Giải pháp cho vấn đề nhân lực y tế tuyến cơ sở

ND-Một trong những thành tựu của ngành Y tế Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đó là hệ thống mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, tới từng xã, thôn, bản. Nhiều năm qua, mạng lưới này đã không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân.

Trong hoạt động của y tế cơ sở, nhân tố con người càng nổi bật vị trí quan trọng. Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, có sự kết hợp tích cực giữa các bộ, ngành, địa phương, những năm qua, nhân lực y tế tuyến cơ sở đã được liên tục bổ sung, nâng cao. Đến nay, riêng lực lượng công lập, 68% Trạm y tế (TYT) xã đã có bác sĩ; 94% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 85% thôn bản có nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nhiều xã, thôn đã thu hút, huy động được nhiều nguồn nhân lực y tế ngoài công lập, hoặc là người địa phương sống tại xã, thôn (số đông là anh chị em quân y, dân y về hưu), hoặc người từ các địa bàn lân cận đến dưới mọi hình thức thích hợp (y tế tư nhân, y tế thiện nguyện,...). Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, mạng lưới y tế cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều mặt yếu. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, ngân sách y tế hạn hẹp, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động luôn là khó khăn lớn. Hiện vẫn còn gần 200 xã chưa có TYT; 3.600 xã chỉ mới làm được nhà tạm. Một số nơi đã đầu tư xây dựng kiên cố, song luôn bị thiên tai, bão lũ xâm hại. (Riêng bão số 9 vừa qua đổ bộ vào miền trung đã gây thiệt hại hơn 500 TYT xã/20% tổng số; có những nơi bị sụp đổ hoàn toàn). Trang, thiết bị đại bộ phận còn rất thô sơ. Kinh phí hoạt động eo hẹp. Những yếu kém, thiếu thốn ấy càng trầm trọng thêm khi chính đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cũng vừa thiếu vừa yếu. Nói thành tích 2/3 số xã có bác sĩ, cũng là thừa nhận thực trạng 1/3 hay trên 3.000 xã chưa có bác sĩ. Chưa kể sự không ít bác sĩ bỏ nhiệm sở khó khăn chuyển đến những nơi làm việc có thu nhập cao và thuận lợi hơn. Tính theo "chuẩn" của Thông tư Liên bộ Y tế-Nội vụ (Thông tư 08/2007/TTLB/BYT-BNV), hiện trạng nhân lực y tế công lập tuyến cơ sở vẫn còn thiếu 30%; một số vùng thiếu nghiêm trọng như: Đông Nam Bộ thiếu 50%; Đồng bằng sông Cửu Long thiếu 47%; Duyên hải Nam Trung Bộ thiếu 43%; Tây Nguyên thiếu 32% . Không chỉ thiếu về số lượng, yếu tố chất lượng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo một điều tra chuyên môn, 4/5 số bác sĩ tuyến xã có những vấn đề chuyên môn cần được bổ túc cập nhật. Tập huấn cán bộ y tế xã mới thực hiện được 70%.; tập huấn cán bộ y tế thôn bản mới thực hiện được 50%. Một số nơi được cấp trang, thiết bị mới, hiện đại, song trình độ người sử dụng chưa đáp ứng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả của trang, thiết bị, thậm chí để xuống cấp, hư hỏng. Khâu đào tạo năng lực quản lý, điều hành hầu như bị bỏ trống. Số đông cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý ít được trang bị tri thức và các kỹ năng quản lý để tổ chức, phát huy các nguồn lực sẵn có và có thể có. Trở lại câu hỏi: Giải pháp nào cho vấn đề nhân lực y tế tuyến cơ sở hiện nay và lâu dài? Có thể nêu mấy định hướng : Thứ nhất, cần thực hiện thật tốt những cơ chế, chính sách đã có, như khuyến khích trí thức trẻ về cơ sở (đặc biệt đối với 61 huyện nghèo; các xã biên giới, hải đảo); đào tạo cử tuyển; đào tạo theo yêu cầu; kết hợp quân - dân y; đổi mới cơ chế kinh tế y tế; thực hiện các luật mới về BHYT, khám, chữa bệnh, tổ chức quản lý y tế theo ngành (trong đó, đặc biệt phần liên quan, gắn kết với y tế cơ sở). Thứ hai, để "tập trung khai thác, vận hành thật tốt những cơ chế, chính sách đã có" địa phương giữ vai trò rất quan trọng. Thí dụ, việc thu hút, khuyến khích trí thức trẻ về cơ sở, luôn bao hàm cả vật chất và tinh thần. Phần chính sách của Trung ương mới đáp ứng được một phần cơ bản về quy định được mặt vật chất (tiền lương, phụ cấp,...). Địa phương cần phải đóng vai trò chủ yếu đáp ứng nhu cầu tinh thần. Một thái độ cởi mở, ân cần, chắc chắn hiệu lực hơn rất nhiều so với tăng khuyến khích vật chất mà không có những khuyến khích tinh thần đó. Thêm nữa, nhiều việc là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần và vật chất như: giúp đỡ nơi ở, thu xếp việc làm cho vợ hoặc chồng đi cùng, nơi học hành của con trẻ, v.v. Về chính sách đào tạo cử tuyển, cần thực hiện sao cho đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Điều này địa phương quyết định phần chủ yếu... Thứ ba, "Phòng bệnh hơn chữa bệnh!" là một bài học kinh nghiệm quý báu của ông cha tự nghìn xưa và vẫn luôn đúng với xã hội hiện đại. Trung ương vừa ban hành những chính sách lớn tăng cường y tế dự phòng, cả về tổ chức bộ máy, bố trí nguồn lực... Tuy nhiên, khâu rất quan trọng là truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, xây dựng nếp sống (kể cả sản xuất và sinh hoạt) hợp vệ sinh, rõ ràng chủ yếu thực hiện ở địa phương, thành bại nhiều ít do địa phương quyết định. Thứ tư, thích hợp với mô hình nền kinh tế nhiều thành phần, xã hội hóa hoạt động y tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Giải quyết vấn đề nhân lực y tế tuyến cơ sở luôn cần được quan tâm, kết hợp công lập và ngoài công lập. Quan niệm công lập như "phần cứng", chăm lo sự bình đẳng, đồng đều; thì ngoài công lập chính là "phần mềm", rất linh hoạt, tạo nên sự phong phú, đa dạng của các địa phương. Công lập luôn bị những giới hạn đang còn khá chật chội của ngân sách quốc gia nghèo; song ngoài công lập, chỉ tùy thuộc năng lực vận động, tổ chức, quản lý của mỗi địa phương, có thể phát triển hầu như vô hạn, luôn thích hợp cung cầu. Do vậy, cùng với xây dựng và phát triển nguồn nhân lực y tế công lập, rất nên coi trọng hơn nữa xây dựng và phát triển nguồn nhân lực y tế ngoài công lập. Trong các báo cáo hoạt động y tế thường quy tháng, quý, năm; báo cáo hoạt động của các chương trình y tế trọng điểm quốc gia, cùng với phần hoạt động của y tế công lập, cần có "chỉ tiêu thi đua" giữa các tỉnh về hoạt động của y tế ngoài công lập. Thứ năm, nói các điểm (2), (3), (4), không có nghĩa giảm nhẹ vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành. Bộ Y tế luôn chịu trách nhiệm lớn hướng dẫn, điều hòa, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách, bảo đảm sự bình đẳng (trong những giới hạn được phép), đồng bộ, rộng khắp các địa phương. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ mức cao đối với nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, biên giới, biển đảo. Luôn bám sát thực tế, qua sơ kết, tổng kết để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; hướng tới ngày càng sát hợp, hiệu quả hơn. Mặt khác, trách nhiệm lớn của Bộ Y tế là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng nhân lực y tế, tiến tới ngang tầm khu vực và quốc tế, (biểu hiện bằng cấp y tế Việt Nam được công nhận tương đương các nước trong khu vực và quốc tế; có người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, song cũng thu hút được người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh; tiến tới cân bằng "xuất - nhập" khám, chữa bệnh, tiến tới là "xuất siêu" dịch vụ khám chữa bệnh). Bộ cũng chịu trách nhiệm lớn về xây dựng và vận hành các chương trình truyền thông quốc gia về y tế, biên soạn và phổ biến các thông điệp truyền thông y tế chất lượng cao, có tính khả thi, khả dụng phổ quát. Cùng lúc, tham gia xây dựng và vận hành các chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường trong lành, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hội nhập, giao lưu và hợp tác quốc tế,...; nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp tác dụng thiết thực xây dựng, phát triển nhân lực y tế tuyến cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng dần tỷ lệ dịch vụ y tế tại chỗ, giảm chi phí đi lại và giảm phiền hà của người bệnh, đồng thời cũng giảm nhanh áp lực "quá tải" các tuyến trên như dư luận đang cấp bách đòi hỏi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159686&sub=62&top=39