Giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng các trường sư phạm

Tại cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện quy hoạch các trường sư phạm.

Quy định mức điểm sàn đối với các trường sư phạm mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Ảnh: ST.

Quy định điểm sàn mới giải quyết phần ngọn

PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, khi quy định mức điểm sàn riêng, Bộ GD&ĐT cần tính đến quy mô và đặc thù của từng bậc học, ngành học. Ví dụ như, ngành giáo dục mầm non đòi hỏi giáo viên phải có những phẩm chất đặc biệt như yêu trẻ, có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, múa hát, kể chuyện… Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm nên sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, đồng thời cũng tính đến việc sử dụng học bạ bậc THPT.

Trước thực trạng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm hoặc làm hợp đồng với mức lương thấp, dẫn tới, nhiều thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm, vậy khi Bộ GD&ĐT quy định mức điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm có thu hút được người học ?

Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, có thể năm nay, với hình thức thi trắc nghiệm điểm thi THPT của thí sinh có cao hơn năm ngoái nên mức điểm sàn xét tuyển vào đại học cao hơn. Năm sau, điểm sàn có thể sẽ khác vì còn phụ thuộc vào đề thi, phân loại trình độ của thí sinh.

Đối với điểm chuẩn của một số trường sư phạm thấp, PGS.TS Lưu Trang cho biết, năm nay những trường sư phạm ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vẫn có điểm chuẩn ở tốp cao. Tuy nhiên, có một số trường đại học sư phạm địa phương lấy điểm chuẩn chỉ bằng với mức điểm sàn. Đặc biệt, có trường cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn dưới mức điểm sàn, có trường lấy tổng số điểm 3 môn chỉ có 9 điểm. Nguyên nhân do chỉ tiêu của các trường sư phạm đi kèm theo vấn đề tài chính. Do đó với nhiều trường tuyển đủ chỉ tiêu là một việc quan trọng để đảm bảo hoạt động của trường.

Để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018 Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Liệu rằng khi Bộ GD&ĐT nâng mức điểm sàn các trường sư phạm lên thì có tuyển được sinh viên chất lượng vào học ngành sư phạm, khi chưa giải quyết được việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT nâng mức điểm sàn mới chỉ là giải quyết phần ngọn, còn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề là giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm.

Quy hoạch cần dựa vào nguồn nhân lực

Theo GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường sư phạm phù hợp và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết. “Bộ GD&ĐT cần phải tập trung nghiên cứu về dân số, về quy mô, về độ tuổi, về phân bố địa lý, về dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn lực đầu tư phù hợp”, GS. Nguyễn Văn Minh khẳng định.

GS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cần phải có định hướng rõ ràng, đâu là trường trung tâm, đâu là phân hiệu, đâu là cơ sở đào tạo vệ tinh. Từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp như: Nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Ông Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tập trung xây dựng những trường sư phạm trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. HCM, Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Còn lại những trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên nào còn yếu nên có sự hợp nhất lại hoặc có thể sáp nhập vào những trường sư phạm trọng điểm hay vào những vị trí trường vệ tinh.

Ông Vỳ cũng băn khoăn, Bộ GD&ĐT quy hoạch lại các trường sư phạm sẽ tác động rất lớn tới nhiều thầy cô giáo, bởi khi nhiều trường sáp nhập lại với nhau thì việc làm cho giáo viên sẽ giảm bớt đi. Vấn đề này không được giải quyết một cách thấu đáo sẽ trở thành một vấn đề xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, với những trường sư phạm, sự can thiệp điều tiết của thị trường sẽ ít hơn so với hệ thống đào tạo nói chung. Theo đó, các trường sư phạm sẽ dựa trên quy mô dân số trong độ tuổi đi học, nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu sẽ đào tạo đến đó.

Trên cơ sở các chuẩn, quy chuẩn đối với các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại hệ thống các trường sư phạm để xem trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư để phát triển. Đối với những trường chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu cần tiếp tục đầu tư đạt chuẩn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho vùng, địa phương, có thể sáp nhập với trường lớn, để lan tỏa chất lượng của những trường lớn ra những vùng miền khác. Những trường nào yếu kém về chất lượng mà xã hội không lựa chọn sẽ khoanh vùng để có các giải pháp phù hợp.

Trong quy hoạch các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT đang xây dựng các chuẩn, quy chuẩn cơ bản cho các trường sư phạm, trong đó, dự kiến có tiêu chí về tỉ lệ sinh viên có việc làm. Trên cơ sở đó sẽ rà soát các trường sư phạm trong toàn hệ thống, trường đạt chuẩn sẽ được đặt hàng đào tạo và các sinh viên được đặt hàng đào tạo khi tốt nghiệp sẽ có việc làm. Ngoài ra, khi khảo sát trên toàn hệ thống trường sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện quy hoạch chất lượng, trên cơ sở đó để xác định từ chỉ tiêu cho đến “đầu ra”.

"Tôi tin rằng, nếu làm tốt, đặc biệt là đánh giá chất lượng từng trường, từng nơi gắn với chỉ tiêu và cơ chế đặt hàng thì những vấn đề như đầu vào giảm sút, hay những bất cập khác sẽ tự nhiên được giải quyết".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với ngành Giáo dục ngày 17/8

Mỹ Đức

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giai-phap-tong-the-nang-cao-chat-luong-cac-truong-su-pham.aspx