Giải pháp đổi mới dạy học tiếng Anh

Từ năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp 10 tỉnh có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước, đạt nhiều giải cao trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh. Rất nhiều giải pháp đổi mới đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc triển khai, từ xây dựng chính sách, đề án dạy học cho đến kỹ thuật luyện thi môn tiếng Anh.

Tiết học tiếng Anh tại Trường THCS Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiết học tiếng Anh tại Trường THCS Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nỗ lực từ các trường

Nhu cầu sử dụng ngoại ngữ và tốc độ công nghiệp hóa cao của Vĩnh Phúc cũng thúc đẩy động cơ học tập môn tiếng Anh của học sinh. Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên nằm trong khu vực liền kề các công ty lớn là Honda, Toyota, gần sân bay Nội Bài và giáp ranh Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, nhu cầu học môn tiếng Anh của học sinh là rất lớn và môn học này là một thế mạnh của trường trong nhiều năm nay.

Năm học 2022-2023 cả ba môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh của Trường THPT Hai Bà Trưng nằm trong tốp 10 trường THPT trong tỉnh và 100% học sinh của trường thi đỗ đại học. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Trường có tám giáo viên dạy tiếng Anh, tất cả đều đạt chuẩn. Tổ giáo viên tiếng Anh thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, hào hứng tham gia giao lưu cụm trường do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Hiện nay, tất cả học sinh khối 12 đều hăng hái tham gia các buổi ôn thi do trường tổ chức, rất ít em tham gia các lớp luyện thi ngoài trường.

Trường THPT Trần Phú (thành phố Vĩnh Yên) có 477 học sinh lớp 12 thì hầu hết các em đăng ký thi các khối A1 và D, trong đó có môn tiếng Anh. Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Trâm thông tin: Nhà trường khuyến khích học sinh tự học buổi tối để ngấm sâu kiến thức trên lớp, cải thiện năng lực tư duy và khả năng sáng tạo. Giáo viên trong Tổ tiếng Anh đều nỗ lực tự học nâng cao trình độ, tích cực tham gia chương trình sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh...

Với ưu thế có nhiều học sinh xuất sắc, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc phát huy tối đa sức sáng tạo, khả năng tư duy độc lập của học sinh ở môn tiếng Anh. Nhà trường tổ chức hội thảo nâng cao năng lực tiếng Anh, mời giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy, tổ chức bồi dưỡng nhóm tùy theo năng lực của học sinh để nâng cao chất lượng đại trà.

Thầy Nguyễn Đình Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tất cả học sinh trong trường đều tham gia hoạt động ngoại khóa tiếng Anh, các câu lạc bộ và sự kiện có sử dụng tiếng Anh. Nhiều học sinh của trường đạt giải cao trong các cuộc thi tiếng Anh. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh đều đạt trình độ tương đương C1, C2 và có 10 giáo viên đạt chứng chỉ IELTS 7.0 - 8.5.

Xây dựng nền tảng vững chắc

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí hơn 643,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chi hơn 306 tỷ đồng. Đề án này đã và đang hỗ trợ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, các kỳ thi, đánh giá năng lực tiếng Anh chuẩn đầu ra cho học sinh, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ và mua sắm trang thiết bị dạy học. Đáng chú ý, để xây dựng môi trường dạy học tiếng Anh, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch hoạt động cho 24 câu lạc bộ giáo viên tiếng Anh ở cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT.

Các trường đều thành lập câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh. Phong trào học tiếng Anh phát triển mạnh từ bậc tiểu học. Đến nay, toàn bộ học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 của tỉnh Vĩnh Phúc đã được học tiếng Anh, hơn 60% học sinh lớp 1 và lớp 2 được học tiếng Anh tự chọn. Chương trình tiếng Anh tăng cường hiện đang triển khai cho học sinh khối 6, khối 7, khối 8 theo hình thức xã hội hóa trong năm học 2023-2024. Đối với khối trường THCS công lập, có 119 trường, 470 lớp và 16.615 học sinh tham gia Chương trình PSE (Tiếng Anh tăng cường có quản lý theo ISO).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến cho biết: Từ năm 2021, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường có quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO giai đoạn 2021-2025. Đến nay, hơn 90% giáo viên tiếng Anh các cấp học đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo quy định, trong đó có 23,4% giáo viên tiếng Anh các cấp học đạt chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS, 120 giáo viên đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên.

Học sinh dần quen với phương pháp học tập kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bước đầu tạo lập tư duy tự học, rèn luyện đức tính kiên trì. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đầu tư cho dạy và học môn tiếng Anh để giữ ổn định chất lượng môn tiếng Anh đại trà và nâng cao chất lượng đối với học sinh có nhu cầu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-phap-doi-moi-day-hoc-tieng-anh-post810340.html