Giải mã những bộ ngực đàn bà trên cầu thang của người Ê đê

Đứng trước ngôi nhà sàn truyền thống của người Ê đê, nhiều vị khách không khỏi ngỡ ngàng trước hình dáng kỳ lạ của chiếc cầu thang đặt ngay ở hiên trước. Hai bầu ngực được khắc họa sống động khiến không ít người tò mò? Quả thực, phía sau đôi bầu sữa đó là câu chuyện mang đầy tính nhân văn..

Chế độ “nữ nhi thượng quyền”

Mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ hiện còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa, đặc biệt là người Ê đê. Trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến kiến trúc ngôi nhà sàn dài - không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng của buôn làng.

Có thể thấy, nhiều dân tộc cũng chọn nhà sàn làm nhà truyền thống như Tày, M’Nông.... song nhà sàn người của đồng bào Ê đê vẫn có nét riêng mà không ở nơi nào có được, đặc biệt là những chi tiết trên chiếc cầu thang. Nhiều người không hiểu tại sao lại có hình cặp nhũ hoa của người phụ nữ được khắc họa một cách trang trọng trên đó.

Chủ sở hữu ngôi nhà dài truyền thống hiếm hoi ở tỉnh Đắk Lắk là chị H’len Niê (SN 1971, ngụ buôn Ako Dhong, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: Người Ê đê chúng tôi từ xa xưa theo chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình.

Chiếc cầu thang cái trước ngôi nhà của chị H’len.

Biểu trưng nữ quyền được thể hiện rất rõ nét, thậm chí ngay cả ở cách bài trí đồ đạc trong nhà. Trong đó, chiếc cầu thang có khắc họa đôi bầu vú để ngay trước nhà đã thể hiện rõ nét nhất.

“Cầu thang có ý nghĩa rất quan trọng và linh thiêng đối với người đồng bào Ê đê chúng tôi. Bởi đó là nơi đầu tiên mà người khách muốn vào trong nhà phải bước qua. Hình đôi bầu vú trên chiếc cầu thang đã khẳng định chế độ “nữ nhi thượng quyền” trong gia đình. Đồng thời cũng muốn nhắc nhở mọi người phải nhớ đến công lao của những người phụ nữ đã đang và sẽ là trụ cột trong nhà”, chị Niê tiếp lời.

Trong buôn làng người Ê đê không phải nhà nào cũng có chiếc cầu thang khắc họa hình đôi bầu vú đặc biệt này. Hầu như, chỉ những nhà có điều kiện khá giả mới có thể làm được. Ngoài ra, họ thường chỉ dùng khúc gỗ vạc sơ qua để tạo nên bậc thang làm chỗ đi lên đi xuống. Bởi vì, để làm được hoàn chỉnh một chiếc cầu thang phải mất rất nhiều công sức, người nghệ nhân ngoài tài hoa phải thật tỉ mỉ mới có thể làm được.

Bà Linh Nga Niê KDăm bên ngôi nhà sàn của gia đình

Làm cầu thang phải cúng xin Giàng

Qua quan sát có thể thấy nhà sàn truyền thống của người đồng bào Ê đê luôn có khoảng 4 chiếc cầu thang để đi lại. Trong đó, phía trước có hai cầu thang là cầu thang đực và cầu thang cái. Cầu thang cái có khắc họa hình đôi bầu vú, phía trên là hình mặt trăng, cầu thang đực có khắc hình con rùa và ngôi sao 6 cánh. Hai chiếc cầu thang phụ còn lại được đặt ở phía sau nhà.

Theo quan niệm của người Ê Đê, mọi thứ đều có linh hồn và được Giàng che chở. Trước khi làm việc gì cũng đều phải cúng xin phép các đấng bề trên, và việc làm cầu thang cũng không ngoại lệ. Gỗ làm cầu thang được chọn từ những cây gỗ lâu năm trên rừng.

Trước khi đi lấy gỗ, chủ nhà phải làm lễ cúng ở nhà và sau đó là lễ cúng trước cây gỗ lớn đã chọn để xin phép được mang cây gỗ đó về nhà. Lễ vật trong lễ cúng thường là một con gà và một ché rượu.

Sau lễ cúng, gia chủ được phép bắt tay vào làm cầu thang. Để làm cầu thang cái, những nhà có điều kiện thường chọn các nghệ nhân khéo léo, bởi chỉ có họ mới có thể làm được cầu thang đẹp, với các bậc thang đều, thẳng, có độ cao vừa phải với ngôi nhà. Đặc biệt, hình đôi bầu vú phải tròn trĩnh, cân xứng với nhau.

Chiếc cầu thang của người Ê đê thường có 5 hoặc 7 bậc. Đây cũng là một điều đặc biệt bởi theo quan niệm của người Ê đê, số 5 và số 7 là những con số may mắn. Làm cầu thang với con số may mắn hy vọng sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc và sự sung túc.

Để làm hoàn chỉnh chiếc cầu thang phải mất từ 3 đến 10 ngày, tùy theo từng nghệ nhân và sự cầu kỳ trong khắc họa chi tiết. Khi cầu thang đã hoàn chỉnh, người Ê đê một lần nữa làm lễ cúng Giàng, báo cáo việc chiếc cầu thang đã hoàn tất và xin phép được gác lên sàn nhà để đưa vào sử dụng.

Chiếc cầu thang cái có ý nghĩa rất quan trọng. Trong những ngày đặc biệt như lễ tết hay gia đình có việc lớn thì chỉ những người đàn ông, những vị khách quan trọng mới được mời đi lên bằng cầu thang đó.

Dù là quy định bất thành văn nhưng trong tiềm thức của người Ê đê luôn tự thầm hiểu với nhau rằng con cháu trong nhà chỉ được đi lên bằng hai cầu thang phụ ở phía sau nhà. Những vị khách đến nhà chơi khi chủ nhà không mời lên bằng cầu thang cái thì họ luôn tự đi lên nhà bằng chiếc cầu thang đực ở kế bên trái của chiếc cầu thang cái.

Chị H’len Niê tiết lộ: “Ngày thường thì ai muốn đi cầu thang nào cũng được. Chỉ những ngày đặc biệt thì mới có kiêng kỵ. Tuy nhiên, từ khi còn nhỏ, tôi có đôi lần nghe mẹ nhắc nhở các con không được chạy nhảy lung tung, không được đi lại trên chiếc cầu thang cái bởi sẽ dễ bị trúng bùa ngải, bị Ma lai ám…Tôi không biết chuyện ma mị có thật hay không nhưng người Ê Đê từ nhỏ đến lớn ai cũng thực hiện như vậy. Bản thân tôi và những đứa trẻ khác hồi đó cũng tự hình thành cho mình một thói quen cho đến giờ”.

Không còn gỗ nên cầu thang cái được thay thế bằng bê tông

Đừng để truyền thống bị mai một

Trao đổi với phóng viên, bà Linh Nga Niê KDăm, Nguyên Phó Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, chia sẻ: “Ngày xưa người Ê đê sống theo vùng, không có sự giao lưu và qua lại nhiều như hiện nay nên những trường hợp khách vô tình hay cố ý đi qua chiếc cầu thang cái mà không được sự đồng ý của chủ nhà rất hiếm.

Nếu có thì tùy trường hợp thường thì bỏ qua, hoặc cùng lắm chỉ bị nhắc nhở chứ không có chuyện phạt hay cúng xin chuộc tội. Bởi vì người Ê đê rất thân thiện, khách đến nhà luôn được chủ nhà trân trọng dành những thứ tốt nhất để đón tiếp như chuẩn bị chén, đũa mới, giường, chiếu mới… nên không có chuyện phạt chỉ vì đi qua cầu thang cái.

UNESCO đã công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Nói về điều này, nhiều người tưởng chỉ có tiếng chiêng ngân là được tôn vinh nhưng thực sự không phải vậy. Trong đó là cả một không gian sinh hoạt của người Ê Đê như: Bến nước, nhà mồ và đặc biệt không gian ở đó là ngôi nhà sàn.

Hiện nay, trên thực tế, những nét văn hóa đặc trưng đó đang ngày càng bị mai một dần đi. Thật đáng tiếc! Một khi đã mất đi nhà sàn đồng nghĩa chiếc cầu thang có ý nghĩa linh thiêng đó cũng không còn nữa. Đặc biệt, chỉ có người Ê Đê mới có cầu thang được trang trí hình đôi bầu vú. Nên một khi đã mất đi cũng đồng nghĩa với việc mất đi cái đặc sắc, riêng biệt trong không gian ở của người Ê Đê.

Được biết, các sở ban ngành luôn kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên một thực tế đáng buồn là nhiều người muốn sửa lại ngôi nhà sàn dài truyền thống cũng không có gỗ mà làm nữa. Cũng vì điều đó, nên chiếc cầu thang bên ngôi nhà sàn của gia đình bà Linh Nga cũng chỉ còn như một niềm an ủi chứ không trọn vẹn bản sắc.

Mặt khác, hiện nay, nhiều nhà còn lưu giữ được ngôi nhà sàn dài, nhưng chiếc cầu thang cái bằng gỗ có hình đôi bầu vú đã được thay thế bằng các bậc thềm bê tông hoặc nhôm, sắt.

>>> Đọc thêm: Người duy nhất giữ tục ăn đất ở Vĩnh Phúc

Video: Những tuyệt kỹ đến kinh ngạc do dân tộc Miêu biểu diễn

Nguồn: Tố Uyên – Tự Lập (PLO)

Thích và chia sẻ bài viết này trên:

Nguồn VTC: http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/giai-ma-nhung-bo-nguc-dan-ba-tren-cau-thang-cua-nguoi-e-de-d311164.html