Giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non ở Ninh Bình: Một mình một chợ!

Quyết định số 60/2011 ngày 26.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 và thông tư liên tịch số 09/2013 hướng dẫn thực hiện QĐ số 60 nói trên đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn giáo viên mầm non (GVMN) cả nước thoát khỏi sự thiệt thòi. Tuy nhiên, ở Ninh Bình, chính sách này chỉ được thực hiện một phần, gần 4.000 GVMN của tỉnh vẫn phải chịu bất công và uất ức...

Cô Nguyễn Thị Xoa cố giấu giọt nước mắt tủi phận khi nói về chế độ của mình.

Bài 1: Bất chấp quyền lợi người lao động

Từ đi trước chính sách...

Trong khi hàng chục nghìn GVMN trên cả nước vẫn đang phải làm việc với chế độ hợp đồng công việc, thì Ninh Bình là tỉnh đi đầu trong việc giải quyết chế độ cho đối tượng này. Ngày 27.7.2010, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 04 phê duyệt Đề án số 03 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi các trường mầm non (MN) bán công thành trường MN công lập.

Theo đó, 134 trường MN bán công sẽ được chuyển đổi sang loại hình trường MN công lập tự chủ một phần về tài chính. Sau khi chuyển đổi theo đề án trên, toàn tỉnh có 148 trường MN (bao gồm 14 trường công lập, 1 trường dân lập).

Số CB, GV, NV đang công tác tại 148 trường thời điểm đó là 4.236 người. Theo phụ lục 05 của đề án, kinh phí hằng năm để tuyển dụng 620 GV, NV mầm non hợp đồng vào biên chế nhà nước là trên 23,2 tỉ đồng (căn cứ mức lương tối thiểu 730.000 đồng). Nguồn kinh phí được chi trả từ ngân sách địa phương.

Đề án 03 của Ninh Bình thời điểm đó như một làn gió mới, tạo sự phấn khởi rất lớn cho GVMN.

... bất chấp quyền lợi người lao động...

Cô giáo Phạm Thị Thêu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thành, TP.Ninh Bình - nói: “Đây là đề án mang tính tích cực, CB, GV rất phấn khởi vì bao nhiêu năm phải chịu thiệt thòi, cùng được đào tạo như GV tiểu học, THCS, nhưng khi đi làm chỉ mang thân phận hợp đồng, nay đã được vào biên chế như bao đồng nghiệp khác”.

Như vậy, ngay từ năm 2010, Ninh Bình đã không còn loại hình trường bán công, mà chỉ có trường công lập và số rất ít trường MN dân lập.

... đến bất chấp quyền lợi của giáo viên

Dù đã ghi rõ nguyên tắc để xây dựng và thực thi đề án là “đảm bảo tính công bằng đối với CB, GV, NV công tác trong các trường mầm non”; tuy nhiên, ngay từ đầu, đề án này đã ẩn chứa sự bất công khi căn cứ chi trả lương cho GV được tuyển dụng vào biên chế chỉ là bậc 1.

Theo đó, GV có trình độ trung cấp đều được tính bậc lương 1,86 mà không quan tâm tới việc GV đó đã có tới hàng chục năm công tác trong ngành, đã đóng BHXH bắt buộc nhiều năm qua. Người mới vào nghề cũng như người sắp sửa đến tuổi nghỉ hưu đều đánh đồng một bậc lương.

Đề án 03 đã gây thiệt thòi cho nhiều giáo viên mầm non ở tỉnh Ninh Bình. Ảnh: L.C.C

Cô Nguyễn Thị Xoa – nguyên GV Trường MN Yên Khánh, TP.Ninh Bình - là một ví dụ điển hình về sự thiệt thòi này. Cô Xoa bắt đầu dạy trẻ từ năm 1972, khi đất nước còn khó khăn, cô cùng đồng nghiệp đã lặn lội vào từng nhà dân vận động đưa trẻ đi học, rồi dựng lán, lập trường.

Thu nhập của cô cũng như bao đồng nghiệp khi đó được nhân dân trả bằng lúa khi đến vụ. Đến năm 1995, cô Xoa mới được ký hợp đồng và đóng BHXH. Năm 2012, cô Xoa được tuyển dụng vào biên chế theo Đề án 03.

Mức lương theo quyết định tuyển dụng là 1,86. Biên chế được 1 năm, năm 2013 cô nhận quyết định về hưu nhưng vẫn chưa được nhận lương hưu hằng tháng, bởi cô còn thiếu 1 năm đóng BHXH cho đủ 20 năm. Vậy là bây giờ cô không những không có lương, mà còn phải đóng mỗi năm 4 triệu đồng BHXH.

Sống neo đơn, nghỉ nghề dạy học, không có ruộng, thu nhập của cô bây giờ trông chờ vào mấy con lợn.... Năm 2015, khi đủ năm đóng BHXH thì mức lương hưu của cô Xoa cũng rất thấp, vì chỉ được hưởng 75% số lương hệ số 1,86. Vậy là hơn 30 năm cống hiến của cô chỉ được ghi nhận bằng… mức lương khởi điểm như GV vừa mới ra trường (?!).

Ngày 26.10.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 60/2011, quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện QĐ số 60 nói trên.

Theo đó, đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có đóng BHXH bắt buộc trước ngày 15.12.2011 (ngày QĐ số 60/2011/QĐ-TTg có hiệu lực) thì được xếp lương theo nguyên tắc: “Kể từ ngày ký HĐLĐ có đóng BHXH bắt buộc đến thời điểm xét chuyển xếp lương theo thông tư 09 không có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thì sau khi trừ đi thời gian tập sự theo quy định được tính xếp vào bậc 1 theo chức danh nghề nghiệp của GVMN tương ứng; thời gian công tác sau đó (nếu có) được tính để xếp lên bậc lương cao hơn trong chức danh nghề nghiệp của GVMN”.

Theo quy định này thì những trường hợp như cô Xoa khi nhận quyết định về hưu sẽ có mức lương đã được nâng nhiều lần chứ không phải ở mức khởi điểm của trình độ trung cấp như cô được nhận.

QĐ số 60 của Thủ tướng có hiệu lực thi hành ngày 15.12.2011; chính sách hỗ trợ đối với GVMN quy định tại thông tư liên tịch số 09 được tính hưởng kể từ ngày 1.1.2012. Vậy nhưng, các cơ quan chức năng ở tỉnh Ninh Bình đã không áp dụng QĐ 60 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư liên tịch số 09, mà vẫn thực hiện Đề án 03 của tỉnh. Hậu quả là tất cả GVMN không kể già trẻ, mới ra trường hay sắp về hưu đều chỉ có một mức lương khởi điểm, người có trình độ trung cấp là 1,86; cao đẳng, đại học là 2,34.

Việc vận dụng quy định theo kiểu "một mình một chợ", không thực hiện theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ khiến cho hàng nghìn người lao động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình - đặc biệt GV đã cống hiến lâu năm - chịu thiệt thòi mà không biết kêu ai.

Bài tiếp: Lờ văn bản cấp trên, cố né tránh sự thật!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/giai-quyet-che-do-cho-giao-vien-mam-non-o-ninh-binh-mot-minh-mot-cho-184114.bld