Giải pháp dập khủng hoảng Triều Tiên nằm trong tay Mỹ?

Nếu như mọi biện pháp mạnh tay đều không có hiệu quả, phải chăng đã đến lúc Mỹ cần phải chấp nhận sự thật Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân? Như vậy, giải pháp dập khủng hoảng Triều Tiên chính là nằm trong tay Mỹ.

Trên thực tế có ý kiến của các cựu quan chức, cùng chuyên gia chính sách của Mỹ và Trung Quốc cho rằng, phương pháp để giải quyết mối đe dọa hạt nhân ở Đông Bắc Á hiện tại, đó là chấp nhận thực tế: Triều Tiên là một Nhà nước sở hữu hạt nhân.

Trên nhiều phương diện, cố gắng dài hạn trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên đang bị xem là thiếu thực tế trước tốc độ phát triển năng lực hạt nhân của quốc gia này.

Hạt nhân là sức mạnh sống còn mà Triều Tiên không dễ gì từ bỏ.

Thay vào đó, ngày càng có những lời kêu gọi Bắc Kinh và Washington cùng hướng tới mục tiêu đơn giản hơn, đó là chỉ cần đảm bảo Triều Tiên không sử dụng vũ khí hạt nhân là đủ. Bởi chính quyền Kim Jong-un cho rằng, năng lực này là sự đảm bảo sống còn của đất nước và họ không dễ gì từ bỏ.

"Một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân không nhất thiết là dấu hiệu của ngày tận thế", chuyên gia Jie Dalei từ đại học Nghiên cứu Quốc tế Peking nêu quan điểm. "Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ đã đôi lần đối mặt với khả năng hạt nhân của Triều Tiên thời gian qua".

"Trung Quốc từ lâu đã xác định phi hạt nhân hóa, hòa bình và ổn định là hai trong số những chính sách trọng tâm của Triều Tiên”, ông nói thêm.

“Nhưng khi hai mục tiêu không thể cùng tồn tại, đã đến lúc cân nhắc lại về chiến lược", ông này phân tích.

Bên cạnh đó, Jie còn cho rằng, nếu Trung Quốc và Mỹ nhìn nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân hợp pháp, họ sẽ cần tập trung vào các giải pháp ngăn chặn.

Trong khi đó, ý kiến của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, được tờ The New York Times dẫn lại, chỉ ra Mỹ có thể đối phó với vũ khí hạt nhân Triều Tiên như cách nước này đã đối phó với vũ khí hạt nhân của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, đề xuất của bà Rice đã bị người kế nhiệm bác bỏ. "Không, bà ấy đã lầm", Cố vấn An ninh H.R. McMaster nhận định khi được hỏi về bình luận của Rice. "Tôi nghĩ vấn đề trong quan điểm của bà ấy đó là các chiến lược răn đe cổ điển, làm sao điều đó có thể áp dụng với một thể chế như Triều Tiên?"

Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và từ đó đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ cũng như thực hiện thêm năm cuộc thử nghiệm ở giai đoạn về sau.

Những xung đột leo thang gần đây đã bắt nguồn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Triều Tiên với "hỏa lực thịnh nộ” trước dự định phóng tên lửa vào vùng biển gần căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.

Trung Quốc sẽ làm gì với bài toán hạt nhân Triều Tiên?

Những chuyên gia đến từ Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng, đã đến lúc Bình Nhưỡng và Washington nên chấm dứt các cuộc khẩu chiến và ngồi vào bàn đàm phán.

"Sau những gì xảy ra với Ukraine năm 2014, không quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân lại có ý định từ bỏ nó", Arthur Waldron, chuyên gia quan hệ quốc tế từ đại học Pennsylvania nhận định.

"Không thể có một cuộc tấn công toàn diện nào có thể phá hủy toàn bộ tên lửa trên lãnh thổ Triều Tiên. Đất nước này trải rộng trên 120.540km² - bằng với diện tích Anh Quốc hoặc Pennsylvania. Và mọi thứ đều ở dưới lòng đất", Arthur Waldron cũng khẳng định, phi hạt nhân hóa cũng là điều không thể.

"Thay vào đó, Mỹ, bằng con đường ngoại giao, cần công nhận Triều Tiên", chuyên gia này nhấn mạnh.

Wu Xinbo - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Mỹ, thuộc đại học Fudan ở Thượng Hải - tán thành quan điểm này.

Ông phân tích, Mỹ nên chấp thuận một Nhà nước Triều Tiên sở hữu hạt nhân và tập trung vào việc buộc Bình Nhưỡng đóng băng các hoạt động phát triển hơn nữa.

"Mỹ nên nối lại quan hệ với Triều Tiên dựa trên thực tiễn mới này và từ bỏ mục tiêu lật đổ thể chế của họ", ông Wu lập luận và chỉ ra, cách tiếp cận mới này có thể đầy rủi ro, nhưng cũng là phương án thực tiễn nhất.

Ngoài ra, mục tiêu tối hậu của Washington là lật đổ chính quyền Triều Tiên đang là nguồn gốc gây bất ổn. Nó khiến Trung Quốc cảm thấy miễn cưỡng trước việc phải đặt quá nhiều áp lực lên Triều Tiên.

Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh cũng đang âm thầm thay đổi chính sách mục tiêu với Bình Nhưỡng, theo lời Yue Gang, một Đại tá về hưu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu của PLA.

"Đã xuất hiện một chuyển biến nhỏ trong chính sách đối phó của Trung Quốc với Triều Tiên", Yue nói. "Về phương diện ngoại giao, Trung Quốc vẫn duy trì mục tiêu định sẵn trong công cuộc phi hạt nhân hóa, nhưng trên thực tế nước này đã dần chấp nhận và thích nghi với thực tiễn mới. Trung Quốc không còn áp đặt trong việc thúc đẩy một Triều Tiên không hạt nhân".

Yue cho biết, thay vì đẩy Bình Nhưỡng đến miệng vực, Washington nên ký một hiệp ước hòa bình để thay thế thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Ông cũng nhận định, thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng bắt nguồn từ sự lo ngại về an ninh và điều này có thể bù đắp bởi một hiệp ước hòa bình.

Trong khi đó, học giả Wu cho rằng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với giải pháp "đình chỉ kép” đã cho thấy sự thay đổi mục tiêu buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

Đề nghị này kêu gọi Triều Tiên đình chỉ các hoạt động hạt nhân và tên lửa trong tương lai, đổi lại các cuộc tập quân sự Mỹ - Hàn Quốc thường niên cũng sẽ dừng lại.

Linh Trang

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/giai-phap-dap-khung-hoang-trieu-tien-nam-trong-tay-my-a338507.html