thờ Phật thì không nên dùng phong lan, vì có hoa có nhiều màu rực rỡ. Mặt khác, chữ “phong” gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng nên cũng không có nhiều người dùng để cắm lên bàn thờ.

Hoa lan móng rồng (phía Nam gọi là lan cua) tuy thơm nhưng không dùng để thờ cúng bởi cánh hoa giống móng rồng mà trong ngày Tết người ta kiêng kị mọi thứ có thể gây ra xích mích đổ vỡ nên không dùng loại hoa có hình móng vuốt đặt lên bàn thờ.

Nam Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-loai-hoa-tuyet-doi-cam-dat-len-ban-tho-ngay-tet-629329.html