Giải phóng khỏi nỗi ám ảnh hệ số ảnh hưởng

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc đánh giá các nhà khoa học qua việc công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao không chỉ khiến các nhà khoa học lãng phí thời gian mà còn khuyến khích họ thổi phồng công trình của mình, hoặc tệ hơn, sẽ chỉ tập trung cố gắng vào việc đảm bảo công bố công trình trên những tạp chí được đánh giá cao.

Đó là lý do vì sao, một năm sau khi công bố, đã có hơn 10.000 cá nhân trong khắp cộng đồng khoa học ký tên vào Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu (DORA), với mục đích giải phóng khoa học khỏi nỗi ám ảnh hệ số ảnh hưởng, và hy vọng có thể thúc đẩy khả năng sử dụng các phương án thay thế và phương pháp tốt hơn trong đánh giá nghiên cứu, từ đó đem lại lợi ích không chỉ cho cộng đồng khoa học mà còn cả toàn thể xã hội.

Một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất đang thực hiện những bước tích cực hướng đến những cách đánh giá hoàn thiện là Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) qua thay đổi cụ thể về mẫu lý lịch hoặc “tiểu sử tóm tắt” trong các hồ sơ xin tài trợ. NIH đã quyết định đưa thêm vào bản tóm tắt tiểu sử một phần ngắn, trong đó ứng viên trình bày một cách súc tích những thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật nhất của mình để các nhà xét duyệt tài trợ khỏi mất tập trung vào tìm hiểu tạp chí nào từng đăng tải các công bố trước đó [của ứng viên].

Một ví dụ nữa, như tạp chí Science đã nêu, trong một đợt tuyển dụng các vị trí mới của khoa do mình phụ trách, Sandra Schmid thuộc Trung tâm Y khoa Tây Nam của ĐH Texas đã yêu cầu các ứng viên gửi phản hồi cho một loạt câu hỏi về những đóng góp chính của họ trong những giai đoạn khác nhau của sự nghiệp, thay vì một bản lý lịch truyền thống với danh sách các công bố khoa học. Cách tiếp cận tương tự cũng được thực hiện để chọn người nhận giải thưởng Kaluza danh giá dành cho các nghiên cứu sinh.

Một đặc điểm chung của các tổ chức tài trợ có cách thức tiếp cận mới mẻ trong đánh giá nghiên cứu là yêu cầu các ứng viên trình bày chọn lọc các đóng góp nghiên cứu nổi trội nhất trong công trình nghiên cứu của mình, chứ không phải chỉ dựa vào danh tiếng tạp chí đã xuất bản nó. Họ đồng thời còn dựa vào các nguồn lực khác như các bộ dữ liệu, sáng kiến và phần mềm quan trọng - một cách làm đã được Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) thực hiện từ tháng 1-2013.

Việc càng xuất hiện nhiều phương pháp đánh giá không phụ thuộc vào các hệ số ảnh hưởng và tên tuổi của tạp chí sẽ giúp các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu hơn và giúp xã hội bằng cách đem lại hiệu quả cao hơn cho những khoản đầu tư công trong khoa học.

Thanh Nhàn lược dịch

Nguồn: http://theconversation.com/time-to-discard-the-metric-that-decides-how-science-is-rated-27733)

* Giáo sư Sinh học Tế bào và Phát triển của ĐH Berkeley, California, một trong những tác giả của DORA

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=36&News=7981&tabid=110