Giải Nobel Kinh tế vinh danh những đóng góp cho 'học thuyết khế ước'

Các chuyên gia kinh tế làm việc tại các trường đại học ở Mỹ này được vinh danh nhờ những đóng góp cho "học thuyết khế ước".

Giáo sư kinh tế học Bengt Holmstrom thuộc trường Đại học MIT (Mỹ), đồng chủ nhân Giải Nobel Kinh tế 2016. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 10/10, Giáo sư kinh tế học mang hai quốc tịch Anh - Mỹ Oliver Hart thuộc trường Đại học Havard (Mỹ) và Giáo sư Bengt Holmstrom, người Phần Lan, của trường Đại học MIT (Mỹ), đã trở thành đồng chủ nhân Giải Nobel Kinh tế năm 2016 nhờ những đóng góp của họ về "học thuyết khế ước".

Theo Hội đồng Giải thưởng Nobel, các chuyên gia kinh tế làm việc tại các trường đại học ở Mỹ này được vinh danh nhờ những đóng góp cho "học thuyết khế ước", đặt nền tảng cho việc kiến tạo các chính sách và học viện trong nhiều lĩnh vực từ luật phá sản cho tới các thể chế chính trị.
Các nền kinh tế hiện đại được gắn kết với nhau bởi vô số hợp đồng.

Những công cụ lý thuyết mới do hai nhà kinh tế trên lập nên có giá trị lớn trong việc nhận thức được ý nghĩa của các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như những khó khăn có thể gặp trong định hình hợp đồng. Một trong số các mục tiêu của "học thuyết khế ước" là giải thích tại sao các hợp đồng lại có nhiều hình thức và cấu trúc khác nhau.

Những nghiên cứu của 2 nhà kinh tế này cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thấu hiểu nền kinh tế hiện đại. Do hợp đồng là khái niệm quen thuộc với tất cả mọi người như hợp đồng bảo hiểm, lao động, quyền sở hữu trí tuệ...

Nghiên cứu của Oliver Hart và Bengt Holmstrom tập trung vào việc cân bằng nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng - chia sẻ lợi ích tài chính giữa các bên. Đây là vấn đề giữa "rủi ro và động lực".

Nghiên cứu trên cung cấp câu trả lời cho các vấn đề như liệu các tổ chức cung cấp dịch vụ công như trường học, bệnh viện hay nhà tù nên thuộc sở hữu công hay tư; liệu giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên nhà lao nên được trả lương cố định hay dựa vào thành quả công việc, hoặc các lãnh đạo nên được trả lương bằng tiền thưởng hoặc quyền chọn cổ phiếu ở mức độ nào...

Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 5 được công bố trong mùa Nobel 2016. Giải thưởng năm ngoái thuộc về Giáo sư kinh tế mang hai quốc tịch Anh và Mỹ Angus Deaton với công trình nghiên cứu, phân tích về tiêu thụ, đói nghèo và phúc lợi xã hội. Giải Nobel cho lĩnh vực kinh tế ban đầu không thuộc cơ cấu các giải thưởng trong di chúc của nhà sáng lập người Thụy Điển Alfred Nobel.

Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển công bố giải này nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập. Ngoài giải Nobel Kinh tế đầu tiên được trao năm 1969, các giải khác được trao từ năm 1901. Cho tới nay đã có 76 người đoạt giải Nobel Kinh tế, trong đó các nhà kinh tế Mỹ chiếm đa số với 55 người được vinh danh.

Như thường lệ, các nhà khoa học sẽ nhận giải tại buỗi lễ trao giải chính thức vào ngày 10/12 tới ở thành phố Stockholm của Thụy Điển. Mỗi giải Nobel kèm theo phần thưởng 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 933.000 USD).

>>>Giải Nobel Kinh tế thuộc về hai nhà kinh tế người Anh và Phần Lan

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giai-nobel-kinh-te-vinh-danh-nhung-dong-gop-cho-hoc-thuyet-khe-uoc-/25986.html