Giải nhất ngay từ lần đầu

Mới bước vào lĩnh vực thiết kế vi mạch được 3 năm và lần đầu tiên tham dự cuộc thi quốc tế nhưng hai kỹ sư của Việt Nam đã giành được giải nhất. Điều quan trọng là từ thành tích này, Việt Nam có thể xây dựng một ngành công nghiệp vi mạch phát triển có vị thế trên thế giới.

Bất ngờ của cuộc thi Ngày 19/3 tại Okinawa (Nhật Bản) đã diễn ra cuộc thi quốc tế Thiết kế vi mạch LSI 2010. Đây là lần thứ 13 cuộc thi được tổ chức với 27 đội tham gia cùng 103 thành viên đến từ các nước và vùng lãnh thổ. Mục đích của cuộc thi là tìm kiếm, đào tạo nhân tài thiết kế vi mạch cho nền công nghiệp vi mạch của thế giới và những đội đoạt giải sẽ có cơ hội nhận được học bổng học cao học tại Nhật. Chủ đề năm nay là “Thiết kế mạch sửa lỗi số BCH” (Bose, Chaudri, Hocquenguem) dựa trên thuật toán trường Galois sử dụng ngôn ngữ HDL (VHDL hoặc Verilog HDL) và tổng hợp mạch kỹ thuật số sử dụng công cụ của Synopsys hay bất kỳ công cụ khác. Cuối cùng là việc thực hiện mô phỏng trên FPGA (mảng cổng lập trình được dạng trường) theo cách tùy ý, miễn là ban giám khảo có thể thấy được sản phẩm thiết kế. Các đội tuyển lần lượt tham dự thi qua sơ khảo. Ban tổ chức chọn 13 đội đạt điểm cao nhất để bước vào vòng chung kết. Kết quả cuối cùng đã mang lại bất ngờ cho rất nhiều người. Nhật Bản được biết đến là nước đứng đầu trong ngành thiết kế vi mạch trên thế giới nhưng giải nhất của cuộc thi năm nay lại dành cho đội “Little Chickens” của Việt Nam – quốc gia lần đầu tiên tham dự. Tinh thần của “những chú gà nhỏ” Hai kỹ sư thiết kế vi mạch của Việt Nam là Trần Thị Hồng và Luyện Đức Hạnh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP HCM. Do chưa học thuật toán trường Gaulois nhị phân và cũng không có tài liệu nên họ phải tự mày mò tìm hiểu trên Internet và những người đi trước. Mất 7 tuần liền để hoàn thành đề tài, những ý tưởng thiết kế Hồng đưa ra đều được Hạnh kiểm tra, thử nghiệm, tìm ra lỗi, sai sót trong thiết kế. Cả hai đều ấp ủ ngày cùng nhau lên đường tham gia cuộc thi và trợ giúp cho nhau. Tuy nhiên vào phút chót phía Nhật thông báo chỉ đài thọ cho một thí sinh dự thi. Vì ICDREC không có nhiều kinh phí nên một mình Hồng được cử qua Nhật, còn Hạnh đành phải ở lại chia sẻ cùng đồng nghiệp qua Internet. Lần đầu tiên ra nước ngoài và đi có một mình nên cô gái 24 tuổi cảm thấy hơi run và buồn khi nhìn qua các đội bạn thấy đội nào cũng đông người với trang thiết bị rất hiện đại. Dù vậy, trước hội đồng giám khảo, Hồng lại tự tin thuyết trình đề tài bằng tiếng Anh và trả lời xuất sắc hai câu hỏi phản biện. Công trình đã được đánh giá tốt bởi nghiên cứu các ứng dụng để tạo ra tần số cao và tài nguyên sử dụng một cách hiệu quả nhất trong thiết kế vi mạch. Cơ hội cho Việt Nam Có thể nói, thắng lợi của hai kỹ sư trẻ tại đấu trường quốc tế đã mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam. Mới đây thôi, ICDREC cũng đã tổ chức thành công vòng một cuộc thi thiết kế analog đầu tiên cho sinh viên tại Việt Nam (AICD-2010) và chung kết sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới. Tại đây, các sinh viên cùng tìm kiếm ý tưởng sáng tạo về giải pháp quản lý nguồn năng lượng, qua đó được tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu về thiết kế vi mạch analog trên thế giới đến từ Mỹ (Analog Devices), Singapore (Synopsys) và Việt Nam (ICDREC). Vi mạch analog là giải pháp cho hàng loạt vấn đề như công suất tiêu tán, ảnh hưởng nhiệt độ, tốc độ hoạt động... cho các vi mạch và linh kiện điện tử ngày càng phức tạp và tinh vi. Theo bà Geok - Phó Tổng Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Synopsys, ở Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch analog có nhiều điều kiện phát triển với nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng lớn. Hiện các tập đoàn lớn như Synopsys và Analog Devices cũng đang bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam. Cuộc thi thiết kế vi mạch LSI (Large Scale Integrated) được tổ chức hàng năm dành cho sinh viên cao học các trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp của các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc thi khởi đầu từ năm 1997 do Hiệp hội Sáng kiến Bán dẫn Kyushu (Kyushu Emiconductor Innovation) phát động và tổ chức tại trường đại học Ryukyus với sự tài trợ của nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch nổi tiếng trên thế giới: Synopsys, Xilinx, Tokyo Electron Device, Renesas... Phương Hà

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2010/4/BCDA4E1FDA2F3AAE/