Giải mật trận thua đau của Hải quân TNK trước Nga ở Chesma

Mặc dù binh lực chỉ bằng một nửa, nhưng quân Nga vẫn đại thắng trước Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ trong trận hải chiến Chesma 1770.

Mùa hè năm 1770, Địa Trung Hải dậy sóng vì một trận hải chiến khốc liệt. Ngày 5/7/1770, hạm đội Nga giao chiến với Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tại đảo Chios. Các thế hệ sau nhớ đến trận đánh này với tên gọi: trận Hải chiến Chesma. Sau ba ngày chiến đấu, hải quân Nga đã giành được thắng lợi rất xứng đáng.

Khúc dạo đầu trận Chesma 1770

Trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 6, cận thần của Nữ hoàng Nga Ekaterina II, bá tước Alexey Orlov đã đưa ra ý tưởng đưa hạm đội Baltic Nga vượt biển đến Địa Trung Hải để đánh tan Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Bá tước Alexey Orlov.

Alexey và người anh trai của mình là Gregory đã có một kế hoạch, mà theo đó sẽ tấn công và triệt hạ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến thắng của họ sẽ gây bất ngờ cho quân Thổ Nhĩ Kỳ, và đồng thời cũng sẽ khêu ngòi cho một cuộc nổi dậy chống lại Sultan Thổ Nhĩ Kỳ trên các vùng đất Thiên chúa giáo.

Bá tước Alexey quả quyết rằng nếu hạm đội Nga tiến vào Địa Trung Hải, nó có thể tấn công quân Thổ Nhĩ Kỳ từ phía sau lưng và đánh tan chúng. Do đó, các tàu Nga đầu tiên đã tiến vào Địa Trung Hải trong cái lạnh tháng 2/1770. Mặc dù đây là vùng biển lạ, ngay cả với Đô đốc dạn dày kinh nghiệm như Spiridov, nhưng người Nga cũng vẫn rất mong chờ một chiến thắng.

Trong mùa hè năm 1770, trên vùng biển gần Hy Lạp đã có hai hải đoàn Nga hiện diện. Một số trận đánh dữ dội đã diễn ra, nhưng không phân thắng bại. Dù vậy, quân Nga vẫn không nản chí. Cuối cùng, lực lượng hải quân chính của Nga trên Địa Trung Hải đã đụng độ hạm đội Thổ Nhĩ Kỹ ở vùng biển Aegean, gần đảo Chios của Hy Lạp. Ở phía bên kia của hòn đảo này là cảng Chesma của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một vấn đề mà quân Nga vấp phải, đó là đối thủ của họ đông hơn đáng kể. Đô đốc hải quân Ottoman Hüsameddin Pasha có trong tay binh lực mạnh hơn nhiều so với Đô đốc Spiridov. Tổng cộng Thổ Nhĩ Kỳ đã có 16 chiến liệt hạm, sáu tàu hộ tống, sáu tàu xebec ba cột buồm, 13 thuyền galley chèo tay, 32 xuồng vũ trang với tổng cộng 1.300 pháo. Trong khi đó, quân Nga chỉ có 9 chiến liệt hạm, 3 tàu hộ tống, 1 tàu hai cột buồm mang súng cối (chiếc Grom), 4 hỏa thuyền và 4 tàu hậu cần. Đa số các chiến liệt hạm Nga mang khoảng 66 pháo, trừ chiếc Rostislav và Sv.Evstafii mang 68 pháo, và chiếc Svyatoslav có đến 84 pháo.

Hạm đội bị áp đảo về số lượng của quân Nga tiến vào kênh Chios mờ sáng ngày 5/7/1770. Cả hai phía đều tận dụng thời điểm trời mờ sáng để triển khai đội hình.

Các thuyền trưởng Nga - trong thế trận nghiêng về phía kẻ thù - đã họp và ra quyết định: Để gây thiệt hại nhiều nhất cho quân Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu Nga sẽ thả neo ở trong tầm đạn của mình, và khai hỏa một loạt pháo trên tàu. Sau đó, các tàu Nga sẽ di chuyển sang bên sườn hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ, và hạ gục từng tàu một.

Hải chiến Chesma - trận thư hùng chấn động Địa Trung Hải

11h30 ngày 5/7, trận chiến bắt đầu. Các tàu chiến Nga bắt đầu di chuyển một cách liều lĩnh và dũng cảm, xông vào giáp lá cà với các tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng cách giữa hai bên chỉ còn chưa đầy 90m. Chỉ 15 phút sau đó, hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa ở cự li 500m. Bất chấp hỏa lực địch, các tàu Nga tiếp tục xông đến chiến tuyến của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần nổ một phát súng nào. Cuối cùng, kỳ hạm quân Nga Sv. Evstafii cũng tiếp cận được kỳ hạm Real Mustafa của quân Thổ ở cự ly trong tầm súng bộ binh.

Lập tức, kỳ hạm quân Nga khai hỏa vào tàu địch. Các mảnh cột buồm chính của tàu Real Mustafa rơi cả lên tàu Nga. Cả hai tàu đều phát nổ, hàng trăm người bị chết, chia đều cho cả hai phía. Đô đốc Spiridov của Nga, may mắn thay vẫn sống sót, nhưng bị hất văng xuống nước do sức ép của vụ nổ.

Các tàu chiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quần thảo với nhau ở cự ly gần.

Cả một vùng biển Chesma chìm trong khói lửa của trận hỗn chiến. Các tàu chiến của hai bên đánh giáp lá cà với nhau và khai hỏa từ cự li không quá 20m. Ở cự li đó, không chỉ hỏa lực, mà thắng lợi còn được quyết định bởi sự bình tĩnh và khả năng chịu đựng áp lực. Tuy nhiên, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã không chịu nổi đòn cân não này. Nhiều thủy thủ hốt hoảng nhảy xuống biển để bơi vào bờ, trong khi tàu chiến của họ hứng chịu những loạt pháo của quân Nga.

Sự hốt hoảng càng lan rộng trong hàng ngũ quân Thổ khi kỳ hạm của họ nổ tung cùng với kỳ hạm quân Nga. Chỉ ba giờ sau, hỏa lực pháo binh hạm tàu Nga đã đánh lui quân Thổ khỏi cuộc chiến. Các tàu của quân Thổ di chuyển một cách vô tổ chức, chỉ với mục tiêu duy nhất là rút lui về cảng Chesma. Quân Nga truy sát gót quân Thổ, quyết tâm tận diệt đối phương.

Hải quân Ottoman tan vỡ trong hải chiến Chesma.

Bao vây

Trong hai ngày sau đó, hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ bị các tàu Nga vây chặt trong vịnh Chesma. Hỏa lực pháo binh hạm tàu Nga liên tục trút đạn xuống kẻ thù trong nhiều giờ. Hầu như toàn bộ hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ rút lui khỏi cuộc chiến ở kênh Chesma đã bị phá hủy. Một trong những tàu lớn nhất Thổ Nhĩ, chiếc Rhodes, đã bị bắt làm tù binh.

Thiệt hại của quân Thổ là rất lớn và hầu như không thể hồi phục, với 11.000 quân bị giết, bị chết đuối hoặc bắt làm tù binh chỉ trong ba ngày chiến đấu. Đổi lại, phía Nga chỉ mất 5 tàu với khoảng 600 quân, cùng khoảng 40 người bị thương.

Sụp đổ

Trận hải chiến Chesma 5/7/1770 được xem như một trong những chiến thắng trên biển lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Cũng trong ngày hôm đó, 38.000 quân Nga dưới quyền Nguyên soái Rumiantsev đã đánh bại 80.000 quân Thổ bên bờ sông Larga, cùng với trận Chesma giáng một đòn búa bổ vào Đế chế Ottoman. Kể từ trận chiến Lepanto năm 1571, chưa bao giờ người Ottoman phải chịu thất bại nặng nề như vậy. Chiến thắng của hải chiến Chesma cũng được coi là một nguồn cảm hứng cho cuộc chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp.

Đúng như mong đợi của người Nga, chiến thắng Chesma đã tạo ra những thay đổi đáng kể. Người Nga giành quyền kiểm soát biển Aegean trong một thời gian, nhưng quan trọng hơn: Các quốc gia Thiên chúa giáo trên bán đảo nhìn thấy cơ hội nổi dậy, bắt đầu thời kỳ suy tàn của Đế chế Ottoman.

Mặc dù trận hải chiến Chesma không phải là sự kiện duy nhất để gây ra sự sụp đổ của Đế chế Ottoman ở bán đảo Balkans, nhưng vẫn là một dấu ấn lớn cho thấy ý chí và khả năng chiến đấu của người Nga với những đế quốc lớn trên thế giới.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/giai-mat-tran-thua-dau-cua-hai-quan-tnk-truoc-nga-o-chesma-818964.html