Giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Mấu chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng mang tên Triều Tiên đến từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Vấn đề nhạy cảm này vốn đã làm đau đầu Mỹ, EU, Nga và cả Trung Quốc. Đâu là giải pháp? Bài viết sau đây của Châu Bảo Nguyễn đăng trên BBC News ngày 11/3 (giờ VN):

Những đồn đoán và giả thiết gần đây về cái chết của ông Kim Jong-nam (ngày 11/3, Malaysia khẳng định người bị đầu độc tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2 là Kim Jong-nam) anh trai Chủ tịch Kim Jong-un, theo các nhà phân tích, hé lộ những bất ổn chính trị nội bộ Triều Tiên. Với gần 20 tên lửa đạn đạo được bắn lên hồi năm 2016, cũng như các vụ thử liên tiếp vào trung tuần tháng 2 và tháng 3/2017, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga và Trung Quốc can thiệp chặt chẽ tình hình bán đảo Triều Tiên bởi đây là địa bàn tranh giành ảnh hưởng sau khi cấu trúc hai cực tan rã. Đan xen lợi ích khiến các giải pháp hiện thời, đặc biệt là tiến trình “Đàm phán 6 bên”, dần trở nên bế tắc. Kinh nghiệm từ Thỏa hiệp Trại David năm 1978 cho thấy, đã đến lúc cần có một sự thay đổi trong các tiếp cận giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là bài toán hóc búa của Mỹ và thế giới trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Zero sum game

Năm 2003, tiến trình “Đàm phán 6 bên” (Six Party Talks) ra đời bao gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc. Tới nay, đã có sáu vòng đàm phán diễn ra song không mang lại kết quả mong đợi. Đối thoại Liên Triều dừng lại ở cuộc gặp thượng đỉnh của hai bên dưới tác động của chính sách “Ánh Dương” (Sunrise) do cựu Tổng thống Kim Dae-jung khởi xướng.

Nỗi ám ảnh "ai thống nhất ai", dường như luôn là chướng ngại bất khả thi với cả hai miền Triều Tiên trên con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ. Đặc biệt, vụ nổ tàu Cheonan năm 2010 đã khiến quan hệ hai bên trở lại vạch xuất phát - vĩ tuyến 38.

Dù có sự dính líu nhiều bên, nhưng quan hệ Triều Tiên-Mỹ có tính chất then chốt để giải quyết vấn đề hạt nhân. Song, các điều kiện tiên quyết mà Mỹ và Triều Tiên đưa ra trong “Đàm phán 6 bên” luôn hoàn toàn có tính triệt tiêu lẫn nhau. Bình Nhưỡng muốn Mỹ tôn trọng những điều kiện tiên quyết là chủ quyền và khả năng hạt nhân của mình, còn Mỹ khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán đa phương và kêu gọi Triều Tiên xóa bỏ chương trình hạt nhân.

Với các vụ thử tên lửa gần đây, liệu ông Kim Jong-un có thể hy vọng vào thế thượng phong trong bàn đám phán? Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra chính sách không thống nhất, lúc mềm dẻo khi cứng rắn đối với Triều Tiên, cốt là để chứng tỏ vai trò “cường quốc trách nhiệm” của mình trong hòa giải quốc tế. Trong đàm phán hạt nhân, Nhật Bản dường như lại tập trung nhiều hơn vào việc quy trách nhiệm Triều Tiên bắt cóc công dân của mình từ thời Thế chiến II.

Trong khi đó, lập trường trung dung thực dụng của Nga chỉ làm sự chia rẽ các bên thêm đậm nét, và giúp Nga tranh thủ ký một số thương vụ dầu lửa. Nghịch lý là, trong khi các cường quốc như Mỹ và Nga kiên quyết giữ lại một số lượng vừa đủ kho vũ khí hủy diệt của mình, chính họ, nhân danh các tổ chức quốc tế, lại xử ép và gây áp lực lên những nước có tham vọng sở hữu hạt nhân.

Tóm lại, “Đàm phán 6 bên” về hạt nhân Triều Tiên đi vào vòng luẩn quẩn là do tư duy lối mòn từ Chiến tranh lạnh, mang nặng tính đối đầu, áp đặt theo kiểu "Zero sum game" - trò chơi tổng bằng không.

Bài học Cam David

Trong lịch sử, đã không ít vấn đề tưởng chừng không có lối thoát nhưng cuối cùng vẫn được giải quyết nhờ một bước đột phá. Một trường hợp điển hình là việc ký kết hiệp ước Camp David năm 1978 giữa Israel và Ai Cập (Thỏa hiệp Trại David).

Trước đó, quan hệ hai bên luôn căng thẳng không chút khoan nhượng, do phản ứng của các nước Ả Rập chống lại quyết định phân trị mảnh đất Palestine của Liên Hợp Quốc. Hậu quả của chính sách đối đầu này là bốn cuộc chiến tranh Trung Đông đẫm máu vào các năm 1948, 1956, 1967 và 1973.

Bước ngoặt xảy đến khi Tổng thống Anwar Sadad nắm quyền tại Ai Cập ký Thỏa hiệp Trại David quyết định công nhận ngoại giao Israel. Năm 1978, Thỏa hiệp Trại David được ký kết giữa Thủ tướng Israel Begin và Tổng thống Ai Cập Sadat với vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, mở ra cục diện mới ở Trung Đông. Sau đó, một hiệp định hòa bình ký kết giữa hai bên vào năm 1979 và quan trọng hơn là mở ra một cục diện hoàn toàn mới tại Trung Đông.

Năm 2003, bắt đầu tiến trình “Đàm phán 6 bên” về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hiện đang đi vào bế tắc (Ảnh: Wikipedia)

Hòa bình được thiết lập, song cái giá cho chính sách "đổi đất lấy hòa bình" thật đắt: Ai Cập bị các nước Ả Rập tẩy chay và bản thân ông Sadad bị ám sát năm 1981.

Mỹ không là “cảnh sát toàn cầu”

Từ kinh nghiệm Thỏa hiệp Camp David, có lẽ đã đến thời điểm thích hợp để Mỹ và Triều Tiên ký một hiệp định hòa bình. Mặc dù không theo đuổi chính sách ôn hòa như người tiền nhiệm Barack Obama, chính sách ngoại giao dân túy của Tổng thống Donald Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không mạo hiểm lợi ích quốc gia giải quyết xung đột quốc tế.

"Chúng ta nhận được gì từ điều đó?" - ông Trump đã từng nói trong bài vận động tranh cử của mình khi bình luận về khả năng đụng độ vì tên lửa hạt nhân giữa Nhật Bản –Triều Tiên" - Chúc (hai bạn) may mắn! Hoa Kỳ không phải là 'cảnh sát toàn cầu' (policeman of the world)".

Hướng đi mới ?

Một hiệp định hòa bình Mỹ - Triều Tiên cũng mang lại hy vọng về cách tiếp cận khác đối với công nghệ hạt nhân nhằm phục vụ dân sinh. Đây là đòi hỏi bức thiết của nhiều quốc gia trên thế giới do các nguồn năng lượng hóa thạch hay dầu lửa đang dần cạn kiệt. Không thể sử dụng bất cứ một cơ chế quốc tế hay hành động bạo lực nào để ngăn cản nhu cầu chính đáng này.

Liệu Nhật có đủ tin tưởng cách giải quyết vần đề hạt nhân với Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump? (Ảnh: AP)

Bản thân Mỹ, chắc chắn sẽ bao giờ chịu tiêu hủy hết kho vũ khí hạt nhân của mình, mặc dù năm 2010, Mỹ và Nga đã ký kết hiệp ước START cắt giảm vũ khí hạt nhân. Dĩ nhiên, hiệp định hòa bình chỉ là bước khởi đầu cho một sự thay đổi chứ chưa phải là tất cả.

Lòng kiêu hãnh của người Mỹ, sự nghi kỵ của Triều Tiên vẫn là bài toán học búa. Do đó, cơ hội mở ra cho một chủ thể trung gian (ngoài Đàm phán 6 bên) như ASEAN đứng ra diễn giải về lợi ích ích của một hiệp định hòa bình như vậy. Đặc biệt khi ASEAN sở hữu một công cụ là diễn đàn an ninh khu vực ARF mà cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều là các bên đối thoại.

Tóm lại, tạo dựng lòng tin, xóa đi những nghi kỵ lịch sử là hướng đi khả dụng cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, dù cái giá phải trả có thể là rất đắt. Trong bối cảnh hiện nay căng thẳng Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Malaysia đang tăng, liệu rồi đây ASEAN có là nhân tố chính trong hòa giải Mỹ - Triều Tiên để tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân của Triều Tiên?

Thủy Tiên (Theo BBC News, 3/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/giai-phap-moi-cho-van-de-hat-nhan-trieu-tien-d55613.html