Giải Nobel hóa học 2016 trao cho những người tạo ra cỗ máy nhỏ nhất thế giới

Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa là chủ nhân của giải thưởng Nobel hóa học 2016.

Tử trái qua phải: Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa

Tử trái qua phải: Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa

Giải Nobel hóa học 2016 đã được trao cho 3 nhà hóa học là Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa với công trình thiết kế và tổng hợp các cỗ máy phân tử. Đây là những cỗ máy nhỏ nhất thế giới với kích thước bằng 1/1.000 sợi tóc có thể điều khiển được chuyển động. Công trình này có ý nghĩa rất lớn đối với y học của nhân loại. Cỗ máy này từ ý tưởng đến thực tế là một quá trình kéo dài hàng chục năm với sự kế thừa và phát triển liên tục.

Các bước đầu tiên hướng tới một cỗ máy phân tử đã được Jean-Pierre Sauvage đặt nền móng vào năm 1983, khi ông đã thành công trong việc kết nối hai phân tử hình vòng với nhau để tạo thành một chuỗi, được gọi là một catenane. Thông thường, các phân tử được kết nối với nhau bằng liên kết hóa trị mạnh mẽ khi các nguyên tử trong phân tử chia sẻ các electron. Nhưng Sauvage lại thành công khi liên kết các phân tử với nhau bằng một "liên kết vật lý" mà cụ thể hơn là dùng ion đồng khóa các phân tử.

Bước thứ hai trong việc phát triển cỗ máy phân tử được nhóm của Sir Fraser Stoddart phát triển vào năm 1991. Họ đã luồn một vòng phân tử trên một trục sợi phân tử và chứng minh rằng phân tử hình vòng có thể di chuyển dọc theo trục. Bernard Feringa là người đầu tiên phát triển các thành tựu trên để chế tạo một động cơ phân tử vào năm 1999.

Ông Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 ở Paris, Pháp. Ông hiện là giáo sư danh dự của ĐH Strasbourg (Pháp) và là Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp. Sir Fraser Stoddart sinh năm 1942 ở Edinburgh, Scotland. Ông hiện thỉnh giảng tại ĐH Northwestern của Mỹ. Ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan. Ông hiện là giáo sư ngành Hóa hữu cơ tại ĐH Groningen, Hà Lan.

Theo Wikipedia, nó là những thiết bị xây dựng nên từ những cấu trúc bậc nano có thể thực hiện những thao tác tương tự như chuyển động cơ học đáp ứng lại một kích thích bên ngoài. Người ta kỳ vọng các cấu trúc này có thể thực hiện các thao tác xúc tác có chọn lọc hoặc vận chuyển thuốc (hóa chất) trong y học nano.

Đây là kết quả khá bất ngờ vì trước đó các dự đoán nghiêng về các ứng cứ viên nặng ký khác như:

Các nhà khoa học Nhật Bản Hiroshi Maeda và Yasuhiro Matsumura, những người có công trình nghiên cứu về sự phát hiện của tăng cường độ thấm và duy trì hiệu lực của thuốc ở cấp độ phân tử, một phát hiện quan trọng trong lĩnh vực trị liệu ung thư.

Giáo sư Dennis Lo Yuk Ming đến từ Hồng Kông (TQ) với phát hiện xác định ADN của thai nhi từ tế bào tự do trong máu của thai phụ, một kỹ thuật rất có ích trong xét nghiệm không xâm lấn trước khi sinh.

Hai nhà khoa học George Church, thuộc Đại học Harvard của Mỹ và Feng Zhang, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ với nghiên cứu phương pháp chỉnh sửa gen Crispr-Cas9 ở tế bào chuột và người.

Trước đó, giải Nobel Y sinh 2016 được trao cho nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi vì khám phá ra cơ chế "tự thực" của tế bào còn giải Nobel Vật lý 2016 được trao cho bộ ba nhà khoa học David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz vì những phát hiện lý thuyết về sự chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất.

A,T

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/giai-nobel-hoa-hoc-2016-trao-cho-nhung-nguoi-tao-ra-co-may-nho-nhat-the-gioi-44401.html