Giải phóng thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận

Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng năm 1975, trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công, tinh thần quần chúng sôi động hẳn lên. Tin chiến thắng từ khắp nơi dội về cổ vũ quân dân ta.

Chớp thời cơ thuận lợi với tinh thần chủ động, ngày 4/4/1975, Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm: Giải phóng Ma Lâm (chi khu quận lị Thiện Giáo), và các ấp dọc đường 8, quốc lộ 1A, áp sát Phan Thiết; sau đó sẽ phối hợp với đại quân giải phóng Phan Thiết và toàn tỉnh. Đêm mùng 7 rạng ngày 8/4/1975, các lực lượng của ta đánh vào chi khu Thiện Giáo. Mặc dù địch chống trả quyết liệt nhưng đến khoảng 20 giờ cùng ngày quân ta đã làm chủ vào giải phóng hoàn toàn quận lị này. Sau khi Ban chỉ huy quân giải phóng Bình Thuận được thành lập (ngày 9/4), quân ta chia làm 2 cánh tiến đánh giải phóng đường 8 và đoạn quốc lộ 1A (phía Bắc Phan Thiết). Ngày 14/4/1975, phối hợp với đại quân, quân dân các huyện phía Bắc chủ động tiến công và nổi dậy, giải phóng Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Hải Ninh. Bọn địch ở đồn Cây Táo rút chạy trước ngày 17/4 và bọn địch ở Tà Zôn (Thuận Phong) cũng phải tháo chạy. Khoảng 20 giờ ngày 18/4, Lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 và lực lượng tại chỗ đã vượt qua cầu Phú Long tiến vào Phan Thiết. Suốt ngày 18/4, Bộ chỉ huy Quân giải phóng Bình Thuận cho pháo 105, ĐKB, H12 pháo kích mạnh mẽ vào tiểu khu Bình Thuận, Căng Ê-xê-pic, Lầu Ông Hoàng gây sát thương cho địch, tạo ra nhiều đám cháy nổ lớn, khiến cho địch phải hoang mang rối loạn; góp phần tích cực cho đại quân tiến vào Phan Thiết. Đến 2 giờ ngày 19/4, quân ta làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Phan Thiết. 9 giờ sáng hôm ấy, Ủy ban Quân quản tỉnh Bình Thuận vào tiếp quản Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được giải phóng (trừ đảo Phú Quý). Cùng thời gian trên, quân dân tỉnh Bình Tuy cũng nhất loạt chủ động tấn công địch. Trên đường tiến quân vào Sài Gòn, để hỗ trợ cho địa phương, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã để lại một bộ phận giúp lực lượng Quân khu 6 và tỉnh Bình Tuy tiến công giải phóng La Gi. Không thể chống cự nổi sức tấn công của bộ đội Bình Tuy, bọn địch ở Láng Gòn bỏ chạy từ 20/4. Khoảng 20 giờ ngày 22/4, đại quân ta tiến thẳng vào tiểu khu Bình Tuy và làm chủ ngay trong đêm đó. Sáng 23/4, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng. Trong lúc quân chủ lực tiêu diệt những nơi đầu não, then chốt của địch, thì bộ đội địa phương, đội công tác, dân quân du kích và cơ sở đoàn thể tại chỗ khẩn trương phát động nhân dân nổi dậy kêu gọi tề ngụy đầu hàng. Đến 27/4, với sự hỗ trợ của hải quân và đặc công của Bộ, đảo Phú Quý cũng được giải phóng. Trải qua nhiều ngày đêm chiến đấu anh dũng, liên tục tiến công và nổi dậy, quân và dân 2 tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng quê hương. Góp phần cùng quân dân cả nước làm nên mùa Xuân đại thắng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc trường chinh hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bình Thuận xứng đáng và tự hào với 12 chữ vàng mà Trung ương Cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phong tặng: “ Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”. (Theo Bình Thuận Online)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=23&newsid=190594