Giải ngân cho dự án trọng điểm: lắm cha con khó lấy chồng

Với dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM), trong khi phía cung cấp vốn ODA là Nhật Bản đã chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng thì có gì đó không ổn trong việc điều phối vốn của các cơ quan quản lý nhà nước phía Việt Nam.

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: ANH QUÂN

Vì không được giải ngân vốn đúng cam kết, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) khó mà hoàn thành kịp vào năm 2020. Trong dự toán 2,491 tỉ đô la Mỹ (đã được điều chỉnh tăng từ 1,091 tỉ đô la Mỹ) của dự án, gần 90% là vốn ODA của Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách của TPHCM (khoảng 200 triệu đô la Mỹ).

Thiếu vốn vì thủ tục

Có một thực tế là tiến độ giải ngân của nhiều dự án đầu tư từ ngân sách hiện nay bị chậm, mà lý do không phải là vì thiếu tiền. Theo ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm tháng đầu năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn chỉ đạt 19%, số vốn tồn đọng ở Kho bạc Nhà nước là rất lớn, hiện có tới 200.000 tỉ đồng gửi ngân hàng.

Việc giải ngân chậm của các dự án đầu tư công từ trung ương đến địa phương đôi khi do khó khăn trong bố trí nguồn vốn nhưng phần lớn lại là do các quy trình thủ tục. Hiện nay, một dự án đầu tư công phải được nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng thông qua và quản lý, trong đó luôn có bên kế hoạch - đầu tư và tài chính. Chẳng hạn, một dự án về giao thông sẽ phải do ít nhất ba cơ quan quản lý: kế hoạch - đầu tư, tài chính, giao thông vận tải cùng tham gia. Trong các đơn vị này, cơ quan tài chính có vai trò duyệt ngân sách và chi (qua Kho bạc Nhà nước) nên là nơi có thể phát sinh nhiều ách tắc liên quan đến nhiều quy định nhiêu khê về chứng từ hay quy trình. Điều này, những ai đã từng làm thủ tục tạm ứng hay quyết toán với Kho bạc Nhà nước chắc đều thấu hiểu.

Trở lại trường hợp dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, mặc dù hiện nay câu chuyện được hướng vào việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư, nhưng đề xuất của TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý từ năm 2011, và Thủ tướng đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan báo cáo Quốc hội từ thời điểm đó. Vấn đề hiện nay của dự án không phải là vốn đầu tư bao nhiêu (chuyện đã rồi, yêu cầu giải trình nếu cần thiết), mà là tiến độ giải ngân của dự án bị chậm. Theo ông Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đến tháng 4-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới phân bổ vốn năm 2017 cho dự án này 2.119 tỉ đồng, so với nhu cầu cả năm là 5.422 tỉ đồng. Trong khi vốn cho dự án phần lớn là vốn ODA đã cam kết, việc giải ngân chậm là do “quy trình nội bộ” từ phía Việt Nam, thì có phải do bị kẹt ở câu chuyện “thủ kho to hơn thủ trưởng”?

Giải quyết tình trạng “thủ kho to hơn thủ trưởng”

Trong mô hình tổ chức bộ máy quản lý ở nhiều nước, vai trò của cơ quan tài chính (Bộ Tài chính hay Bộ Kinh tế và Tài chính) tập trung ở chính sách tài khóa, tập trung ở vai trò hoạch định ngân sách, đảm bảo nguồn thu, và điều tiết các thị trường tài chính. Khi dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị thực hiện dự án được phân quyền tối đa kèm trách nhiệm giải trình, còn việc thực hiện giải ngân là trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, chỉ chấp hành mà thôi. Chứ không như hiện nay ở nước ta, nhiều khi đơn vị giữ tiền là kho bạc không hề có vai trò gì trong dự án nhưng lại là một khâu quan trọng trong việc quyết định dự án có thực hiện đúng tiến độ hay không. Chẳng hạn như dự án tuyến metro số 1 nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định số vốn phân bổ, nhưng vốn lại nằm ở Kho bạc Nhà nước và chịu sự quản lý của Bộ Tài chính.

Đối với những dự án trọng điểm sử dụng vốn vay ODA, việc giải ngân chậm cần xem lại bộ phận nguồn vốn, mà ở đây là Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) trong việc sắp xếp vốn. Vai trò kiểm soát có thể chuyển giao cho Kiểm toán Nhà nước và Kho bạc Nhà nước chỉ có trách nhiệm thực thi việc giải ngân.

Gần đây, Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập sở kế hoạch và đầu tư và sở tài chính, điều này ngoài lý do tinh gọn bộ máy thì còn giải quyết được vấn đề chồng chéo trong quản lý, việc giải ngân là trách nhiệm của cơ quan tài chính (kho bạc) mà không có thêm bước phê duyệt ở cơ quan này. Có như vậy, việc thực hiện dự án đầu tư công mới không bị chậm trễ do những phát sinh ở khâu giải ngân. Như vậy, nên chăng chuyển chức năng kiểm soát của Kho bạc Nhà nước sang cho Kiểm toán Nhà nước, tập trung và tăng cường công tác hậu kiểm.

Tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương

Với các đô thị lớn, trực thuộc trung ương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, các dự án đầu tư phát triển lớn từ nguồn vốn ODA đều do trung ương quản lý. Từ đó, phát sinh thêm một tầng nấc quản lý, và sự chủ động về tài chính của các địa phương là rất hạn chế. Ngay cả khi đã có cơ chế cho phép UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo Nghị định 52/2017/NĐ-CP thì mục đích vay lại bị giới hạn trong thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và sử dụng làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư (PPP).

Đối với các dự án hạ tầng lớn vay vốn ODA, Chính phủ đứng ra vay, nhưng khoản vốn vay cần chuyển trực tiếp cho địa phương thụ hưởng. Vì quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh trực tiếp trong việc thực hiện dự án, nên chính quyền địa phương sẽ chủ động tìm giải pháp tối ưu nhất cho mình trong việc sử dụng nguồn vốn. Việc kiểm soát từ phía trung ương sẽ thực hiện thông qua Kiểm toán Nhà nước, quy định trách nhiệm giải trình rõ ràng đối với cá nhân lãnh đạo có liên quan trong việc thực hiện dự án.

Như vậy, đối với những dự án trọng điểm sử dụng vốn vay ODA, việc giải ngân chậm cần xem lại bộ phận nguồn vốn, mà ở đây là Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) trong việc sắp xếp vốn. Vai trò kiểm soát có thể chuyển giao cho Kiểm toán Nhà nước và kho bạc chỉ có trách nhiệm thực thi việc giải ngân. Bên cạnh đó, cũng cần tăng quyền tự chủ của chính quyền địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn có các dự án trọng điểm. Vì nếu do giải ngân chậm mà tiến độ dự án bị trễ thì không chỉ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng, mà uy tín của Chính phủ với quốc tế cũng bị giảm theo.

Võ Đình Trí (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164803/giai-ngan-cho-du-an-trong-diem-lam-cha-con-kho-lay-chong.html